Lạ lùng cụ bà gần 90 tuổi bán sứa đỏ mắm tôm giữa Thủ đô

23/04/2016 20:15 GMT+7

Lần đầu ăn món sứa đỏ mắm tôm, nhiều người không khỏi e dè, lo ngại về độ chịu tải của dạ dày về món ăn lạ này, nhưng chỉ sau vài lần thưởng thức, không ít người Hà Nội đã xem đây là món ăn khoái khẩu.

Lần đầu ăn món sứa đỏ mắm tôm, nhiều người không khỏi e dè, lo ngại về độ chịu tải của dạ dày về món ăn lạ này, nhưng chỉ sau vài lần thưởng thức, không ít người Hà Nội đã xem đây là món ăn khoái khẩu.

Sứa đỏ ăn với mắm tôm - Ảnh: Lê NamSứa đỏ ăn với mắm tôm - Ảnh: Lê Nam
“Sứa đỏ ăn với mắm tôm hả, ngon chứ. Ăn rất mát, nhưng phải đúng của bà cụ ngồi ở Hàng Chiếu nhé”, anh bạn tôi, một bác sĩ chuyên khoa mắt năm nay đã ngoài 40 tuổi reo lên khi thấy nhắc đến món ăn rất lâu anh chưa ăn lại.
Đừng tưởng đàn ông thì không ăn vặt vỉa hè, khoảng 20 năm trước, chính anh dẫn cả những người bạn cùng làm trong ngành y tới gánh sứa đỏ mắm tôm của cụ Gái ở ngõ 70 Hàng Chiếu, Q.Hoàn Kiếm, Hà Nội; cũng lê la ghế nhựa, tay cuốn sứa, tay chấm mắm tôm, ăn hể hả, cười sung sướng như những cô cậu sinh viên gặp món ngon giữa chiều đói rét. Món ăn này có gì mà hấp dẫn người ta đến thế?
Con sứa được đánh bắt về, sơ chế, ngâm với vỏ cây vẹt (loại cây dưới rừng ngập mặn) để có màu đỏ đặc trưng. Người ta chứa sứa đỏ trong những cái sọt tre, vận chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội, có thể bảo quản đông lạnh được nhiều tháng. Khi bán, chỉ cần bỏ sứa ra, ngâm với nước muối. Khách gọi tới đâu, cụ Gái dùng thanh tre cắt sứa ra đĩa đến đấy (chân sứa sẽ mềm hơn thân). Mắm tôm pha sẵn, khách chỉ việc bỏ thêm ớt, vắt thêm chanh.
Theo hướng dẫn của cụ Gái, cách ăn cũng rất đơn giản, cuốn sứa đỏ, đậu phụ nướng, một miếng cùi dừa vào trong vài chiếc lá kinh giới, chấm cả miếng cuốn đó vào bát mắm tôm đã đánh ngầu bọt, đưa lên miệng, chà, thế là đã thấy đã đời. Người ăn quen miệng rối rít khen: sứa giòn quá, ăn mát lạnh như thạch, cùi dừa bùi, kinh giới lại thơm, tất cả hài hòa trong một thứ mắm tôm dậy vị. Cái ngon nhất là phải ăn bốc, đừng có dùng thìa, đũa gì mà ăn sứa đỏ mắm tôm, kẻo mất kết cái hay.
Chắc cả Hà Nội chẳng kiếm đâu được một cái quán sứa đỏ mắm tôm lạ lùng như của cụ Gái. Vỏn vẹn diện tích quán quanh 1 cái gốc cây xà cừ, được chừng 2 m2, đấy là tính chỗ của cả đôi quang gánh, bát đĩa, xô chậu. Cụ Gái ngồi giữa, xúm xít ghế nhựa xung quanh.
Quán vỉa hè, nhưng cũng có những “quy định mềm” khi đi ăn khá là thú vị, như phải gửi xe máy chỗ khác (mất khoảng 10.000 đồng, ô tô sẽ gửi xa mà đắt hơn) để ăn đĩa sứa 25.000 đồng; gọi món và mặc sức ăn, đừng có hỏi nhiều, cụ bà gần 90 tuổi thoăn thoắt làm hàng cho khách dễ cáu kỉnh chỉ vì có cô bé cứ thắc mắc, bà ơi, vì sao phải cắt sứa bằng tre mà không phải dùng dao?
Nói thế, chứ cụ Gái cũng hiền hòa. Có lần vắng khách, cụ đủng đỉnh vừa thái cùi dừa, vừa kể: “Tôi học món này từ Hải Phòng rồi cứ thế bán theo. Có người rời Hà Nội đi sang Pháp, Đức, bây giờ thèm ăn, cứ nheo nhéo bảo bố mẹ phải gửi sứa đỏ mắm tôm sang cho. Thân già tôi lại lọng khọng tìm bìa, tìm hộp để đóng gói cái lọ mắm tôm cho người ta gửi máy bay”. “Cắt sứa bằng dao thì nó tanh, chỉ làm bằng tre thôi”, cụ thủng thẳng, rồi chìa 2 bàn tay nhăn nheo, vàng sậm màu nước vẹt.
Cụ Gái tên đầy đủ là Nguyễn Thị Gái, sinh năm 1928, bán sứa đỏ mắm tôm ở Hà Nội này từ năm 19 tuổi, đều chằn chặn mỗi ngày 3 chậu, mà chỉ ngồi đúng số 62 Hàng Chiếu. Sau đó tầm vài chục năm, chỗ ngồi đó trả cho người khác bán hàng, cụ về ngay trước ngõ 70 nhà mình, ngồi đến giờ, khi tuổi đã ngấp nghé 90. Theo tháng năm, số người muốn ăn sứa đỏ chỉ có tăng lên, nhưng sức người già yếu. Khỏe thì cụ bán hàng, ốm thì nghỉ, khách quen lâu ngày thấy chỗ ngồi dưới gốc cây xà cừ trống trơn cũng thấy nhớ nhung cụ và gánh sứa.
Cụ Gái có 1 con trai, 2 con gái. Con trai làm công nhân. Cả 2 người con gái là bà Nguyễn Thị Lập, Nguyễn Thị Minh từng gánh rong sứa đỏ mắm tôm khắp Hà Nội. Cả hai hiện tại đều ở nhà bán hàng thuê ở Hàng Chiếu, thi thoảng chạy sang đỡ mẹ bán sứa cho khách.
“Cũng có người gạ chúng tôi bán cho bí quyết, hoặc chung vốn vào mở cửa hàng để đưa sứa đỏ mắm tôm vào những quán xá sang trọng. Nhưng chúng tôi lấy đâu vốn, mẹ tôi cũng già rồi, chúng tôi còn nhiều lo toan. Mà quà vặt của Hà Nội chính ra ngon từ cái dân dã. Gió điều hòa, bát đĩa cầu kỳ có khi lại làm sứa đỏ mắm tôm mất khách”, bà Lập, người từng rong ruổi gánh sứa hơn 20 năm khắp Hà Nội bộc bạch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.