|
Hôm 21.11, báo chí loan tin: Thủ tướng Latvia, ông Valdis Dombrovskis, từ chức ngay sau sự kiện phần nóc của siêu thị Maxima XX ở thủ đô Riga bị sập đã làm 54 người thiệt mạng, 40 người bị thương.
Ở nước ngoài, khi xảy ra tai nạn thảm khốc, khi bị phát hiện bê bối…, việc các chính khách từ chức như một hành vi nhận trách nhiệm là chuyện thường tình. Đầu năm ngoái, Tổng thống Đức Christian Wulff đã tuyên bố từ chức sau vụ lùm xùm vay nợ, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Hee-Tae cũng từ chức sau khi bị cáo buộc gian lận phiếu bầu, ba bộ trưởng của bang Karnataka, Ấn Độ cũng đệ đơn từ chức sau khi bị phát hiện xem clip khiêu dâm trên điện thoại trong giờ họp…
Nhưng với người Việt Nam thì chuyện này rất lạ. Vì hiếm. Quá hiếm hoặc thậm chí, không xảy ra.
Người ta có thể lý giải rằng, nền hành chính của Việt Nam khác với nhiều nước trên thế giới, cán bộ của Việt Nam là sản phẩm của cơ chế “Đảng cử dân bầu” nên không có văn hóa chính trị, “văn hóa từ chức” như họ. Nhưng mẫu số của mọi chuyện từ chức tự cổ chí kim, trong nước cũng như ngoài nước đều có xuất phát điểm là tính liêm sỉ. Từ chức là một thái độ. Thái độ ấy có thể được diễn dịch tùy từng tình huống: Có khi đó là sự xấu hổ với chính mình, có khi đó là sự phản đối… Nhưng tựu trung, từ chức là biểu hiện của liêm sỉ, tôn trọng tính liêm sỉ của nhà quản lý, biểu hiện của sự dũng cảm, tự trọng, khảng khái và trong một số trường hợp, biểu hiện của sự cao thượng.
Vụ sập nóc siêu thị ở thủ đô Riga (Latvia) làm 54 người chết không ai quy trách nhiệm pháp lý cho Thủ tướng Valdis Dombrovskis. Hành động xin từ chức của ông xuất phát từ trách nhiệm đạo lý và đó là biểu hiện liêm sỉ.
“Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng ấy không một cán bộ nào không biết. Nhưng vì sao chuyện thực hành “liêm sỉ” qua hành vi từ chức của cán bộ ở nước mình khó thế? “Không phải cứ mỗi khi xảy ra một sự việc cụ thể thì bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Điều đầu tiên phải nghĩ là tại sao tình hình lại như vậy, do chủ quan của ngành mình hay do khách quan, do thời kì mình chỉ đạo hay do nhiều thời kì dồn lại? Và điều quan trọng nhất là cần có quyết tâm và lộ trình kế hoạch sao cho thực hiện tốt hơn tất cả các chuyện” - một lãnh đạo đã giải thích như vậy khi báo chí hỏi về chuyện đề nghị một bộ trưởng từ chức sau nhiều bê bối của ngành.
Lập luận ấy thật ra cũng không mới. Bởi hầu hết cán bộ trong bộ máy nhà nước là đảng viên. Mà tất cả đảng viên làm công tác quản lý nhà nước đều xem đó là nhiệm vụ Đảng giao. Đối với một đảng viên, việc nhận nhiệm vụ hay từ chối một nhiệm vụ đều phải trên cơ sở phục tùng nguyên tắc tổ chức của Đảng. Từ chức, đôi lúc, được xem là biểu hiện của sự trốn tránh trách nhiệm, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí chiến đấu, thậm chí, biểu hiện của động cơ chạy tội hay hạ cánh cho an toàn…
Nhưng, phục tùng nguyên tắc tổ chức đôi khi trở thành cái bình phong để che chắn cho sự thiếu tự trọng. Và cũng cần nhấn mạnh rằng, "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, dân làm chủ là cơ chế gồm ba chủ thể có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn riêng, không ai làm thay ai, không ai quyết thay ai. Nếu Đảng làm thay, quyết thay thì Nhà nước và dân sẽ trở thành hình thức, hữu danh vô thực, người ta sẽ có cảm giác Đảng là vua. Không phải là một ông vua như thời phong kiến mà là vua tập thể thời cộng hòa xã hội chủ nghĩa" (lời ông Nguyễn Văn An, nguyên Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội và Trưởng ban tổ chức Trung ương). Khi Đảng làm thay Nhà nước, vai trò cá nhân của những người có chức, có quyền mờ nhạt dưới sức bao trùm của Đảng. Mà liêm sỉ gắn liền với cá nhân, với từng con người cụ thể. Còn với tổ chức, pháp nhân, đó là uy tín, danh dự chung, mà thường “cha chung không ai khóc”.
Với “một bộ phận không nhỏ”, với “những con sâu”, “bầy sâu” thiếu rèn luyện, tu dưỡng, thiếu liêm chính, gương mẫu, không làm tròn trách nhiệm…, kêu gọi lòng tự trọng ở họ là điều bất khả. Nhưng nếu để họ trốn vào tháp ngà “sự phân công của tổ chức” nhằm được giao công việc khác hay “hạ cánh an toàn” quả là điều bất hợp lý, gây mất niềm tin trong nhân dân. Cho nên, phải có những quy định pháp luật cụ thể về chuyện từ chức đối với người nắm quyền lực, tạo cơ hội cho người có nhân cách, thực tài phát huy năng lực của mình, đồng thời, giúp cho cơ quan, tổ chức và xã hội tránh được những thiệt hại không đáng có.
Chúng ta đã có những quy định về bỏ phiếu tín nhiệm, quy định về việc bị miễn nhiệm khi mắc sai phạm nghiêm trọng đối với các chức vụ lãnh đạo, nhưng quy định về từ chức tự giác vẫn chưa cụ thể trong văn hóa công vụ. Đến bao giờ thì “văn hóa từ chức” ở nước ta không còn là chuyện lạ?
Phú Trang
* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả, là một nhà báo, giảng viên đại học, blogger sống tại Đồng Nai
Bình luận (0)