Thời điểm này, ở tâm dịch Q.Gò Vấp tình hình có chiều hướng được kiểm soát tốt, số ca dương tính đã giảm dần. Tuy nhiên, ở những chốt cửa ngõ, các thanh niên tình nguyện vẫn miệt mài ngày đêm làm nhiệm vụ “lá chắn” chống dịch Covid-19.
Quay cuồng với những câu hỏi
Các chốt kiểm dịch xung quanh Q.Gò Vấp được lập ra để kiểm soát y tế những người ra vào nơi đây. Từ khi lập chốt, mỗi ngày có hàng chục ngàn người qua lại khai báo y tế. Tại các chốt, những bạn trẻ không chuyên ngày nào giờ đã trở nên “chuyên nghiệp”, cần mẫn hỗ trợ để người dân có thể khai báo y tế một cách thoải mái nhất.
14 giờ, giữa trời nắng như đổ lửa, 9 thanh niên tình nguyện áo xanh đeo khẩu trang, mang kính chống giọt bắn… ra chốt đường Phan Văn Trị (P.11, Q.Gò Vấp) làm nhiệm vụ hướng dẫn người dân khai báo y tế ở cả 2 chiều ra - vào. Thông thường thời điểm căng thẳng nhất trong ngày là đầu giờ chiều cho đến tối, bởi lượng người, xe qua lại nhiều.
Chỉ mới ra ca khoảng vài chục phút nhưng chiếc áo xanh của Nguyễn Thành Danh (21 tuổi) đã ướt đẫm mồ hôi. Tay trái cầm bảng mã QR, tay phải cầm điện thoại thông minh, suốt buổi Danh như con thoi qua lại nơi bà con dừng xe chờ khai báo y tế. Hàng xe sau tiếp nối hàng trước, kéo dài ra tận xa.
Hàng trăm câu hỏi được người đi đường đặt ra với Danh. Đang hỗ trợ người này khai báo thì có người khác tới hỏi, rồi người nữa lại chen ngang... khiến Danh bở hơi tai, mất tập trung. Tuy vậy, Danh và các thanh niên tình nguyện khác không hề có chút cau có hay khó chịu. “Một ca trực, tôi đi bộ gần 8 tiếng, tương đương 20 cây số. Nhiều khi về nhà mệt quá nằm dài luôn”, Danh chia sẻ.
|
Gạt đi nỗi sợ, cống hiến hết mình
Danh cho biết việc tiếp xúc hàng ngàn người mỗi ngày khiến nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ. Nhưng vì cái chung nên Danh và các bạn thanh niên tình nguyện đã gạt qua nỗi sợ của mình. Cũng như nhiều bạn trẻ, Danh đang là sinh viên, đã tham gia nhiều phong trào tình nguyện ở nhiều nơi. Song so với những lần trước, nhiệm vụ lần này với Danh là một thử thách lớn. Khi hay tin Thành đoàn TP.HCM tuyển thanh niên tình nguyện chống dịch, Danh không ngần ngại đăng ký tham gia.
Luôn hoạt bát khi ở điểm trực chốt, Trần Thị Lệ Quỳnh (23 tuổi) tỏ ra không hề e ngại khi tiếp xúc hàng chục ngàn người mỗi ngày. Cô cho biết trực chốt kiểm dịch là điểm tình nguyện thứ 2 sau khi tham gia lấy mẫu ở Q.12. Khi thành phố bắt đầu bùng dịch, cô gái nhỏ nhắn nhanh chóng đăng ký tham gia tình nguyện vì biết rằng công việc sẽ có ích cho nhiều người.
Những ngày đầu Quỳnh túc trực ở điểm nóng P.Thạnh Lộc (Q.12). Quỳnh làm nhiệm vụ thống kê người dân, trên mình luôn phải khoác áo bảo hộ, hầu như lúc nào mồ hôi cũng đầm đìa như tắm. Mỗi ngày cô hỗ trợ lấy mẫu đến tận khuya mới về nhà. Đến khi P.Thạnh Lộc ổn định Quỳnh lại rời đi, bắt đầu công việc trực chốt cùng mọi người.
|
Học được nhiều khi đi chống dịch
Chốt Chợ Cầu là một “điểm nóng” ở Q.Gò Vấp, hằng ngày tiếp nhận lượng xe khổng lồ từ Q.12 vào trong khu giãn cách. Những thanh niên tình nguyện như Nguyễn Minh Thiện và Nguyễn Phan Cẩm Hoài (cùng 25 tuổi) đã “đóng đô” ở đây sau khi hoàn thành nhiệm vụ hỗ trợ lấy mẫu. Cả hai còn một điểm chung là trước khi đi chống dịch đã phải trải qua vòng… thuyết phục cha mẹ ở nhà.
Thiện chia sẻ: “Ngày đầu đi chống dịch tôi cũng hơi lo chuyện lây nhiễm. Thế rồi qua một ngày, hai ngày, tôi đã vượt qua nỗi lo, cảm thấy bình thường. Khuya về nhà mọi người đã ngủ, trưa đi mọi người cũng đã đi làm. Hầu như hơn 1 tuần tôi chưa gặp mặt ai trong gia đình”.
Đôi lúc Thiện bị quá tải khi hàng ngàn người đổ dồn về chốt cùng lúc. Nắng hay mưa Thiện cũng phải bước ra cầm loa vừa nhắc nhở điều tiết giao thông vừa kêu gọi mọi người khai báo y tế.
Hơn 10 ngày đi chống dịch, đối diện với nhiều tình huống khó khăn, Cẩm Hoài cho rằng đó là bài học giá trị cho bản thân. Cô coi đây là thời điểm học hỏi được nhiều nhất trong quá trình làm tình nguyện. Hoài được tiếp xúc thực tế môi trường bên ngoài, cũng như nắm bắt tâm tư tình cảm của người dân nhiều hơn, giúp cô có cái nhìn bao quát để có thể điều phối những công việc liên quan sau này.
“Tôi đã học được thêm kỹ năng giao tiếp, kỹ năng nhận thức, kỹ năng kiểm soát mình và hiểu biết tâm lý mọi người. Một người làm công tác tình nguyện mà không có những kỹ năng đó sẽ rất khó điều phối. Ngoài ra tôi còn học được cách phòng, chống dịch của ngành y. Đó cũng là những điều cần thiết cho ngành công tác xã hội mà tôi đang học”, Cẩm Hoài chia sẻ trong những ngày tình nguyện vào tâm dịch .
Bình luận (0)