Lạ lùng tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội: Giống như chơi chứng khoán !

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
02/07/2018 07:07 GMT+7

Điểm chuẩn vào lớp 10 của một số trường ở Hà Nội lên xuống theo giờ, sáng 46 thì buổi chiều lên 49, hôm nay 49 thì ngày mai 50 có khi 50,5… Chẳng khác nào các sàn chứng khoán, thậm chí có người còn miêu tả như cái chợ.

Mùa tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội năm nay ghi nhận những chuyện lạ lùng, buồn nhiều hơn vui, khiến nhiều phụ huynh cảm thấy quá khổ sở.
Học sinh tăng, đề thi không khó nhưng điểm thi thấp
Năm nay, Hà Nội tăng tới hơn 20.000 học sinh (HS) dự tuyển vào lớp 10. Điều này làm nhiều phụ huynh HS lo lắng vì đề thi sẽ khó hơn, điểm chuẩn sẽ cao hơn... Tuy nhiên, kết thúc mùa tuyển sinh, có thể thấy một nghịch lý rất rõ, dù HS tăng mạnh, đề thi không khó nhưng điểm thi lại tụt dốc, nhất là môn ngữ văn, kéo theo điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm nay giảm mạnh so với nhiều năm gần đây.
Kết thúc kỳ thi, nhiều giáo viên và chuyên gia lên tiếng nhận định đề thi năm nay của Hà Nội vẫn ra theo lối mòn, an toàn và quen thuộc. HS hoàn thành bài thi môn ngữ văn với tâm lý khá thoải mái, không có than phiền đáng kể nào về đề thi khó, nhiều HS tự tin với bài làm của mình, trừ phần câu hỏi kiểm tra học thuộc lòng một câu thơ trong sách giáo khoa từ lớp 7 khiến nhiều em bị bất ngờ và mất 0,5 điểm. Câu hỏi này cũng được đánh giá là rất vô lý trong đề thi vào lớp 10 khi chỉ đơn thuần yêu cầu HS thuộc lòng (chính xác) một câu thơ, không nhằm phân loại thí sinh về học lực.
Tuy nhiên, khi nhận kết quả thi, rất nhiều HS và phụ huynh bị sốc vì điểm môn ngữ văn rất thấp. Một phụ huynh có con học Trường THCS Trưng Vương (Q.Hoàn Kiếm) là một trong số ít HS giỏi nhất lớp về môn ngữ văn, lần nào thi thử cũng đạt 8,5 điểm trở lên, điểm tổng kết môn ngữ văn gần 9,0, cho biết con làm bài rất tự tin, tự chấm điểm ít nhất 8,5 nhưng nhận kết quả thi thì cả hai mẹ con đều khóc vì chỉ được có 6 điểm. Lớp của con chị cũng là lớp có 100% HS học lực giỏi trong năm học vừa qua, điểm môn ngữ văn hầu hết đều trên 8,0 nhưng kết quả trung bình của môn văn thì chỉ khoảng hơn 6,2 điểm.
Đáng nói, nhiều HS vốn được đánh giá là học tốt môn văn, thường được giáo viên đánh giá làm văn có sáng tạo, có cảm xúc… thì lại thấp điểm hơn những HS chăm, học thuộc theo sách giáo khoa hoặc sách tham khảo. Điều này dấy lên lo ngại: Phải chăng việc chấm văn theo kiểu “đếm ý cho điểm” mà lâu nay dư luận vẫn phản ứng, đã được áp dụng trong cách chấm văn trong kỳ thi năm nay?
Trường tốp đầu điểm chuẩn thấp hơn trường tốp giữa ?
Nghịch lý thứ hai là điểm chuẩn các trường giảm mạnh. Cụ thể, những trường luôn dẫn đầu về mức điểm chuẩn THPT công lập không chuyên trên toàn thành phố như Trường THPT Chu Văn An năm học 2017 - 2018 điểm chuẩn là 55,5 thì năm nay chỉ còn 51,5 điểm, giảm tới 4 điểm, cũng là trường giảm điểm chuẩn nhiều nhất.
Trường THPT Thăng Long năm trước 52,5 điểm thì năm nay chỉ còn 49,5, giảm 3 điểm; Trường THPT Kim Liên năm trước 53 điểm, năm nay là 50,5; Trường THPT Việt Đức từ 52 điểm của năm trước, năm nay giảm còn 49...
Điểm mặt bằng chung giảm nhưng một số trường tốp đầu điểm chuẩn lại thấp hơn cả trường tốp giữa là một vấn đề. Một phụ huynh cho biết, nhà anh ở khu vực Q.Hai Bà Trưng, ngay gần Trường THPT Thăng Long, con anh cũng học ở mức giỏi nhưng vì lo ngại năm nay HS tuổi “dê vàng” quá đông nên cả gia đình chuyển khu vực tuyển sinh, đăng ký cho con thi THPT Nhân Chính với mong muốn khả năng đỗ an toàn hơn vì trường này năm nào điểm chuẩn cũng ít hơn THPT Thăng Long 2 điểm. Kết quả con anh được 49,5 điểm.
Tuy nhiên, khi nhận thông báo thì cả nhà sốc vì điểm chuẩn của THPT Nhân Chính là 50 trong khi của THPT Thăng Long là 49,5 điểm, vừa đúng điểm mà cháu đạt được. Đến thời điểm này, gia đình đã phải chọn một trường THPT ngoài công lập cho con nhưng vẫn không nguôi tiếc nuối với hàng loạt câu hỏi “vì sao”...
Thay đổi theo giờ !
Tối 29.6, sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập thì Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, một trường ngoài công lập của Hà Nội phát đi thông báo mức điểm chuẩn vào lớp 10 năm học 2018 - 2019 của trường là 46 điểm.
Tuy nhiên, thông báo của Trường Tạ Quang Bửu lại có thêm một lưu ý rất “khác người”: Thời gian hiệu lực của mức điểm chuẩn là từ 8 - 11 giờ ngày 30.6. Từ buổi chiều, mức điểm có thể thay đổi.
Trước thông báo đầy tính “đe dọa” này, từ sáng sớm 30.6, phụ huynh có con đạt mức 46 điểm và không đỗ vào các trường công lập theo nguyện vọng đã đăng ký, ùn ùn kéo tới Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu xếp hàng nộp hồ sơ nhập học cho con...
Đến đầu giờ chiều 30.6, trường này lại phát đi thông báo mới: “Chiều 30.6, Trường Tạ Quang Bửu chỉ nhận 30 hồ sơ dành cho các HS đạt điểm thi từ 49 trở lên. Điểm chuẩn ngày 1.7 sẽ được cập nhật vào 8 giờ sáng 1.7”. Đến sáng 1.7, chỉ sau một đêm, điểm chuẩn tăng lên thành 50,5 và trường công bố chỉ nhận thêm 10 hồ sơ nữa. Nhiều người cho rằng cách tuyển sinh rất thiếu nhân văn, phản giáo dục như chơi chứng khoán này gây phản cảm.
Sở GD-ĐT yêu cầu “thực hiện nghiêm”
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết trước những phản ánh của phụ huynh, Sở đã yêu cầu các trường THPT thực hiện nghiêm túc hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2018 - 2019 về đối tượng, phương thức, điều kiện, hồ sơ, thời gian tuyển sinh... Hiệu trưởng nhà trường phải phân công cán bộ tuyển sinh có đủ thẩm quyền trực trong thời gian tuyển sinh đến hết ngày 15.7.2018 (kể cả thứ bảy, chủ nhật) để hướng dẫn, giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, tạo thuận lợi cho HS và phụ huynh.
Trong khi đó, cũng là một trường ngoài công lập danh tiếng ở Hà Nội nhưng Trường phổ thông Marie Curie lại có một cách hành xử khác hẳn. Trường này thông báo rất rõ ràng về mức điểm chuẩn của đợt 1 và đợt 2 (nếu có) và thêm một lưu ý quan trọng: "Sau khi nhập học lớp 10 cho con, nếu có cơ hội khác phù hợp hơn, cha mẹ HS có thể rút toàn bộ hồ sơ HS và các khoản kinh phí đã nộp".
Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tôi rất buồn trước việc một số trường trong cùng hệ thống gây khó khăn khi cha mẹ HS rút hồ sơ bằng cách giữ lại tiền. Đây không phải là cách tốt, thậm chí làm tổn hại đến uy tín của trường”.
Liên hệ qua điện thoại để biết... điểm chuẩn
Trong thông báo về tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019 Trường THCS và THPT Lương Thế Vinh vào thời điểm tháng 4.2018 nêu rất rõ: “Nhà trường sẽ công bố điểm chuẩn cùng thời điểm với các trường công lập, thời gian nhập học dự kiến từ 1.7”.
Tuy nhiên, ngày 23.6, ngay sau khi Sở GD-ĐT Hà Nội công bố điểm thi, trường này đã công bố điểm chuẩn và thu hồ sơ nhập học từ 24.6. Trong khi đó, đến ngày 29.6, Sở GD-ĐT Hà Nội mới công bố điểm chuẩn vào lớp 10 công lập.
Sự thay đổi đột ngột này của Trường Lương Thế Vinh khiến phụ huynh nháo nhác và buộc phải “cân não” có nên nộp hồ sơ hay không, rút ra được không... Bởi trong thông báo của trường, các khoản phải đóng hơn 6 triệu đồng và nêu rõ: “Trong trường hợp bắt buộc phải rút hồ sơ, phần kinh phí nhập học sẽ chuyển vào quỹ khuyến học của nhà trường”. Điều này khiến nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng: “Tuyển sinh của cơ sở giáo dục mà chẳng khác nào đánh bạc”.
Chưa dừng lại ở đó, dù nhiều phụ huynh chấp nhận mất khoản phí trên nhưng trong khi “nước sôi lửa bỏng” đi rút hồ sơ để kịp nộp cho con trúng tuyển vào trường chuyên thì đến cổng trường thấy thông báo “Ban tuyển sinh nghỉ làm việc đến hết ngày 1.7.2018”... Trong khi đó, theo quy định của Sở, thời gian nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường chuyên là từ 29.6 - 1.7.
Đến ngày 1.7, trên trang web của trường này lại tiếp tục ra một thông báo rất mập mờ: “Hiện nay các trường THPT và các trường chuyên trên địa bàn Hà Nội đã hạ điểm. Trường Lương Thế Vinh cũng sẽ xét thêm một số trường hợp để nhập học trong thời gian đầu tháng 7. Phụ huynh có nhu cầu cho con vào học tại trường liên hệ theo số máy… để biết thêm thông tin”. Rõ ràng, thông báo không nêu điểm chuẩn đợt bổ sung sẽ là bao nhiêu mà bắt phụ huynh phải gọi để hỏi là một cách làm rất thiếu minh bạch và chuyên nghiệp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.