Giải pháp thẳng tay
Trong nỗ lực ổn định tình hình hỗn loạn từ hơn ba ngày qua tại miền nam - vốn đã khiến ít nhất 97 người chết và 1.200 người bị thương, chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã thông báo huy động đến quân nhân dự bị và những người tình nguyện nhằm hỗ trợ quân đội. Cứng rắn hơn, quân đội đã nhận lệnh nổ súng bắn chết tại chỗ đối với thành viên các băng nhóm vũ trang gây bạo loạn tại hai thành phố Osh, Jalalabad và những vùng lân cận. Sắc lệnh này sẽ có hiệu lực cho đến khi tình trạng khẩn cấp ở những khu vực này được gỡ bỏ.
Động thái này được đưa ra sau khi lời kêu gọi hỗ trợ về quân sự từ Nga chỉ được Moscow đáp lại bằng ủng hộ nhân đạo với một chiếc máy bay trực thăng chở 10 bác sĩ đến làm nhiệm vụ tại miền nam Kyrgyzstan, theo Le Figaro. Bộ Nội vụ Kyrgyzstan nhận định tình hình tại Osh cùng các khu vực lân cận đang trở nên phức tạp, căng thẳng và vượt khỏi tầm kiểm soát. Những ngày qua, thường xuyên có các nhóm thanh niên người Kyrgyz vũ trang súng ống, gậy gộc quần thảo khu vực sinh sống của người Uzbek để đập phá, phóng hỏa. Nghiêm trọng hơn, một số thanh niên được trang bị súng AK47 đã thật sự là những kẻ “săn người”, không ngần ngại xả súng khi phát hiện người Uzbek. Chính quyền lâm thời hy vọng rằng sự cứng rắn từ phía lực lượng gìn giữ an ninh sẽ giúp vãn hồi trật tự. Một phóng viên của hãng tin Reuters đang tác nghiệp tại Osh kể rằng ông vẫn nghe thấy nhiều tiếng súng tại các quận tập trung người Uzbek sinh sống nhưng có vẻ đã vơi bớt so với 24 giờ trước đó.
Tại Kyrgyzstan, người Kyrgyz là dân tộc đông nhất (gần 70%), còn lại là nhóm các dân tộc thiểu số, với người Nga (9%), người Uzbek (14,5%), người Tatar (2%)... Tuy chỉ là thiểu số nhưng người Uzbek lại sống tập trung về phía nam nên một nửa dân cư tại đây là người Uzbek. Cũng vì lý do này nên những xung đột sắc tộc giữa người Kyrgyz và người Uzbek khi bùng nổ thường diễn ra tại miền nam Kyrgyzstan. |
Có người giật dây?
Sự ổn định của Kyrgyzstan rất quan trọng đối với cả Nga và Mỹ vì cả hai đều có căn cứ quân sự tại quốc gia Trung Á này. Thế nhưng, kể từ khi Tổng thống Kurmankek Bakiyev bị phe đối lập lật đổ hồi tháng 4, bạo động thường xuyên xảy ra tại miền nam Kyrgyzstan, khiến nỗ lực ổn định đất nước gặp nhiều khó khăn. Một cách rất “tình cờ”, thành phố Osh chính là quê hương của ông Bakiyev và là nơi tập trung rất nhiều người còn ủng hộ ông. Vị tổng thống lưu vong, hiện được cho là đang ở Belarus, từng cố thủ tại khu vực Osh -Jalalabad một thời gian sau khi phải tháo chạy khỏi thủ đô Bishkek.
Chính phủ lâm thời cho rằng nguyên nhân thật sự của cuộc bạo loạn hiện tại chính là do những người ủng hộ và gia đình ông Bakiyev “giật dây” phía sau. Hậu quả từ khủng hoảng này có thể sẽ ảnh hưởng đến cuộc trưng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp mới, dự định sẽ tổ chức vào ngày 27.6 tới. Đây là bước quan trọng để chính phủ lâm thời trở nên danh chính ngôn thuận và lãnh đạo tạm thời Rosa Otunbayeva chính thức trở thành Tổng thống Kyrgyzstan.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)