Dòng dõi “Nho gia, ái quốc”
Cụ Dương Cẩm Chương sinh năm 1911 (tính theo “tuổi mụ”, chỉ chờ qua Tết Quý Tỵ thì đã là... 103 tuổi). Cụ là con trai của chí sĩ Dương Bá Trạc. Dương Bá Trạc là nhà nho yêu nước, hoạt động trong phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, từng bị Pháp đày ra Côn Đảo. Mãn hạn tù, cụ Dương Bá Trạc bị thực dân Pháp an trí tại Long Xuyên (An Giang) và ông Dương Cẩm Chương được sinh ra ở đây (mẹ là cháu ngoại nhà thơ Chu Mạnh Trinh). Đặc biệt, cụ Dương Cẩm Chương (và con cháu) có quyền tự hào là tên của cha mình và 2 người chú ruột đã được lấy để đặt tên cho 3 con đường ở TP.HCM: Dương Bá Trạc (Q.8), Dương Quảng Hàm (Q.Gò Vấp) và Dương Tự Quán (H.Bình Chánh).
|
Y đạo và nghệ thuật
Năm 1957, Dương Cẩm Chương là Giám đốc Nha Y tế Trung nguyên Trung phần. Đến năm 1960, ông được chọn đi tu nghiệp ở Mỹ. Nghĩ rằng qua Mỹ sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi nên ông quyết định học vẽ (căn bản kỹ thuật sơn dầu) với họa sĩ Nguyễn Trí Minh (Trường mỹ thuật Gia Định). Một trong những bức tranh đầu tiên của ông là bức Khu Bàn Cờ - Sài Gòn được thầy dạy vẽ của ông khen ngợi. Như vậy, Dương Cẩm Chương đến với hội họa khi ông đã 50 tuổi. Hơi muộn, nhưng ông “ập” vào hội họa với tất cả nỗi rạo rực, đam mê... Năm 1968, ông về hưu và sang Pháp định cư. Ông dành thời gian học vẽ thêm ở Mỹ, ở Pháp. Trở thành hội viên Hội Họa sĩ Pháp với hơn 20 lần triển lãm cá nhân ở Paris cùng với hàng chục giải thưởng quốc tế…
Sau 22 năm định cư ở Pháp, năm 1990 gia đình Dương Cẩm Chương về lại quê hương. Việc đầu tiên của ông là xách giá vẽ qua bên kia cầu Chữ Y, Q.8 (TP.HCM) để vẽ con đường mang tên thân phụ mình: Dương Bá Trạc.
|
Vợ ông - Thân Thị Ngọc Quế (1918 - 2007), cũng từng là “hiện tượng” trên văn đàn Việt Nam. Sau khi gia đình bà ở Pháp về lại Việt Nam, người ta bỗng chú ý đến những bài thơ của một nữ thi sĩ đã… trên 70 tuổi. Từ đó cho đến lúc từ trần (hơn 15 năm), bà đã in được khoảng 12 tập thơ. Thơ của bà được nhiều nhạc sĩ phổ thành ca khúc (Dzoãn Mẫn, Phạm Duy, Hoàng Giác, Trịnh Công Sơn, Tô Vũ, Phạm Trọng Cầu...).
Đọc tập thơ Thi Tâm (NXB Thời Đại, in xong tháng 12.2012) mà bác sĩ - họa sĩ Dương Cẩm Chương ra mắt nhân sinh nhật “đại lão” của mình, người ta mới biết rằng đôi vợ chồng nghệ sĩ này từ đầu những năm 1990 đã cùng làm thơ xướng họa, nhưng thơ của bà thì “nhập thế” còn thơ của ông thì “giữ làm kỷ niệm cho riêng mình”. Lúc này cả ông lẫn bà đều đã “vượt ngưỡng... cổ lai hy” nhưng trong lời thơ, tình yêu của họ vẫn đằm thắm, thiết tha: “... Đã vào một kiếp phù sinh/Cũng mang hương sắc cho tình nở hoa/Ta trong trời đất bao la/Mà bao la đó trong ta có gì?” (Về với bao la - Thân Thị Ngọc Quế). Ông họa lại: “Đăm chiêu ánh mắt bao la/Mặt nhìn mặt, những thiết tha bao tình/Những gì ngưỡng mộ lung linh/Trước sau cũng trả cho tình thương yêu/Bởi vì duyên nợ đã nhiều/Giọt sương có đọng, cánh bèo vẫn trôi...” (Tình yêu bao la - Dương Cẩm Chương). Đặc biệt sau khi bà đã xuống tóc quy y (năm 1999, pháp danh Thích Nữ Tâm Mẫn) thì họ vẫn làm thơ xướng họa...
Tập Thi Tâm có khoảng 120 bài thơ (lục bát và đường luật) thì có đến gần một nửa là thơ xướng họa của ông bà. Sau khi cụ bà mất, những lúc ngồi một mình, lục đọc lại những bài thơ cũ của “người xưa”, cụ ông xúc động, lấy giấy bút họa lại thơ vợ mình. Vẫn nghiêm cẩn ghi dưới bài thơ vừa họa xong: “Dương Cẩm Chương phụng họa”. Thật đáng cho chúng ta suy ngẫm!
Hà Đình Nguyên
>> Bài thơ tình tháng 7 - Thơ của Lê Nho Quế Sơn
>> Họa sĩ Trần Minh Tâm: Con đường nào cũng nhiều thử thách
>> Họa sĩ Tôn Đức Lượng - 'Thư ký thời đại' tái xuất
>> Họa sĩ voi
Bình luận (0)