Ký ức về mẹ của những người đặc biệt

12/05/2013 14:55 GMT+7

(TNO) Nhân buổi ra mắt cuốn tranh truyện Thời thơ ấu của các nhân vật đặc biệt (phát hành vào 1.6 tới) và Ngày của Mẹ (ngày 12.5), nhiều câu chuyện xúc động về người mẹ trong ký ức của những nhân vật đặc biệt, đã bước qua tuổi 70, được gợi lại…

(TNO) Nhân buổi ra mắt cuốn tranh truyện Thời thơ ấu của các nhân vật đặc biệt (phát hành vào 1.6 tới) và  Ngày của Mẹ (ngày 12.5), nhiều câu chuyện xúc động về người mẹ trong ký ức của những nhân vật đặc biệt, đã bước qua tuổi 70, được gợi lại…

Buổi giao lưu, trò chuyện do Hội quán Các bà mẹ tổ chức tại Hội nhà báo TP.HCM với các nhân vật đặc biệt: Bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương (103 tuổi), nhà giáo - nhà toán học Đàm Lê Đức (83 tuổi), GS.TS Trần Văn Khê (93 tuổi), bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (74 tuổi)…

Ký ức về mẹ sau hơn 80 năm

Mở đầu câu chuyện, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nói: “Ví như ở loài voi. Nếu muốn bắt voi mẹ, người ta chỉ cần mang con voi con đi, chắc chắn, con voi mẹ sẽ đi theo đến cùng, vì con của nó”. Với bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tình mẹ luôn bao la, dù ở bất kỳ giống loài nào. 

GS.TS Trần Văn Khê bồi hồi: “Đến bây giờ, tôi vẫn không thể quên nét mặt mẹ tôi lúc tôi 5 tuổi, cái ngày tôi bị đau chân, ngồi khóc, mẹ lấy chai dầu bóp chân cho tôi với khuôn mặt rất đỗi thân thương”.


GS.TS Trần Văn Khê (trái) và bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương chia sẻ về mẹ

Đến năm 8 tuổi, người mẹ ấy dặn dò để lại cho ông vườn cây với 100 cây vú sữa mà bà đã bỏ công chăm chút và nói: “Đây là phần mẹ dành cho con”. Để rồi, hơn một năm sau đó, ông trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ.

“Ở đời, mẹ là thứ nhất nhưng tôi đã không có được mẹ từ nhỏ. Thế nên danh từ Mẹ đối với tôi là còn mãi…”, giáo sư Trần Văn Khê xúc động bày tỏ.

Sau ngày mẹ ông mất, ông lại trở thành người mẹ đối với người em gái nhỏ của mình. “Em gái xem tôi như phụ mẫu. Em muốn đi chơi đâu, tôi cũng dẫn đi. Em thích ăn gì, tôi cũng mua. Em gái tôi dù không được mẹ chăm sóc nhưng cũng không có cảm giác thiếu thốn tình mẹ”, giáo sư Khê kể tiếp. 

Có lẽ vì thế mà suốt cuộc đời mình, giáo sư Khê vẫn luôn cố gắng chia sẻ, phổ biến và duy trì tiếng hát ru, một phần thiêng liêng về người mẹ trong trái tim ông.

Không kìm được xúc động, nhà giáo - nhà toán học Đàm Lê Đức đọc lên bài thơ bà đã mơ thấy khi gặp mẹ trong giấc mơ sau khi nghe câu chuyện của GS Trần Văn Khê.

“Mẹ - vừng sáng soi đường con bước,
Mẹ - dòng sông dịu mát tâm hồn,
Phách anh linh của người thuở trước,
mãi muôn đời tỏa sáng trong con”

“Ngay trong giấc mơ tôi đã thấy mẹ và viết bài thơ “Gặp mẹ trong mơ”, nhà giáo Đàm Lê Đức nói.

Hình ảnh mẹ đi suốt cuộc đời

Nhà giáo Đàm Lê Đức cho biết, từ nhỏ bà được nghe mẹ dạy: “Con ơi, ở đời người ta có câu tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhưng tiên trách kỷ, hậu cũng trách kỷ. Nên mình phải tự trách mình trước khi trách người khác”.

“Vì thế, từ khi đi học tôi không bao giờ giận hay trách ai”, bà nói thêm. Và câu nói đó được bà truyền dạy lại cho bao nhiêu thế hệ học trò.


Nhà giáo - nhà toán học Đàm Lê Đức xúc động kể về mẹ

"Trong quá trình dạy học, tôi hay hỏi học sinh, đến khi nào thì mình hết nghe lời mẹ dạy và đa phần học sinh trả lời khi mẹ mất thì mình sẽ không còn được nghe lời mẹ dạy. Thế nhưng, tôi cho rằng, dù mẹ có mất đi, thì lời dạy của mẹ vẫn sống mãi mỗi trong chúng ta”, nhà giáo Đàm Lê Đức nhấn mạnh.

Theo nhà giáo Đàm Lê Đức, những câu nói, hình ảnh hiền hậu về mẹ cũng là những điều bà truyền lại cho bao nhiêu thế hệ học trò. Để rồi, ngày nay, những người được bà dạy học lại xem bà như người mẹ hiền trên bục giảng.

Đối với bác sĩ Dương Cẩm Chương, dù đã 103 tuổi, nhưng hình ảnh người mẹ vẫn không bao giờ phai nhạt trong ông.

“Người mẹ đối với tôi là điều gì đó rất thiêng liêng. Cả cuộc đời tôi chỉ có viết một quyển hồi ký về mẹ, không viết về bất kỳ điều gì khác…”, bác sĩ Dương Cẩm Chương cho biết.

Ra mắt tranh truyện Thời thơ ấu của các nhân vật đặc biệt 

Cuốn tranh truyện Thời thơ ấu của các nhân vật đặc biệt kể về tuổi thơ của bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương, nhà giáo - nhà toán học Đàm Lê Đức, nhà âm nhạc, nhà dân tộc học Trần Văn Khê, đôi bạn bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và bác sĩ Trương Thìn, nhà thơ, quận chúa Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương... sẽ chính thức phát hành ngày 1.6.

Trong ấn phẩm này, những câu chuyện nhân văn, hết sức ý nghĩa được kể bằng lời văn nhẹ nhàng cũng được chuyển tải đến các bạn nhỏ về những nhân vật đã dành tâm huyết cả đời mình theo đuổi điều họ đam mê.

Minh Luân - Hoàng Quyên
Ảnh: Độc Lập

>> Làm mẹ ở Phần Lan sướng nhất
>> Viết cho Ngày của mẹ 12.5
>> Tình yêu của mẹ
>> Giáo sư Trần Văn Khê nhận giải Thành tựu trọn đời trong m nhạc
>> Mừng GS-TS Trần Văn Khê thọ 90 tuổi  

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.