Lá lốt dùng làm các món ăn xào (thái sợi nhỏ xào thịt lợn, lòng gà, vịt, bò, nai, dê), cuốn thịt nướng than hồng thơm ngon, hấp dẫn.
Về mặt y dược, lá lốt có vị cay, mùi thơm nồng, tính mát, ấm (tùy mùa hè, đông), có tác dụng đi vào các kinh vị, tỳ, gan, mật. Có khả năng chữa trị cấp thời và hiệu ứng cao với chứng đau nhức răng, sưng lợi, đau bụng gió do chướng hơi. Người cao tuổi phong thấp, nhức đau khớp gối, mỏi lưng, buốt cột sống, ăn sống hay sắc uống đơn lẻ hoặc kết hợp các vị khác do lương y kê toa.
Dưới đây là đơn thuốc vừa là món ăn, vừa là bài thuốc đa dạng trị bệnh:
- Nấu cháo giải cảm thương hàn dành cho người lao động ngoài trời bị mưa gió, nhiễm sương; người cao tuổi suy nhược, mất ngủ, trúng phong khí bất thường: lấy một nắm 20 lá lốt già (thái sợi), một nắm gạo vo sạch, nửa củ hành tây (hoặc hành tím), 1 tép tỏi, 5 nhánh hành hương nhỏ, 2gr gừng thái lát mỏng, gia vị nêm. Nấu sôi với 150ml nước, sau 15 phút nhấc xuống, bỏ vào 1 quả trứng gà, khuấy đều. Ăn xong, lau mồ hôi sẽ khỏe.
- Canh lá lốt chữa đau gút, đốt sống đau: lấy 150gr lá lốt vừa già (còn màu xanh đọt chuối) rửa sạch, thái sợi, 100gr sườn lợn già (hoặc dê), nêm gia vị vừa ăn, đun sôi trong ½ lít nước.
Sau 20 phút cho lá lốt vào đun sôi thêm 15 phút rồi nhấc xuống, cho 2 tép tỏi đập giập vào, khuấy đều. Chia làm 2 phần ăn trong ngày. Liên tục 7 ngày sẽ có kết quả.
- Chả lá lốt thịt ngan (ức thịt) hoặc gan lợn khoảng 100gr, băm nhuyễn, nêm gia vị (1/4 muỗng canh đường), 20gr lá lốt già (màu lục), rửa sạch, hơ qua lửa cho vừa héo, 20gr mộc nhĩ đen thái sợi nhỏ. Cuốn thịt, mộc nhĩ thành cuốn to cỡ ngón tay cái, dài 3cm. Nướng vừa cháy vàng, tỏa mùi thơm (không rán mỡ, dầu). Ăn liên tục 2 tuần (cách nhật).
Đây là đơn thuốc trị thấp khớp, nhức gối, mỏi hai vai và các xương ngón tay chân tê nhức.
Đông y sĩ Kiều Bá Long
Bình luận (0)