Kỳ vọng môi trường đầu tư thông thoáng hơn

03/08/2016 08:09 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều độc giả sau khi đọc bài Chính phủ quyết tâm xóa bỏ các rào cản về đầu tư, kinh doanh đăng trên Thanh Niên ngày 2.8.

Bớt điều kiện kinh doanh
Với luật Đầu tư và luật Doanh nghiệp, Chính phủ cần xem xét bỏ bớt ngành nghề kinh doanh có điều kiện để phù hợp với thực tế, đồng thời có biện pháp khuyến khích, thúc đẩy mọi nguồn lực kinh tế. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần lược bớt điều kiện kinh doanh do mình quản lý, đừng đổi tới đổi lui cuối cùng danh sách ngành nghề kinh doanh có điều kiện… vẫn như cũ. Điều này gây khó, thiệt thòi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Vũ Minh Ngọc (P.6, Q.3, TP.HCM)
Chặn đứng lãng phí
Nợ công quá lớn, trong đó có rất nhiều tài sản công lãng phí. Nếu Chính phủ quyết liệt chặn đứng được sự lãng phí thì không lo gì các cháu không có trường học, người bệnh không có giường nằm... Dân mình còn nhiều nơi khổ quá. Nếu không lãng phí và tham nhũng thì đời sống của dân sẽ khá hơn rất nhiều.
Nguyễn Thanh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM)
Nhiều hy vọng
Tôi thấy những chủ trương, đường lối, các quyết sách Chính phủ đề ra rất hợp lòng dân và hy vọng những gì Chính phủ đề ra và quyết tâm sẽ làm được để người dân tin vào năng lực điều hành. Bên cạnh đó, việc sửa đổi các luật, nếu ở nhóm luật Đầu tư, luật Doanh nghiệp thì cần phải lấy ý kiến của nhiều doanh nhân, nhà đầu tư. Cần hạn chế thấp nhất luật khó hiểu, khó áp dụng hoặc phải sửa nhiều lần mới áp dụng được.
Đậu Hoàng Lâm (TP.Hội An, Quảng Nam)
Gần gũi, tiết kiệm hơn
Chính phủ và nhân viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhân viên Chính phủ vừa giản dị vừa dễ gần sẽ là hình ảnh đẹp trong mắt người dân. Theo tôi, cũng cần hạn chế hội họp để tránh lãng phí. Thời buổi công nghệ tiên tiến, các cơ quan nhà nước nên áp dụng công nghệ để có thể họp trực tuyến hoặc có thể chỉ đạo, trao đổi công việc qua các công cụ, các ứng dụng công nghệ.
Hồ Thị Thanh Nga (TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Địa phương phải chủ động
Theo tôi, Chính phủ chỉ điều hành và quản lý ở tầm vĩ mô, còn các địa phương phải chủ động trong việc thực thi pháp luật, ngăn chặn lãng phí và đặc biệt phải gương mẫu trong việc sử dụng tài sản công. Tránh tình trạng việc gì cũng đẩy lên T.Ư giải quyết, trong khi theo quy định phân cấp thì cấp tỉnh phải phê duyệt. Làm được vậy, nếu sai thì cũng có người chịu trách nhiệm, không đùn đẩy được.
Ngọc Du (H.Bình Chánh, TP.HCM)
Khai thông cho doanh nghiệp
Một quốc gia giàu mạnh hay không một phần tùy thuộc vào chính sách đối với doanh nghiệp. Họ có làm giàu chính đáng được không? Có bị cản trở gì không? Điều đó rất cần sự điều hành của Chính phủ, cũng như sự hỗ trợ của các địa phương, các bộ ngành. Nếu doanh nghiệp mà còn ta thán về đủ thứ thủ tục thì rất khó để kinh tế phát triển. Chính phủ làm quyết liệt được vấn đề khai thông cho doanh nghiệp, thì tôi tin chắc rằng sẽ kích thích rất lớn cho doanh nghiệp, kể cả người trẻ khởi nghiệp làm giàu.
Phan Dũng (Q.Gò Vấp, TP.HCM)
Ban CTBĐ (tổng hợp)
       
Tôi cho rằng trước tình hình kinh doanh và khởi nghiệp quốc tế ngày càng tăng trưởng mãnh liệt thì Chính phủ chủ trương xóa bỏ mọi rào cản về đầu tư, kinh doanh là động thái tích cực và kịp thời. Hy vọng những chính sách mới có thể hạn chế nhiều rào cản, nhất là rào cản về thủ tục. Nên bỏ bớt hoặc mở thông thoáng hơn trong thủ tục xin giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký kinh doanh, thuế... Có như vậy mới bắt kịp thời đại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp trẻ, đầu tư kinh doanh.
Doanh nhân trẻ Trần Thanh Tùng
(Sáng lập viên chuỗi cà phê Monkey in Black, TP.HCM)
       
Xóa bỏ mọi rào cản về đầu tư, kinh doanh là tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nhân đầu tư, phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, làm được điều này không phải dễ. Bao lâu nay, nhiều doanh nghiệp kêu ca về thủ tục hành chính, doanh nghiệp bị hành, bị quản lý, thanh tra, kiểm tra... bởi quá nhiều cơ quan. Phải làm sao đừng để doanh nghiệp làm ăn chân chính cảm thấy bị phiền hà, bị cản trở. Muốn vậy, luật phải hoàn thiện. Khi đó, cứ căn cứ theo luật mà làm, nếu cán bộ làm sai thì doanh nghiệp kiện.
Võ Thị Phương Mai (Q.8, TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.