Cuộc cãi vã chưa thấy hồi kết giữa tờ Hoàn Cầu thời báo của Trung Quốc với Đại sứ Singapore Stanley Loh về vấn đề Biển Đông cho đến ngày 30.9 đã trở nên “ngoài sức tưởng tượng” của Phó giáo sư Alan Chong Chia Siong, chuyên gia về quan hệ quốc tế, quyền lực mềm và truyền thông thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (RSIS, Singapore). Trả lời Thanh Niên, tiến sĩ Chong nhận định vụ việc cho thấy “chính phủ Trung Quốc muốn xách động cảm tính dân tộc của công chúng trong nước”. Ông Chong cũng cho rằng nếu tiếp tục đi xa hơn, nguy cơ người Trung Quốc kéo đến biểu tình trước Đại sứ quán Singapore ở Bắc Kinh là có thể xảy ra, và bày tỏ hy vọng “chính phủ Trung Quốc sẽ cân nhắc cẩn thận”.
Lập trường nhất quán
Sau bài báo của Hoàn Cầu ngày 21.9 cáo buộc Singapore đưa vấn đề Biển Đông ra Hội nghị cấp cao phong trào không liên kết (NAM) lần thứ 17 ở Venezuela hôm 17 - 18.9 với thái độ “kích động”, Singapore đã chọn cách phản ứng thông qua Đại sứ Stanley Loh. Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc lao vào bênh vực Hoàn Cầu thì phía Singapore không có quan chức nào, trừ ông Loh, lên tiếng trước sự tấn công dồn dập bằng ngôn từ trịch thượng của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã rất khéo léo tỏ thái độ về vụ này bằng cách trình bày rõ ràng lập trường trong vấn đề Biển Đông tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Ông Lý vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản 4 ngày hôm 29.9. Phát biểu với báo chí trước khi về nước, ông Lý nói: “Singapore không thể để bị đánh giá là chơi trò nhiều mặt trong một vấn đề nào đó”. “Bạn không thể đưa ra những thông điệp khác nhau trước những người khác nhau bởi làm vậy bạn sẽ sớm rơi vào thế khó”, ông lập luận và khẳng định lập trường nhất quán trước sau, với bên này bên khác trong mỗi một vấn đề là nguyên tắc trong chính sách ngoại giao của Singapore.
Thủ tướng Lý cũng thẳng thắn nhìn nhận quan hệ giữa Singapore với các nước bạn bè trong vấn đề Biển Đông đôi lúc khá phức tạp. Tuy nhiên, “chúng tôi phải có lập trường của riêng mình và bám vào lập trường đó khi đối thoại với bất cứ bên nào, tại bất cứ đất nước nào”. Lập trường đó là cổ vũ các bên liên quan tuân thủ công pháp quốc tế và các cam kết từng ký với nhau.
Hành động nhỏ mọn
Thông điệp dứt khoát của Thủ tướng Lý Hiển Long tưởng đã đặt dấu chấm hết cho cuộc “đấu khẩu”. Thế nhưng, ngày 30.9, Hoàn Cầu tiếp tục đăng bài xã luận có tựa đề Cuộc khẩu chiến làm lộ thái độ thật của Singapore đối với công chúng Trung Quốc.
Bài viết tuyên bố đa số dân Singapore là người gốc Hoa, đề cao các triết lý truyền thống và tập quán của Trung Quốc. Và sự thành công về kinh tế, quản trị nhà nước của đảo quốc bé nhỏ này đã khiến dân Trung Quốc ngưỡng mộ và ra sức kết thân. “Đổi lại, người Trung Quốc tin rằng Singapore cũng có những tình cảm tương đồng và sẽ đứng về phía Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế”, tác giả Lưu Chấn viết. Nhưng, “thật không may, Singapore chẳng có cảm tình đó đối với Trung Quốc. Thuộc tính Trung Hoa đã không làm nước này thân với Trung Quốc, thậm chí không hiểu cả lập trường của Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế”, tác giả cay đắng. Sau đó, người viết quay sang chỉ trích thể chế, các chính sách ngoại giao và thậm chí cả nhà lập quốc Lý Quang Diệu của Singapore. Ông này kết luận: “Công chúng Trung Quốc nên định hướng lại cái nhìn về vai trò của Singapore, nên vứt bỏ kỳ vọng hão huyền về sự ủng hộ của nước này trong các vấn đề chính trị và nên đối xử với nó như một quốc gia bình thường vốn có quan hệ quân sự mật thiết với Mỹ”.
Đánh giá về bài viết, tiến sĩ Alan Chong nói nó gây “tác dụng ngược” và qua đó cũng bộc lộ sự nhỏ mọn trong cách nghĩ và hành động. Ông nhắc lại lời Ngoại trưởng Singapore S.Rajaratnam từng tuyên bố năm 1976: “Singapore là một quốc gia Đông Nam Á, chẳng qua vì định mệnh mà đa số dân là Hoa kiều”. Ông Chong cũng cho rằng ý đồ “gây áp lực lên Singapore” sẽ không khiến các quốc gia ASEAN thân thiện với Trung Quốc, mà “nếu tính toán kỹ họ sẽ chọn những đối tác khác như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ”.
Bình luận (0)