Từng có tin đồn MC Đại Nghĩa qua đời |
Đang sống sờ sờ nhưng có tin đồn đã... qua đời
Những ngày gần đây, trên YouTube xuất hiện khá nhiều video có tiêu đề "Hồ Văn Cường qua đời ở tuổi 19". Nhiều người tin sái cổ vì trong những video này chèn ghép hình ảnh của ca sĩ Ngọc Sơn và nhiều nghệ sĩ khác. Tuy nhiên thực tế đấy chỉ là chiêu trò của một số tài khoản YouTube nhằm câu view.
Khi tin đồn được lan truyền, đại diện của ca sĩ Ngọc Sơn, cũng là đại diện của Hồ Văn Cường đã vén màn sự thật về tin đồn Hồ Văn Cường qua đời ở tuổi 19, khi cho biết cả hai thầy trò đang tập luyện cho một liveshow. Đồng thời chia sẻ không những Hồ Văn Cường mà ngay cả ca sĩ Ngọc Sơn cũng đã từng trở thành “người trong cuộc” vì bị đồn thổi cho rằng đã qua đời.
Trước Hồ Văn Cường hay Ngọc Sơn, mạng xã hội đã từng choáng váng với hàng loạt thông tin đồn đại: Đại Nghĩa phiêu diêu miền cực lạc, Việt Hương giã từ trần thế, Hoài Linh đã yên nghỉ nơi đất mẹ...
Chưa kể MC Trấn Thành, diễn viên Thương Tín, diễn viên Việt Trinh, ca sĩ Quang Linh, các ca sĩ Quách Tuấn Du, Elvis Phương, Đàm Vĩnh Hưng, Sơn Tùng M-TP, Phan Đinh Tùng, Khánh Ly... cũng đã từng ít nhất một lần bị người khác tung tin đã... bóng hạc xe mây về cõi phật.
Nghệ sĩ Hoài Linh đã từng chia sẻ cảm thấy ngán ngẩm vì những tin đồn thất thiệt, mà nhất là việc bị phao tin “Hoài Linh đã trút hơi thở cuối cùng trong bệnh viện”. “Ăn rồi cứ báo tôi chết hoài (cười). Có thời gian rảnh thì nên lo làm ăn giúp kinh tế gia đình, còn nếu đăng tôi chết câu view để sống thì cứ tự nhiên, tôi không buồn đâu. Tôi coi như mình đang làm từ thiện, hoan hỉ”, nghệ sĩ gạo cội phản ứng với việc bị người khác “phán” đã chết.
Trong khi đó, MC Đại Nghĩa cho biết đã quá quen thuộc với những tin đồn “Đại Nghĩa đã chết”, nên cảm thấy khá bình thản và thường chỉ biết “cười muốn sảng” khi đang sống sờ sờ nhưng bị đồn đã... qua đời. “Không thấy sợ, không thấy giận thấy buồn, mà chỉ thấy mắc cười thôi”, MC Đại Nghĩa nói.
Diễn viên Thương Tín chia sẻ: "Tôi đã từng bị người ta đồn chết. Không phải một lần mà cả vài chục lần. Những lần đầu, tôi ngớ người vì không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Tôi phải nhận rất nhiều cuộc gọi và phải trả lời: "Trời ơi tôi còn sống sờ sờ đây này. Nếu mà đã chết thì sao trả lời điện thoại được". Và những lần sau đó thì tôi cảm thấy... quen. Bây giờ tôi chỉ mong sao người ta đừng đồn tôi chết nữa".
Nghệ sĩ Việt Hương cũng chia sẻ bản thân là một minh chứng cho việc bị người khác tung tin qua đời: “Mỗi lần bị tung tin đã chết là tôi nhận được vô số cuộc gọi của bạn bè người thân... gọi đến xác minh. Tôi không hiểu sao không riêng tôi mà nhiều đồng nghiệp khác cũng bị “lôi ra bắt chết”.
Nghệ sĩ Hoài Linh cũng là nạn nhân của vấn nạn tung tin đồn đã chết |
CHỤP MÀN HÌNH |
Vì sao rộ những tin đồn người khác chết?
Theo chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh (Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam, TP.HCM), một bộ phận người dùng mạng xã hội hiện nay, nhất là những YouTuber vì muốn câu view nên đã bất chấp mọi thủ đoạn để tung tin đồn.
“Họ có xu hướng “chọn” người nổi tiếng để làm nạn nhân cho tin đồn vì theo tâm lý, những gì liên quan đến những người nổi tiếng đều thu hút sự quan tâm. Họ bịa đặt thông tin nghệ sĩ đã chết. Sau đó lấy hình ảnh từ những đám ma mà người nổi tiếng từng dự để chỉnh sửa hình ảnh nhằm thu hút sự tương tác của người khác. Không khó để nhận ra, những video có tiêu đề nghệ sĩ qua đời đều trở thành tâm điểm chú ý của dân mạng với hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn lượt xem”, ông Thịnh phân tích.
Ông Thịnh nói: “Việc tung tin đồn người khác qua đời là hành động bất nhẫn. Việc câu view bằng nội dung “bẩn” như thế (tức cho rằng người khác đã chết – PV) là hành vi vi phạm pháp luật. Những người “sáng tạo nội dung” trên các nền tảng mạng xã hội phải dừng lại việc làm này”.
Trước vấn nạn tung tin đồn người khác chết, trong đó chủ yếu là “nhắm” đến những người nổi tiếng, nghệ sĩ Việt Hương nói: “Cái gì cũng cần có giới hạn. Đừng suốt ngày dựng chuyện người ta bị tai nạn, bị ung thư, bị đột tử, đã qua đời… để mà câu view và kiếm tiền bất chấp. Tôi hy vọng các cơ quan chức năng có những biện pháp để ngăn chặn vấn nạn này. Hiện tại có những người suốt ngày phao dệt những tin đồn nhảm nhí, thất thiệt… dẫn đến việc làm ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của người nghệ sĩ”.
Nhà văn Tống Phước Bảo cho rằng: "Để có thể đẩy lùi thực trạng "bắt người khác phải chết", hay nói cách khác là tung tin đồn người khác qua đời, thì việc xử lý phải căn cơ hơn, các cơ quan chức năng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Nhiều người tung tin đồn bịa đặt người khác qua đời, nhưng sau đó vẫn không bị xử lý, điều đó khiến những kẻ khác bắt chước làm theo để câu view. Cần phải xử lý nghiêm và triệt để, qua đó mới răn đe được những ai đã và đang, cũng như có ý định tung tin đồn một cách bất chấp nhằm câu view".
Ngoài ra, theo nhà văn Tống Phước Bảo: "Tôi cũng hy vọng những mạng xã hội như Facebook, YouTube, TikTok... kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn. Qua đó nhanh chóng loại trừ những thông tin sai sự thật".
Cũng xoay quanh thực trạng rộ lên việc tung tin người khác qua đời để kiếm tương tác, ông Thịnh cho rằng người dùng mạng xã hội nên biết cách chắt lọc thông tin để xem, đừng để bị kẻ xấu “dắt mũi”, vô tình để kẻ xấu trục lợi.
“Hãy đọc và xem trên những kênh báo chính thống, thay vì nghe và tin theo những nội dung trên các kênh YouTube. Đừng nhẹ dạ cả tin để rồi vô tình tiếp tay cho việc phát tán những tin đồn tào lao, bịa đặt, sai lệch không đúng sự thật”, chuyên gia tâm lý Vũ Nhật Thịnh khuyên.
Bình luận (0)