Ký ức về con đường huyền thoại trên biển

03/05/2013 09:50 GMT+7

Nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cựu binh Lê Nốt (79 tuổi, ở thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, H.Hoài Nhơn, Bình Định) vẫn nhớ như in những tháng ngày làm thuyền viên tàu không số chở vũ khí, hàng hóa phục vụ chiến trường miền Nam.

Từ những thước phim trong ký ức, ông Nốt đã dựng lại mô hình tàu không số bằng xi măng trước sân nhà mình. Rất nhiều lần ông Nốt tình nguyện dẫn khách đến thăm nơi tàu không số cập bến Lộ Diêu năm xưa và bia tưởng niệm chiến công của Đoàn đặc công Hải quân 125 cùng quân dân Lộ Diêu (được khánh thành năm 2005). “Tuổi già sống bằng quá khứ. Lúc xây nhà, tôi quyết định tự xây con tàu không số theo trí nhớ của mình để làm kỷ niệm. Mất 3 lần đập đi xây lại mới hoàn thành”, ông Nốt tâm sự.

Ký ức về con đường huyền thoại trên biển
Ông Lê Nốt với tác phẩm “ tàu không số” do mình tự làm - Ảnh: Công Cường

Đầu năm 1960, cấp trên tăng cường ông Trần Phi Khanh (quê ở xã n Hữu, H.Hoài n, Bình Định) về quê nhà làm cán bộ tham mưu Tỉnh đội Bình Định, thực chất là chuẩn bị bến bãi cho tàu “không số” chở hàng hóa, vũ khí vào chi viện. Sau một thời gian công tác, ông Khanh chọn bãi ngang thôn Lộ Diêu. Trong những ngày đó, ông Lê Nốt được ông Khanh động viên nên quyết định rời gia đình (mặc dầu lúc ấy vợ ông đang nuôi con nhỏ, đứa nhỏ nhất mới 8 tháng tuổi) vượt Trường Sơn ra miền Bắc và gia nhập lực lượng hải quân.

Ông Nốt kể lại, đầu tháng 10.1964, tàu không số thuộc Lữ đoàn 125 Hải quân được thành lập và nhận nhiệm vụ vận chuyển vũ khí vào Bình Định. Ngày 26.10, tàu rời cảng Bính Động (Hải Phòng) bắt đầu hành trình vào Nam. Ông Nốt là thuyền viên trên tàu này, ngoài ra còn có thuyền trưởng Phạm Vạn, chính trị viên Đặng Văn Thanh, thuyền phó Trần Phi Khanh, đội phó Trần Phấn, thuyền viên Hiệu, Nam, Hiến, Dợn, Hiền, Dần và Hoàng. Tàu cũ, thô sơ, thời tiết lại bão gió nên thường xuyên gặp sự cố và phải luôn đề phòng kẻ thù.

Ký ức về con đường huyền thoại trên biển
Bia tưởng niệm như lời nhắc nhở thế hệ sau ở Lộ Diêu về 1 con đường huyền thoại - Ảnh: Công Cường

Khoảng 4 giờ sáng ngày 1.11.1964, tàu đến được bến Lộ Diêu. Tàu không thể bốc hàng rời bến trước khi trời sáng, Ban chỉ huy quyết định mở máy chạy hết tốc độ đâm thẳng vào bờ cát. Du kích canh gác, toàn bộ lực lượng cơ sở và quần chúng nhân dân Lộ Diêu được huy động đào hầm ngay trên bãi cát chôn giấu hàng tạm thời và tiêu hủy xác tàu. Ban đêm, dân quân, du kích chuyển vũ khí lên kho tạm ở trên núi suốt 10 đêm trước khi lực lượng chuyên trách chuyển về kho bí mật. Quân địch ở địa phương không hề hay biết sự kiện vừa xảy ra ở Lộ Diêu. Phải mấy ngày sau, “đánh hơi” thấy vụ việc, chúng liền vào thôn, bắt người tra hỏi. Tuy nhiên, ai cũng một mực khai “đốt cháy tàu đánh cá mắc cạn” nên chúng phải thả về.

Sau chuyến đầu tiên cập bến Lộ Diêu đó, ông Nốt có đi thêm một vài chuyến tàu không số khác rồi về công tác tại Quân chủng Hải quân. Khi nghỉ hưu, mặc dù con cháu níu giữ, vợ chồng ông vẫn từ giã sự ồn ào, tấp nập của TP.Hồ Chí Minh về Lộ Diêu để những ngày còn lại được nhìn thấy biển và nghe tiếng sóng quê nhà.

Công Cường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.