Kỳ vọng chứng khoán cuối năm

03/10/2016 08:00 GMT+7

Chỉ số VN-Index trên thị trường chứng khoán đã lập đỉnh mới sau gần 9 năm và đang tiến sát đến mức 700 điểm, mang đến nhiều kỳ vọng cho nhà đầu tư ở những tháng còn lại của năm.

Kết thúc 9 tháng năm nay, tăng trưởng GDP cả nước đạt 5,93% và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 3,14% so với cuối năm 2015. Liệu GDP cả năm có thể tăng được 6,7% và CPI tăng ở mức tối đa 5% như mục tiêu Chính phủ đề ra hay không vẫn còn nhiều luồng ý kiến khác nhau, nhưng hầu hết đều cho rằng triển vọng thị trường chứng khoán (TTCK) là sáng sủa.
Ẩn số khối ngoại
Dù chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, khoảng 20% trên tổng lượng giao dịch trên TTCK hiện nay, nhưng các giao dịch của khối ngoại luôn được thị trường quan tâm và tạo ra những ảnh hưởng lớn đến triển vọng của thị trường. Đặc biệt, với các nhà đầu tư cá nhân, hoạt động mua bán của khối ngoại được xem như một “chỉ báo tâm lý” của thị trường.
Theo các công ty chứng khoán, những ngành được đánh giá có triển vọng trong thời gian cuối năm nay là dược, xây dựng, tiêu dùng, ô tô, bất động sản, logistics...
Theo nhận định của Công ty chứng khoán Maybank - Kim Eng VN, giai đoạn từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9 là thời điểm bán ròng mạnh nhất của khối ngoại kể từ đầu năm 2016 đến nay, với giá trị tính riêng tại sàn TP.HCM đã hơn 5.000 tỉ đồng. Đây cũng là giai đoạn giảm điểm của VN-Index. Sự trùng hợp thú vị cũng diễn ra khi trong gần 10 phiên cuối tháng 9, khối ngoại quay lại mua ròng thì chỉ số VN-Index liên tục tăng điểm và đạt mức đỉnh cao nhất trong gần 9 năm qua. Như vậy, yếu tố khối ngoại quay lại mua ròng là điều kiện quan trọng để thị trường gia tăng.
Trong khi đó, theo báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô và TTCK 6 tháng cuối năm nay của Công ty chứng khoán VCBS, mặc dù thị trường không còn ghi nhận những dòng vốn mới ào ạt như giai đoạn trước nhưng vẫn sẽ duy trì khi ngân hàng trung ương các nước tiếp tục các biện pháp nới lỏng tiền tệ.
Nhiều chỉ số tích cực
Báo cáo của Maybank - Kim Eng cũng cho rằng, 2016 là một năm khá thành công của TTCK nói chung và VN-Index nói riêng, khi chỉ số này đã thành công trong việc duy trì xu hướng tăng khá đều từ đầu năm, không có những “con sóng xuống” mãnh liệt cho đến thời điểm hiện tại như từng xảy ra trong hai năm trước. Theo góc nhìn kỹ thuật, báo cáo này phân tích: nhìn chung các nguyên tắc cần thiết về xu hướng tăng trung hạn của VN-Index vẫn còn khá đầy đủ. Xét về tương quan định giá của TTCK VN so với các quốc gia lân cận trong khu vực, vị trí của VN vẫn tạo ra điểm nhấn hấp dẫn nhất định, tuy độ hấp dẫn có vẻ đã giảm so với các lần xem xét trước đó. Dù vậy, ngay cả khi đưa vào mức chiết khấu khoảng 20%, kỳ vọng P/E (giá/thu nhập cổ phiếu) của TTCK VN có thể tăng lên và xoay quanh mức 18, tương đương kỳ vọng tăng trưởng về mặt điểm số của VN-Index là 730 điểm. Với một mức định giá P/E vào loại “trung bình thấp” đi kèm tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao trong khu vực, sẽ không quá đáng khi cho rằng VN vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Tương tự, VCBS cho rằng TTCK tuy vẫn có những rủi ro ở mức đáng kể, nhưng xu hướng thị trường tiếp tục duy trì trạng thái tích cực như hưởng lợi từ các chính sách kích thích kinh tế. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, khi kinh tế vĩ mô giảm tốc, dòng tiền bằng cách này hay cách khác vẫn chảy vào TTCK thì việc hình thành rủi ro về bong bóng tài sản cũng sẽ là yếu tố mà nhà đầu tư nên cân nhắc.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tài chính cũng nhận định TTCK sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng mới từ việc thoái vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, Vinamilk, FPT... Đặc biệt, việc Sabeco có thể sẽ lên sàn TP.HCM được xem là sẽ góp phần tạo ra “cú hích” về thanh khoản cho thị trường.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.