Lạ như bánh ốc

11/04/2014 05:47 GMT+7

Đồng bào Mường có thêm một lễ “thay ma cữ”, tức dịp để em bé được tiếp xúc với cộng đồng. Trong lễ cúng ấy, bắt buộc phải có món bánh ốc. Và chỉ trong nghi thức này, bánh ốc mới xuất hiện.

Đối với người Mường, sau khi cưới hỏi, đôi vợ chồng trẻ đã an tâm xây dựng tổ ấm thì chuyện chăm lo cho các em bé mới ra đời là hết sức quan trọng. Cũng như nhiều dân tộc khác, sự kiêng khem cho cháu bé không tiếp xúc với người lạ là điều thường thấy. Tuy nhiên, đồng bào Mường lại có thêm một lễ “thay ma cữ”, tức dịp để em bé được tiếp xúc với cộng đồng. Trong lễ cúng ấy, bắt buộc phải có món bánh ốc. Và chỉ trong nghi thức này, bánh ốc mới xuất hiện.

>> Giòn tan bánh rế Phan Thiết
>> Nhớ thương chiếc bánh rợm 

Từ ngày hôm trước lễ “thay ma cữ”, mọi thành viên trong gia đình đã chuẩn bị trước lá chít (lá của một loại cây thuộc họ tre nhưng thùy lá rộng và mềm hơn). Lá được rửa sạch, sau đó hong khô. Ở những vùng không có thứ lá này, mọi người thay bằng lá chuối cắt nhỏ tầm bằng hai lòng bàn tay. Lạt luồng hoặc lạt giang cũng được chẻ mỏng, ngâm nước.

Lạ như bánh ốc
Chiếc bánh ốc có hình dáng như bầu sữa mẹ ngọt ngào vỗ về em bé, nhất là khi bóc ra, bánh ốc trắng
ngần tinh khiết. Nó cũng thể hiện ước mơ về sự an lành, phồn thực
của cư dân lúa nước - Ảnh: Việt Phương

Lúc bánh gói, các chị, các mế thường vặn lá chuối thành hình chiếc vỏ con ốc vặn. Khi vặn tay phải khéo léo để chiếc vỏ ốc không quá nhỏ sẽ khó cho gạo, không quá lớn để khi luộc gạo sẽ bị tầy. Sau đó đưa gạo vào bên trong, có thể cho thêm nhân thịt lợn giã nhuyễn, đậu xanh.

Bước khó nhất là bẻ mép bánh phía trên thành hình tam giác, sau đó lấy lạt buộc chặt giằng ba chiều của chiếc bánh. Sau cùng cho bánh vào nồi đun vừa lửa, luộc tầm hơn một giờ đồng hồ thì vớt ra, để ráo nước rồi đặt lên mâm cúng.

Chiếc bánh ốc có hình dáng như bầu sữa mẹ ngọt ngào vỗ về em bé, nhất là khi bóc ra, bánh ốc trắng ngần tinh khiết. Nó cũng thể hiện ước mơ về sự an lành, phồn thực của cư dân lúa nước. Bởi thế, trong cách chế biến các món ăn của những cư dân lúa nước lâu đời của vùng đất này luôn chứa đựng những điều thú vị.

Nếu như bánh chưng dùng trong dịp lễ lớn nhất của một năm, mang ý nghĩa trọng đại với toàn thể cộng đồng, thì ứng với mỗi nghi thức gắn với lứa tuổi, giới tính lại có những món ăn, những chiếc bánh biểu tượng cho sự an lành, may mắn. Để rồi, trong kí ức tuổi thơ của những em bé khi lớn lên, trưởng thành và đi khắp bốn phương tám hướng vẫn là hình ảnh chiếc bánh mang hình con ốc ngộ nghĩnh. Chiếc bánh giản dị tựa như chất keo gắn kết tình quê hương sâu nặng và bền chặt.

Bùi Việt Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.