Kỳ vọng thêm nhiều vắc xin Covid-19 mới

Khánh An
Khánh An
22/06/2021 06:30 GMT+7

Nhiều vắc xin mới đang xúc tiến thử nghiệm và sắp được đưa ra, hứa hẹn đáp ứng nhu cầu thiếu hụt vắc xin Covid-19 trên thế giới .

Hãng Bloomberg hôm qua đưa tin hơn 2,62 tỉ người đã được tiêm vắc xin Covid-19 tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới trong chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử. Bên cạnh những vắc xin đang lưu hành, nhiều ứng viên tiềm năng khác đang được đẩy mạnh nghiên cứu, thử nghiệm nhằm sớm đáp ứng nhu cầu chủng ngừa ít nhất 70% dân số, đẩy lùi đại dịch trên toàn cầu.

Nhiều ứng viên sáng giá

Theo chuyên trang TrackVaccine.org, thế giới hiện có 18 vắc xin Covid-19 đã được chứng nhận tại ít nhất một quốc gia, trong đó có thể kể đến các vắc xin của AstraZeneca (Anh), Pfizer/BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson (Mỹ), Sputnik V của Gamaleya (Nga) và CanSino Biologics, Sinovac Biotech, Sinopharm (Trung Quốc). Bên cạnh đó, còn có 36 vắc xin Covid-19 đang thử nghiệm giai đoạn 3, ít nhất 48 vắc xin thử nghiệm giai đoạn 2 và 35 vắc xin thử nghiệm giai đoạn 1, chưa kể ít nhất 77 ứng viên đang ở giai đoạn thử nghiệm trên động vật.

Cách tiêm "trộn lẫn" 2 loại vắc xin Covid-19 hiệu quả đến đâu?

Theo tổng hợp của tờ The New York Times, thông tin lạc quan về vắc xin Covid-19 đang đến dồn dập từ khắp nơi trên thế giới trong vài tuần qua, trong đó có vắc xin bước vào thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 tại Kazakhstan, Đại học Hồng Kông và Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) thử nghiệm một vắc xin giai đoạn 2, Hãng Icosavax (Mỹ) thử nghiệm giai đoạn 1 và 2, và 2 vắc xin thử nghiệm giai đoạn 3 tại Trung Quốc của Học viện Khoa học quân y và Bệnh viện Hoa Tây thuộc Đại học Tứ Xuyên.

Kết quả đầy hứa hẹn

Tại Mỹ, Novavax ngày 14.6 công bố vắc xin của hãng có hiệu quả đến hơn 90%, sau thử nghiệm giai đoạn cuối trên quy mô lớn. Kết quả thử nghiệm trên gần 30.000 tình nguyện viên ở Mỹ và Mexico giúp vắc xin này có cơ hội được chứng nhận sử dụng khẩn cấp ngay trong quý 3 năm nay, theo Reuters.
Novavax cho biết vắc xin của hãng có hiệu quả hơn 93% đối với các biến chủng SARS-CoV-2 có mức độ lây nhiễm cao hơn, vốn đang khiến giới khoa học và ngành y tế lo ngại. Theo đó, vắc xin này có hiệu quả đến 91% đối với các tình nguyện viên có nguy cơ mắc bệnh nặng và hiệu quả 100% trong việc ngăn chặn bệnh diễn tiến trung bình và nặng. Giới chuyên môn nhận định rằng công bố của hãng khiến nhiều nước thiếu vắc xin nôn nao, do Mỹ hiện đang thừa nguồn cung ứng vắc xin cho người dân.
Tại Trung Đông, Đài Press TV ngày 16.6 dẫn báo cáo chính thức cho thấy vắc xin nội địa đầu tiên của Iran mang tên CovIran Barekat có hiệu quả cao trong phòng ngừa Covid-19. Vắc xin do tập đoàn nhà nước Shafa Pharmed sản xuất hiện đang thử nghiệm giai đoạn 3 cho thấy tác dụng phụ không đáng kể và được kỳ vọng sẽ mang lại tỷ lệ hiệu quả cao. Bên cạnh đó, Iran còn thử nghiệm 2 vắc xin khác là Razi COV-Pars và Iran Fakhra.

Trung Quốc "có nguy cơ bị cô lập" nếu không cho phép điều tra nguồn gốc Covid-19

Một thông tin lạc quan khác là số ca mắc Covid-19 tại thủ đô Havana của Cuba đã giảm phân nửa so với cách đây 1 tháng, thời điểm bắt đầu tiến hành thử nghiệm vắc xin trên diện rộng. Cơ quan chức năng Cuba dự kiến trong tháng này sẽ công bố tỷ lệ hiệu quả của 2 ứng viên vắc xin thử nghiệm giai đoạn 3, trong số 5 vắc xin do nước này phát triển. Tập đoàn nhà nước BioCubaFarma của Cuba cho biết sẽ bàn về khả năng xuất khẩu sau khi tiêm chủng cho toàn dân và nhiều nước đang quan tâm đến thông tin này.
Mỹ cảnh báo Trung Quốc về điều tra nguồn gốc Covid-19
Bloomberg hôm qua đưa tin Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cảnh báo Trung Quốc sẽ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế cô lập nếu không cho phép tiến hành cuộc điều tra “thật” trên lãnh thổ nước này về nguồn gốc Covid-19. Trung Quốc lâu nay bác bỏ giả thuyết rằng vi rút gây Covid-19 có nguồn gốc từ Viện Vi rút học Vũ Hán, ở TP.Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, nơi những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận.
Ông Sullivan nói rằng nếu Trung Quốc không hoàn thành trách nhiệm của mình như được kỳ vọng là cho phép các nhà điều tra đến làm công việc thật sự nhằm tìm ra nguồn gốc của vi rút gây Covid-19, Mỹ sẽ cân nhắc ứng phó. “Chúng ta sẽ không chấp nhận Trung Quốc nói không”, ông Sullivan nhấn mạnh. Ông cho biết thêm Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đồng minh và đối tác cho đến khi biết được vi rút gây Covid-19 đến từ đâu và ai chịu trách nhiệm cho việc này.
Văn Khoa
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.