Trao đổi với PV Thanh Niên trong những ngày giáp tết, đông đảo bà con kiều bào đều nhận định, bên cạnh nguồn lực vật chất, tiềm năng về trí tuệ của bà con kiều bào, nhất là trong chuyển giao công nghệ, vai trò cầu nối trong xúc tiến thương mại, đầu tư… còn rất tiềm tàng. Tiềm năng này tuy đã được phát huy nhưng vẫn rất cần những chính sách mang tính đột phá, phù hợp và năng động hơn.
Bà con kiều bào về nước ăn tết chiều hôm qua tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Diệp Đức Minh |
Ông Nguyễn Văn Vinh (kiều bào Pháp) cho rằng, đất nước càng ngày càng mở cửa, luật pháp ngày càng hoàn thiện, nên ông hy vọng cộng đồng người Việt ở hải ngoại trở về góp sức mình giúp đất nước phát triển. Theo ông Vinh, trong thế kỷ 21 này, sự đầu tư vào tri thức, công nghệ mới là vô cùng quan trọng. Để làm được điều đó, thì ngoài nguồn nội lực trong nước, Nhà nước cần phát huy sức mạnh của kiều bào ở nước ngoài. Cụ thể, chính sách cho kiều bào ngày càng phải cởi mở hơn, thông thoáng hơn, đồng bộ từ trên xuống dưới, nhằm thu hút chất xám, nguồn vốn tài chính rất lớn… của kiều bào. Bởi, trong thực tế những chính sách cởi mở của Nhà nước không thiếu, nhưng chưa được một số địa phương, cơ quan áp dụng một cách đồng bộ, từ đó đã gây ra sự hiểu lầm không đáng có của bà con kiều bào. “Đó là điều đáng tiếc cần được các bộ ngành, địa phương xem xét và sớm chấn chỉnh, để lấy lại lòng tin của kiều bào khi trở về nước làm ăn”, ông Vinh đề nghị.
Hôm qua 28.1, tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), chương trình “Xuân quê hương 2011” đã được tổ chức trọng thể với sự tham dự của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và khoảng 1.000 kiều bào, cùng đại diện Bộ Ngoại giao, UBND TP Hà Nội, T.Ư Giáo hội Phật giáo VN… Tại điện Kính Thiên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các kiều bào dự lễ dâng hương trang trọng, linh thiêng để cẩn cáo tiên tổ. Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhiệt liệt chúc mừng bà con kiều bào từ khắp năm châu trở về quê hương đón xuân mới. Chủ tịch nước bày tỏ hy vọng tham gia chương trình năm nay, bà con sẽ vui hơn về những thành tựu đạt được trong năm 2010 và mừng hơn với những cơ hội mới trong sự phát triển không ngừng của đất nước khi bước vào quá trình hội nhập. Chủ tịch nước cho biết, trong các cuộc tiếp xúc với các lãnh đạo nước ngoài, Chủ tịch luôn nhận được sự hoan nghênh và đánh giá cao về những đóng góp, thành công và vị trí của người VN tại nước sở tại. Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn kiều bào tiếp tục phát huy truyền thống tự hào mình là người VN cũng như giáo dục con em nhớ tới nguồn cội và văn hóa VN. Nguyên Phong |
Vừa trở về VN hơn 2 tuần, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa, Giám đốc chiến lược Tập đoàn FPT VN (kiều bào Canada) nói, đã đến lúc giới trẻ cần thay đổi suy nghĩ để thoát khỏi “chiếc áo làm gia công”. “Nếu không nghiên cứu phát triển những sản phẩm của chính mình thì chúng ta luôn luôn đóng vai trò gia công cho các cường quốc và các tập đoàn đa quốc gia. Và “miếng mồi ngon”, những “miếng ăn thơm” vẫn không thuộc về chúng ta”, ông Hòa nói.
Như tất cả mọi người Việt, tiến sĩ Nguyễn Đình Uyên, giảng viên khoa Điện tử - viễn thông, trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP.HCM), kỳ vọng một ngày không xa, ngành công nghệ cao của VN phát triển mạnh mẽ. Để làm được điều đó, vị tiến sĩ việt kiều Mỹ đã trở về VN 2 năm nay, mong rằng, TP.HCM - với vai trò là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật của cả nước tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ cao. Ông Uyên cho rằng, như nhận ra được thế mạnh của mình, nhiều năm trở lại đây, TP.HCM đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này và bước đầu đã thu được kết quả đáng khích lệ. Dù vậy, mức độ phát triển vẫn rất chậm. “Do đó, tôi hy vọng trong năm 2011, mức độ phát triển trong lĩnh vực này sẽ được đẩy nhanh hơn những năm trước”, ông Uyên nói.
Bằng việc làm cụ thể từ chương trình xây cây cầu bê tông thứ 121 cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa ở khắp đất nước trong những năm qua, ông Nguyễn Văn Công (kiều bào Pháp) khẳng định trong năm nay, sẽ tiếp tục cùng nhóm Việt kiều đẩy mạnh việc vận động bà con kiều bào các nước để tập trung cho mục tiêu xóa cầu khỉ tại các địa phương còn lại.
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân nhận định: “Năm 2011 kinh tế VN nói chung và TP nói riêng sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Nhưng với những kinh nghiệm đã tích lũy được, với bản lĩnh và trí tuệ VN, chắc chắn chúng ta sẽ giành được thắng lợi”. Ông Quân mong muốn TP sẽ luôn nhận được sự hỗ trợ, đóng góp nhiệt tình và có hiệu quả của bà con kiều bào.
Những con số ấn tượng
Theo thông tin từ Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài, trong năm 2010, hưởng ứng lời kêu gọi “Vì biển đảo thân yêu”, kiều bào ở nhiều nước đã tích cực quyên góp được trên 1,3 tỉ đồng ủng hộ cán bộ, chiến sĩ ở các vùng biển đảo của đất nước, trong đó có Trường Sa. Tính đến hết năm 2010, số tiền quyên góp của cộng đồng người VN ở nước ngoài gửi về ủng hộ đồng bào các tỉnh miền Trung bị lũ lụt là hơn 16 tỉ đồng. Đến nay, có trên 3.200 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 5,7 tỉ USD. Trong năm 2010, có trên 300 nghìn lượt kiều bào về thăm thân nhân; kiều hối hơn 8 tỉ USD, tăng hơn 20% so với năm trước, góp phần đáng kể đối với kinh tế chung cũng như cuộc sống của rất nhiều gia đình. Thông tin từ ủy ban cũng cho biết số lượng kiều bào về nước thăm thân, du lịch, làm ăn, đầu tư, kinh doanh, hoạt động nhân đạo, từ thiện... ngày càng tăng. Nếu như năm 1987 mới chỉ có 8 nghìn lượt người về nước thì 5 năm trở lại đây con số trên tăng khoảng 40 lần. Mỗi năm có hàng trăm lượt chuyên gia, trí thức kiều bào về nước tham gia nghiên cứu giảng dạy, hợp tác khoa học, chuyển giao công nghệ... Ước tính hiện có gần 4 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 101 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khoảng 300.000 người có trình độ đại học trở lên. Nguyên Phong |
Minh Nam
Bình luận (0)