Lá chắn chống “hung thần” vũ trụ

08/02/2012 03:22 GMT+7

Cú áp sát gần đây nhất của một tiểu hành tinh đã khuấy động mối lo ngại lâu nay về khả năng vật thể từ vũ trụ có thể hủy diệt sự sống trên trái đất.

Cú áp sát gần đây nhất của một tiểu hành tinh đã khuấy động mối lo ngại lâu nay về khả năng vật thể từ vũ trụ có thể hủy diệt sự sống trên trái đất.

Những vật thể gần trái đất (gọi tắt là NEO), dù là tiểu hành tinh hoặc sao chổi, đều có thể trở thành thảm họa cho nhân loại nếu quất thẳng vào hành tinh chúng ta. Mối lo ngại này đang lớn dần sau khi NASA thống kê có khoảng 50 triệu NEO thẳng hướng đến trái đất mỗi ngày, nhờ vào công nghệ phát triển ngày càng hiện đại hơn. Giới chuyên gia dự đoán trong hơn 100 năm nữa, nhiều NEO có kích thước lớn sẽ đe dọa trái đất, nổi tiếng nhất là “hung thần” Apophis.

Cách đây mấy ngày trái đất vừa tránh khỏi đợt va chạm với tiểu hành tinh 2012 BX34 có kích thước bằng chiếc xe buýt. May mắn là cuối cùng 2012 BX34 chỉ đến gần trái đất ở khoảng cách bằng 1/5 từ trái đất đến mặt trăng, chứ không phải trong phạm vi của vệ tinh GPS như cảnh báo. Trước đó, dự án khác tên WISE (tức tàu khảo sát hồng ngoại trường rộng) đã xác định có đến gần 1.000 NEO kích thước rất lớn (với chiều dài hơn 1.000m) đang đe dọa địa cầu. Tuy nhiên, WISE chỉ mới đánh giá được khoảng 90% mối đe dọa, trong khi có chứng cứ cho thấy có đến 19.500 NEO với kích thước dao động từ 100 đến 1.000m vẫn chưa được phát hiện. Và hiện các nhà thiên văn học đang tìm cách triển khai thêm kính viễn vọng mới chuyên tìm kiếm những NEO dạng này.

Đối mặt với nguy cơ bị “hung thần” vũ trụ tấn công, dù đang khủng hoảng tiền tệ, Ủy ban châu u vẫn chi gần 6 triệu euro cho dự án gọi là NEOShield, tức lá chắn NEO, trong nỗ lực đánh giá mối đe dọa từ các vật thể không gian, và quan trọng hơn nữa là chuẩn bị, triển khai những biện pháp đối phó cần thiết. Theo BBC, sáng kiến này nhận được sự tham gia của nhiều viện nghiên cứu, các trường đại học và đối tác công nghiệp ở Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, cũng như ngoài EU gồm Mỹ và Nga. Mục tiêu quan trọng nhất của NEOShield, kéo dài 3 năm rưỡi, là đánh giá chi tiết 3 biện pháp chống NEO hữu hiệu nhất: tạo động lực ngăn cản va chạm, tạo trọng lực thay đổi đường đi NEO và phá hủy luôn vật thể đe dọa trái đất, theo tiết lộ của chuyên gia Alan Harris, Trưởng dự án NEOShield thuộc Trung tâm không gian Đức ở Berlin-Adlershof.

 
Vật thể từ vũ trụ có thể tàn phá trái đất

 
Minh họa sứ mệnh Don Quijote - Ảnh: ESA

Sứ mệnh Don Quijote

Hiện nhiệm vụ của NEOShield là phân tích hết sức chi tiết các dự án tiềm năng có thể áp dụng trong trường hợp một NEO đe dọa trái đất. Đầu tiên là sứ mệnh Don Quijote, tức triển khai 2 tàu không gian cùng một lúc, một tàu (gọi là Hidalgo) đâm thẳng vào mục tiêu là tiểu hành tinh, tàu còn lại (tên Sancho) bay xung quanh để thu thập dữ liệu để xác định liệu cú va chạm vừa rồi có làm chệch hướng tiểu hành tinh đó hay không. Vẫn chưa rõ có sự thay đổi gì về kế hoạch này hay không, nhưng chắc chắn là trước khi được triển khai theo dự định là vào năm 2015, NEOShield phải đưa ra nhiều thông số liên quan đến dự án Don Quijote, chẳng hạn như bề mặt của tiểu hành tinh mục tiêu; cấu tạo của nó là khí hay chất rắn…, theo Giáo sư Harris.

Tạo lực hút

Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, các chuyên gia bắt đầu nghĩ ra ý tưởng tạo lực hút nhằm tác động đến đường bay của NEO. Khái niệm này bao gồm việc sử dụng một phi thuyền bay cạnh NEO mà không tiếp xúc vật lý với nó, và dùng trọng lực để can thiệp vào quỹ đạo của NEO này. Đây là một sứ mệnh khó khăn, vì các tiểu hành tinh có hình thù không ổn định và cứ xoay liên tục trong khi di chuyển. Điểm mấu chốt là các chuyên gia phải tìm được cách duy trì liên lạc thường xuyên với một phi thuyền tự hành trong khoảng 10 năm hoặc hơn. Buộc phi thuyền này tác động trọng lực liên tục để kéo NEO khỏi hướng đi ban đầu mà lại tránh được viễn cảnh tan tành khi va chạm với NEO đó.

Dùng bom nguyên tử

Biện pháp cuối cùng gây nhiều tranh cãi nhất là bắn thẳng bom nguyên tử và phá tan NEO khó chịu kia. Gây tranh cãi vì nội chuyện triển khai vũ khí nguyên tử cũng có thể tổn hại đến các mối quan hệ ngoại giao phức tạp trên chính trường thế giới. Tuy nhiên, một số nhà khoa học cho rằng cách này cũng đáng để nghiên cứu vì có thể là biện pháp hữu hiệu nhất trong trường hợp một NEO kích thước quá lớn bất thần tiến đến trái đất. Website Space.com dẫn lời chuyên gia Harris giải thích nếu một tiểu hành tinh có đường kính hơn 500m và được cảnh báo trước trong vòng 5 năm, biện pháp tấn công bằng bom nguyên tử có thể là cách tiếp cận duy nhất. Hiện các chuyên gia Nga đang có nhiệm vụ phân tích khía cạnh vật lý về khả năng một tiểu hành tinh có thể phản ứng trước một vụ nổ hạt nhân trên bề mặt của nó. Tất nhiên, Giáo sư Harris cũng nhấn mạnh rằng bản thân các nhà khoa học không cổ súy cho các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân trên không gian và không lợi dụng các cuộc nghiên cứu này để phát triển vũ khí nguyên tử.

Mục tiêu cuối cùng của NEOShield là sử dụng kiến thức thu được để đưa ra các thiết kế lá chắn hữu hiệu nhất để bảo vệ trái đất khi cần thiết, chẳng hạn như kết hợp biện pháp động lực với trọng lực. Theo đó, phi thuyền quan sát (tức Sancho) được triển khai trong sứ mệnh Don Quijote sẽ được tái sử dụng làm phi thuyền lực hút sau khi vụ va chạm giữa phi thuyền cảm tử và NEO diễn ra thành công. Ngoài ra, NEOShield còn có nhiệm vụ thiết lập một công cụ chính xác để hỗ trợ cho việc lên kế hoạch phản ứng toàn cầu với sự tham gia của các đối tác như LHQ, các cơ quan không gian trên thế giới và những thể chế có liên quan.

Hạo Nhiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.