Chiều mưa, đi làm về đến nhà đã nghe thơm nức mùi bánh xèo lá nghệ, bụng bỗng cồn cào.
>> Một lần ăn bánh xèo tôm nhảy Quy Nhơn
>> Ngày mưa Sài Gòn, tìm ăn bánh xèo bánh khọt
Trước khi ăn, không quên chụp hình post lên facebook. Và chưa bao giờ nhận được nhiều bình luận đến vậy. Đa số mọi người đều thắc mắc, món này là đặc sản vùng nào, chế biến ra làm sao, chỉ có lá nghệ thôi hả, có người còn ngạc nhiên, lá nghệ là…lá gì?
|
Ngày xưa, đất miền Trung cằn cỗi, 6 tháng nắng, 6 tháng mưa rõ rệt. Những ngày mưa, nhất là mùa đông giá rét, chợ xa, chẳng có gì ăn cùng cơm. Mắm kho quẹt, nước muối kho quẹt hoài cũng ớn, bà nội nghĩ đến đổ bánh xèo. Mà đổ bành xèo với gì đây? Thế là lá nghệ non mọc đầy ngoài vườn được nội cắt vào, rửa sạch, cuộn tròn lại, xắt thật nhỏ. Gạo sau khi ngâm cho mềm, xay thành bột nước. Cho thêm ít gia vị cùng lá nghệ xắt nhỏ vào. Đổ bánh xèo lá nghệ với dầu phụng (dầu lạc), mùi dầu quyện với mùi thơm của lá nghệ khiến bụng cứ đói cồn cào.
Chỉ có vậy, đơn giản, bình dị, nghèo nàn nhưng lần đổ bánh xèo nào của nội cũng hết sạch, con cháu xúm xít ăn bánh xèo nóng trong cái lạnh của những cơn mưa mà nghe đầm ấm, yêu thương ngập tràn.
Nội mất đi, má tiếp tục làm món này cho cả nhà. Khi kinh tế khá lên, thêm tôm, thêm thịt được cho vào nhưng lạ một điều, nó chẳng ngon hơn so với món bánh xèo chỉ thuần lá nghệ. Từ đó, má chẳng thèm thêm gì. Má hay nói: “Món ăn này chắc chỉ có mỗi gia đình ta là hay làm, hay ăn, cả xóm, cả làng này chẳng ai thèm ăn cái món lạ kỳ này”.
Lá nghệ - lá của cây nghệ cho ra củ nghệ - có mùi thơm đối với người thường ăn nghệ củ, nghệ bột nhưng sẽ là mùi hăng, ăn vào nghe đắng đối với người chưa từng dùng. Vì thế, món bánh xèo lá nghệ không phải ai cũng dùng được.
Xa quê, thỉnh thoảng về, lần nào cũng năn nỉ má đổ bánh xèo lá nghệ. Vợ thấy lạ, dùng thử, lúc đầu không thấy ngon nhưng cho rằng đặc biệt, lần sau, lần sau nữa…thành nghiện. Ở Sài Gòn, lá nghệ rất hiếm, mỗi lần đi ngoại thành hay các tỉnh nhất là vào mùa mưa, vợ hay xin lá nghệ về để dành trong tủ lạnh để … làm bánh xèo lá nghệ.
Mỗi lần ăn món này, chồng hay nói đùa với vợ: “Cái món lạ đời này đã truyền đến 3 đời rồi, bà nội – má và em. Và nó chỉ là đặc sản của gia đình mình, chẳng phải đặc sản của vùng miền nào cả”.
Nếu ai ăn được lá nghệ, hãy một lần chế biến và dùng thử bánh xèo lá nghệ. Biết đâu, bạn cũng sẽ nghiện như gia đình tôi!
Thanh Đông
Bình luận (0)