Đáng chú ý, từ 15.4, hàng loạt án lệ liên quan đến tranh chấp về quyền sử dụng đất giữa người được cấp đất và người cải tạo, sử dụng đất lâu năm sẽ được áp dụng.
Một trong những án lệ khá phổ biến là: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài giao lại đất nông nghiệp cho người trong nước sử dụng ổn định, lâu dài và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) (Án lệ số 35/2020). Trường hợp này, theo nội dung Án lệ số 35/2020, phải xác định người ở trong nước có quyền sử dụng đất hợp pháp.
Được cấp đất nhưng không sử dụng: tước quyền chủ đất
Án lệ số 35/2020 được Hội đồng thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao chọn dựa trên quyết định giám đốc thẩm số 65/2018 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xét xử các vụ án tương tự. Theo nội dung án lệ, mặc dù trước đó, vợ chồng cụ K. có sử dụng diện tích đất tranh chấp, nhưng hai cụ đã định cư ở nước ngoài không sử dụng đất nhiều năm nên đất nông nghiệp này thuộc diện bị nhà nước thu hồi. Vợ chồng ông D. (người con - PV) trực tiếp sử dụng, hằng năm kê khai, nộp thuế cho nhà nước và đã được nhà nước công nhận cấp Giấy chứng nhận QSDĐ năm 2005 nên có quyền sử dụng hợp pháp diện tích đất này.
Một án lệ khác - Án lệ số 33/2020 (được chọn dựa trên quyết định giám đốc thẩm số 34/2018 của Ủy ban Thẩm phán - TAND cấp cao tại Hà Nội) sẽ được dùng để xét xử các trường hợp cá nhân được nhà nước cấp đất nhưng không sử dụng mà để người khác quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài từ khi được giao đất. Nếu tranh chấp thì tòa án không chấp nhận yêu cầu đòi lại QSDĐ. Cụ thể, nội dung án lệ này nêu, mặc dù cụ U. là người được cấp đất nhưng cụ đã không sử dụng đất mà cho ông T. sử dụng từ năm 1975 đến nay. Quá trình sử dụng đất, ông T. tôn nền, xây dựng nhà ở ổn định, đăng ký kê khai và nộp thuế quyền sử dụng đối với thửa đất này nên theo quy định của pháp luật đất đai, ông T. thuộc trường hợp được xem xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ. Việc cụ U. không sử dụng đất nhưng có tên trên bản đồ giải thửa và sổ mục kê năm 1982 là không chính xác và không phải là căn cứ để xác định cụ U. là chủ sử dụng hợp pháp đối với thửa đất này. Nhưng TAND H.Phù Cừ và TAND tỉnh Hưng Yên chỉ căn cứ vào việc cụ U. được cấp đất để xác định thửa đất tranh chấp là của vợ chồng cụ U. và chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và trích một phần công sức cho ông T. là không đúng.
Ngoài ra, Án lệ số 33/2020 (được chọn dựa trên quyết định giám đốc thẩm số 19/2019 của HĐTP TAND tối cao) sẽ được dùng để giải quyết tình huống pháp lý đất có nguồn gốc là do cá nhân khai phá nhưng sau đó xuất cảnh định cư ở nước ngoài và người khác đã quản lý, sử dụng ổn định, lâu dài. Trong trường hợp này, phải xác định cá nhân khai phá đất không còn quyền sử dụng đất hợp pháp nên việc yêu cầu đòi lại QSDĐ là không có cơ sở để chấp nhận.
Có được hồi tố ?
Các tình huống án lệ và giải pháp pháp lý trên được HĐTP TAND hướng dẫn áp dụng sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15.4.2020. Điều này cũng đặt ra vấn đề: Đối với các vụ án có nội dung tương tự nhưng bản án có hiệu lực pháp luật trước đó tuyên khác với án lệ, sẽ được xử lý thế nào? Theo ông Nguyễn Đình Trung (Viện KSND cấp cao tại TP.HCM), mỗi văn bản ban hành đều có thời điểm áp dụng. Và án lệ cũng tương tự, chỉ có hiệu lực thi hành từ thời điểm nhất định, theo văn bản công bố của Chánh án TAND tối cao. Chẳng hạn, theo quyết định về việc công bố 8 án lệ mới của TAND tối cao, điều 2 của quyết định này nêu “các TAND và tòa án quân sự có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng các án lệ trong xét xử kể từ ngày 15.4.2020”, vì vậy, án lệ chỉ được áp dụng đối với các vụ án được xét xử từ ngày 15.4.2020, còn trước đó sẽ không được áp dụng.
Tương tự, PGS-TS Trần Văn Độ (nguyên Phó chánh án TAND tối cao) khẳng định kể từ ngày án lệ có hiệu lực thi hành thì các vụ án tương tự án lệ đang xét xử sẽ được áp dụng án lệ trong xét xử; án đã có hiệu lực thi hành nhưng có một sai lầm trong tố tụng hoặc nội dung nào đó mà bị kháng nghị giám đốc thẩm để xét xử lại thì vẫn được áp dụng án lệ. “Nhưng không dùng án lệ đó làm cơ sở để xem xét lại các bản án có nội dung tương tự đã có hiệu lực pháp luật trước khi án lệ có hiệu lực thi hành”, ông Độ nêu.
Còn luật sư Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam) phân tích, án lệ sẽ có hiệu lực thi hành tại một thời điểm nhất định, vì vậy việc sử dụng án lệ trong xét xử chỉ được áp dụng từ thời điểm án lệ đó có hiệu lực thi hành trở về sau. “Trường hợp một số vụ án có nội dung tương tự nhưng bản án đã có hiệu lực pháp luật trước thời điểm công bố án lệ thì sau này án lệ không phải căn cứ hủy án để xem xét lại bản án”, luật sư Hậu nói và cho biết thêm, bộ luật Tố tụng dân sự quy định phải căn cứ vào luật, pháp luật tương tự, phong tục tập quán, án lệ. Thời điểm này án lệ đã có. Vì vậy không thể lấy án lệ từ thời điểm sau để quay lại xem xét các bản án có hiệu lực pháp luật trước đó. Pháp luật không được hồi tố và chỉ áp dụng trong trường hợp cụ thể. (còn tiếp)
Tranh chấp chia tài sản chung về việc mua hóa giá nhà được giải quyết thế nào?Một tình huống pháp lý phát sinh trong thực tiễn được nhiều người quan tâm là: Cá nhân thuộc diện mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo Nghị định 61/CP nhưng khi còn sống, người đó chưa làm thủ tục mua hóa giá nhà theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, Án lệ số 31/2020 nêu phải xác định quyền thuê nhà, mua nhà thuộc sở hữu của nhà nước là quyền tài sản và được chuyển giao cho các thừa kế của người đó. Về trường hợp này, HĐTP chọn quyết định giám đốc thẩm số 5/2018/DS-GĐT HĐTP TAND tối cao về vụ án dân sự “tranh chấp chia tài sản chung về việc mua hóa giá nhà” tại TP.HCM làm án lệ. Quyết định giám đốc thẩm này đã hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TP.HCM để xét xử lại theo hướng trên, khi cấp sơ thẩm, phúc thẩm tước đi quyền của người thừa kế được mua nhà hóa giá.
|
Bình luận (0)