Ký ức 'Tinh hoa Bắc bộ' lạ mà quen

30/10/2017 19:08 GMT+7

Vở diễn thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ có thật nhiều mảnh ghép từ quá khứ, vừa xưa vừa được làm mới để chiều lòng người xem.

Trường thi trong Tinh hoa Bắc bộ không già nua, nghiêm khắc như những gì nhiều người đã miêu tả về những năm đèn sách, lều chõng xưa. Trong vở diễn thực cảnh ở khu giải trí Baara Land, Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội này, cảnh lều chõng rất sinh động và có nhịp điệu nhanh. Cùng một lúc nhiều thí sinh mang lều chõng xuất hiện thành dãy dài, khua guốc vui tai rồi cùng viết bài, nộp quyển. Bảng vàng cũng được yết, có người ủ rũ bên cạnh người reo vui. Một hình dung về sĩ tử như thế khá dễ cảm, dễ làm người xem thấy quá khứ gần hơn.
Trong suốt vở diễn (có sự cố vấn lịch sử của nhà sử học Dương Trung Quốc), câu chuyện quá khứ liên tục được cụ thể hoá bằng hình ảnh như thế. Gần như những gì người ta vẫn dùng để nhận diện văn hoá Bắc bộ đều có mặt ở đây. Sen nở bừng trên mặt hồ. Bao cô yếm thắm hát Người ở đừng về. Mùa gặt với chiếc xe kéo lúa đầy ăm ắp. Chú bé chăn trâu với chiếc ô bằng lá khoai. Tố nữ bước ra từ tranh dân gian Đông Hồ, rồi lại trở vào trong đó như một câu chuyện liêu trai. Giá đồng Mẫu Thoải cũng được đưa vào chương trình, tạo cơ hội để giới thiệu di sản tín ngưỡng thờ Mẫu.
Xe chở lúa ngày mùa Ảnh BTC cung cấp
Hoa sen và chuồn chuồn ánh sáng Ảnh BTC cung cấp
Lão ngư phủ trên mặt hồ Ảnh BTC cung cấp
Thuỷ đình để diễn múa rối nước Ảnh BTC cung cấp
Cảnh lều chõng đi thi Ảnh BTC cung cấp
Nhưng cũng có những câu chuyện thật sự chỉ riêng ở mảnh đất Sài Sơn, Quốc Oai này mới có. Đó là thuỷ đình lao xao màn rối nước vốn rất nổi tiếng của vùng đất này. Những người nông dân cũng trực tiếp tham gia đêm diễn để giới thiệu mình đã gieo hạt, gặt mùa ra sao. “Tôi nghĩ là không thể không nói đến rối nước, không thể không nói về thiền sư Từ Đạo Hạnh khi nói về mảnh đất này”, ông Dương Trung Quốc chia sẻ.
Nhà sản xuất cũng cho biết đây gần như là một đề bài bắt buộc khi dựng vở diễn. Chính vì thế, những buổi tập của diễn viên- nông dân hầu như diễn ra vào chiều tối và họ sẵn sàng tập liên tục để kể câu chuyện ruộng đồng về quê hương mình.
“Diễn viên” đáng kể nhất của vở diễn chính là sân khấu mặt nước rộng tới 4300 m2, tựa lưng vào núi Thầy - nơi có chùa Thầy nổi tiếng. Ở dưới lòng sân khấu tự nhiên này còn có cả một dàn kỹ thuật lớn đủ để nâng lên hạ xuống mặt nước một thuỷ đình cho rối nước. Chủ tịch tập đoàn Tuần Châu, ông Đào Hồng Tuyển, cho biết mình đã ấp ủ một sân khấu thực cảnh từ rất lâu và Sài Sơn là nơi điều đó đã thành hiện thực. Ông Tuyển cũng cho biết đã đưa người đi xem và trao đổi kinh nghiệm với ekip dựng show du lịch của đạo diễn lừng danh Trương Nghệ Mưu.

tin liên quan

Biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ
Ngày 19.10, tại TP.HCM, Tập đoàn Tuần Châu đã chính thức công bố chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh Tinh hoa Bắc bộ giới thiệu một nền văn hóa rực rỡ của Việt Nam nói chung và Bắc bộ nói riêng.
Điều kỳ lạ là đạo diễn vở lại đến từ TP.HCM, cũng không phải người gốc Bắc. Về điều này, nhà đầu tư cho biết rất đề cao sự hấp dẫn, tính giải trí của vở diễn để chiều lòng khách du lịch. Bản thân đạo diễn Hoàng Nhật Nam cũng đặt yêu cầu cụ thể. “Chúng tôi muốn trả lời câu hỏi đến Hà Nội thì tới đâu xem gì. Câu trả lời phải là đến xem show Tinh hoa Bắc bộ”, vị tổng đạo diễn nói.
Cùng lúc, nhiều hiệu ứng ánh sáng, âm thanh, video được đưa vào ứng dụng trong chương trình. Chẳng hạn, các cô tố nữ có thể rẽ mặt tranh để bước ra từ màn hình chiếu nhờ các hiệu ứng màn hình. Góc nhìn giải trí này mang lại sự lấp lánh cho các câu chuyện xưa cũ. Cũng nhờ đó, mảnh ghép từ quá khứ trong Tinh hoa Bắc bộ vừa có chất hoài cổ, vừa có sự mới mẻ để chiều lòng người xem.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.