Chúng tôi có chuyến công tác lên xã Ga Ry (H.Tây Giang) vào những ngày cuối tháng 12. Ở xã vùng cao này, cuộc sống của bà con đang từng ngày “thay da đổi thịt”, với những ngôi nhà kiên cố, vững chãi. Để người dân có được cuộc sống được cải thiện như hôm nay, có sự đóng góp công sức, trí tuệ, tình cảm của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Ga Ry (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam).
Ga Ry được biết đến là một trong những xã khó khăn và xa nhất của H.Tây Giang. Người ta ví von rằng, lên đến Ga Ry là lên chốn “cổng trời”, vì nó nằm ở độ cao gần 2.000 m so với mực nước biển. Đồn biên phòng Ga Ry phụ trách địa bàn 2 xã Ga Ry và Ch’ơm (H.Tây Giang), với hơn 27 km đường biên giới giáp hai huyện Đắc Chưng và Kà Lừm của nước bạn Lào. Địa hình nơi đây chủ yếu là đồi núi, sông suối, phần lớn là đồng bào dân tộc Cơ Tu sinh sống.
Trò chuyện với các chiến sĩ, nhìn những khuôn mặt rắn rỏi dày dạn sương gió, nghe các anh tâm sự, là nỗi niềm của những người con, người cha, người anh không được tề tựu cùng gia đình bên mâm cơm cuối năm, và chuẩn bị đón một cái tết sắp đến. Vẫn nhớ trong ký ức về lần đón giao thừa đầu tiên tại Đồn biên phòng Ga Ry, chiến sĩ Zơ Râm B’Hưi (ở xã A Xan, H.Tây Giang) kể anh là con trai đầu trong gia đình có 3 anh em. Năm 2016, lần đầu tiên anh xa gia đình trong đêm giao thừa. “Cảm giác lúc đó khó tả lắm. Dù ở đồn biên phòng, đồng đội cũng tổ chức đón giao thừa, song cảm giác nhớ nhà vẫn mãnh liệt”, B’Hưi nhớ lại.
tin liên quan
Dấu chân người lính ở vùng sạt lởCũng theo chiến sĩ B’Hưi, những ngày tháng ở quân ngũ chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất của cuộc đời, bởi cùng với đồng đội, anh được góp một phần sức lực để hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. “Năm nay lại thêm một cái tết xa nhà. Nhưng giờ quen rồi”, B’Hưi chia sẻ.
Là tân binh, Võ Đức Dũng (22 tuổi, ở xã Tam Sơn, H.Núi Thành, Quảng Nam) bộc bạch đây là lần đầu tiên anh ăn tết xa ở tận biên giới. “Ăn tết xa nhà cũng có chút buồn. Nhưng em biết gia đình luôn tự hào, vì em đi làm nhiệm vụ giữ biên cương Tổ quốc. Ở đây, từ thủ trưởng đơn vị đến các anh em trong đồn rất quý mến nhau nên có khi còn vui hơn không biết chừng. Em cũng đang rất trông đợi cái tết này”, Dũng cười hiền lành.
Đã 25 năm trong quân ngũ và cũng hơn 15 mùa xuân chưa được đón tết cổ truyền cùng gia đình, thượng tá Phan Văn Thí, Đồn trưởng Đồn biên phòng Ga Ry, nói rằng cảm giác đón giao thừa xa gia đình với anh giờ đã quá đỗi quen thuộc. Đã qua tuổi 43, song sương gió núi rừng không làm lung lay ý chí của vị chỉ huy. Anh bảo, khi có được ngày phép về thăm vợ, bên cạnh những phút giây sum vầy hạnh phúc, các anh vẫn nhận được những lời bóng gió trách móc của vợ: “Thời bình rồi mà chúng em vẫn như những người chinh phụ...”.
Cũng theo anh Thí, Đồn Ga Ry có 1 trạm kiểm soát biên phòng Tây Giang, nằm cách đồn chính 14 cây số. Những ngày tết, luôn thường trực 4 - 5 chiến sĩ làm nhiệm vụ tại chốt với điều kiện hết sức khó khăn vì phải ăn ở sâu trong rừng, không sóng điện thoại... “Anh em phải đón năm mới trong rừng sâu hẻo lánh, điều kiện sinh hoạt kham khổ, khó khăn. Song chúng tôi luôn xác định tư tưởng bảo vệ bình yên cho nhân dân nên không ai nề hà với nhiệm vụ được giao”, anh Thí chia sẻ.
Thực vậy, mỗi khi tết đến xuân về, ai cũng mong muốn được ở bên những người thân yêu. Nhưng với trách nhiệm công việc, tình yêu đất nước, những người lính Đồn biên phòng Ga Ry nói riêng và những người lính biên phòng nơi biên giới nói chung vẫn lặng lẽ hy sinh để giữ tết yên vui cho mọi nhà.
Bình luận (0)