Gần hai tháng trên vùng biển đảo ấy, tôi và chị Lê Thị Mây đã được các đơn vị bộ đội đưa đi khắp các đỉnh cao, các góc đảo, nơi nhiều công trình phòng thủ đang được gấp rút xây dựng.
Chỉ bốn năm sau 1975 lại nổ ra chiến tranh biên giới, và những bài ca thiết tha, hùng tráng mỗi ngày lại vang lên trên sóng phát thanh - truyền hình, dội thẳng vào hàng triệu trái tim đang nhức nhối: “Chưa yên vui cho trọn ngày/Áo lính lại khoác vào ngay/Chưa xây xong bao lầu đài/Súng thép đã ấm bàn tay/Tiếng kêu núi sông giục bước ngay…”, “Đất nước của ngàn chiến công/Đang sục sôi khí thế hào hùng/Những Chi Lăng - Bạch Đằng - Đống Đa/Đang gọi ta nối tiếp bản hùng ca/Việt Nam ôi nước Việt yêu thương…”.
Không biết bao nhiêu lần, từ những góc đảo khác nhau, tôi phóng tầm mắt ra muôn trùng diệu vợi ngoài xa, tự hỏi Hoàng Sa nằm đâu trong bao la trời biển. Qua kính chuyên dùng của lính đảo, tôi có thể nhìn thấy dải phi lao xanh ven bờ biển xã Bình Dương huyện Thăng Bình, Quảng Nam; thấy Cù Lao Ré (Lý Sơn) của Quảng Ngãi hiển hiện rất gần, rất rõ, chưa kể ngọn hải đăng trên đỉnh Sơn Chà - Đà Nẵng luôn là một điểm sáng quá đỗi gần gụi, thân thương. Nhưng Hoàng Sa của tôi ở đâu trong đại dương mênh mông không có đường biên kia?
Đà Nẵng là một thành phố biển với nhiều làng chài. Mùa hè, khi vụ cá Nam rộ lên, cả thành phố căng lên hương vị biển. Ven sông Hàn, ở các bãi Thuận Phước, Nam Ô…, những đoàn tàu cá buổi sáng trở về, và những rổ cá tươi xanh ánh bạc theo dân rỗi gấp rút tản về các chợ. Mùi cá tươi là lời chào dành cho khách đến từ phương xa, là phong vị không thể thiếu trong cuộc sống người dân Đà Nẵng.
Tôi lớn lên từ những bữa cơm với rất nhiều loại cá: chim, thu, ngừ, đuối, nục, chuồn, cơm…, và cả bài hát mẹ ru em: “Lỗi lầm vì cá trích ve/Vì rau muống vượt, vì mè trộn măng”. Đó là một cách chơi chữ: cá trích ve chính là một tên khác của cá lầm. Cộng thêm ý nghĩa về ẩm thực, về thói đời: cá trích tươi đem kho lạt muối, cuốn bánh tráng với rau muống vượt (loại rau gặp mưa mọc vượt lên, non mẩy), đệm thêm món măng non trộn mè thì ngon miệng tới mức có thể khiến người ta… lỗi lầm (!).
Đời sống quê tôi gắn bó với biển Đông như thế, sống nhờ vào biển như thế, nên trong tôi cứ dội lên một nỗi đau cồn cào mỗi khi nghĩ đến Hoàng Sa.
Cho đến khi internet đã trở thành phương tiện phổ biến. Một ngày kia, tôi vào Google và gõ hai chữ Hoàng Sa, rồi tải xuống những gì có được, tôi đã trải qua một cảm xúc lạ lùng chưa từng có.
Khi lần đầu nhìn thấy bức không ảnh một góc đảo Hoàng Sa với cây xanh và cát trắng giữa một đại dương thẳm xanh, cộng với những cái tên Tri Tôn, Hữu Nhật, Duy Mộng… mà tôi có nghe biết chút ít, tôi choáng đi như thấy một người thân mất tích bỗng trở về. Tôi đã lưu những hình ảnh - tài liệu có được vào một folder, và lâu lâu lại giở ra xem, với ngàn vạn những nỗi niềm.
Internet đã cho tôi niềm vui nhìn thấy một Hoàng Sa bằng - xương - bằng - thịt của mình, nhưng internet cũng khiến tôi đớn đau bức bối khi thấy cờ Trung Quốc bay trên vùng đảo ấy.
Một ngày nọ, tôi lại vào Google và gõ hai chữ Gạc Ma, và lần này nước mắt tôi trào ra không dừng nổi khi tận mắt nhìn thấy cảnh những người lính đảo Việt Nam, tay giương cờ nước, đã ngã xuống trước súng đạn xâm chiếm Trường Sa của Trung Quốc ngày 14.3.1988.
Hoàng Sa, một phần Trường Sa và một hải trình sinh tử cho đất nước tôi ven bờ biển Đông đang bị xâm chiếm một cách bạo ngược.
Không! Tôi không tin rằng bạo lực phi nhân luôn ở vào thế thắng. Ông cha ta từng khẳng định chân lý Việt Nam: “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy chí nhân thay cường bạo”.
Những lá cờ Việt Nam chưa thể bay trên những vùng biển đảo đã mất của chúng ta, nhưng mỗi chúng ta vẫn dành cho những phần lãnh thổ thiêng liêng đó một lá cờ Việt Nam trong tim, vẫn làm tất cả những gì có thể, giữ cho lòng tin luôn trường tồn cùng năm tháng: những gì của Việt Nam rồi sẽ trở về với dân tộc Việt Nam!
Ngô Thị Kim Cúc
Bình luận (0)