Lạc chuyến - Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

08/02/2016 19:00 GMT+7

Thị trấn nhỏ, heo hút những cung đường lắt léo xuyên qua mái ngói lô nhô và hàng cây chưa kịp bung mầm mới.

Thị trấn nhỏ, heo hút những cung đường lắt léo xuyên qua mái ngói lô nhô và hàng cây chưa kịp bung mầm mới.

Minh họa: Tuấn AnhMinh họa: Tuấn Anh
Thị trấn lúc nào cũng như cô gái gọn gàng, tươm tất rồi ngồi tự ngắm mình. Những khuôn mặt thân quen trôi qua trôi lại từ ngày này sang ngày khác. Vài con người không rõ ngóng đợi gì thường ngồi ngoài hiên nhà trong màn sương bảng lảng. Như thể chưa có ai đánh thức mùa xuân ở nơi này nên vẫn còn ủ ê trong lớp áo mùa đông lười biếng.
Và năm nào cũng thế, phải chờ cho đến khi chuyến xe khách màu đỏ đang dần trôi về thị trấn thì người ta mới tin rằng mùa xuân đã được chở đến đây. Chỉ một lúc nữa thôi xe sẽ dừng trước cánh cổng sắt đã hoen gỉ ọp ẹp. Thuần ngó chừng bà già còn bận rộn tước lá dong, chẻ nắm lạt dang hay đang vo gạo ngoài thềm giếng. Thuần đoán chắc bà già còn nhiều việc phải làm chưa thể dứt ra được mà đi nên đóng cửa xe ra hiệu cho anh tài lăn bánh. Chuyến xe này cả năm chỉ ghé đến một lần. Dường như cũng chỉ tha thiết dừng trước cánh cổng đó rồi sẽ đi một mạch lên tận Lào Cai trả khách về bến cuối. Có ông già năm nào cũng ra ngóng chuyến xe cuối cùng, chờ đến khi không còn ai bước xuống mới lặng lẽ quay đi. Thuần giả vờ không nhìn thấy tấm lưng đơn độc ấy đang tan ra trong sương. Xứ này nhiều sương đến mức người ta không thấy được mắt nhau nên buồn vui cũng hóa thành ảo ảnh…
Minh họa: Tuấn AnhMinh họa: Tuấn Anh
Ông già là bạn nhậu lâu năm của Thuần. Nhất là vào mùa lạnh, người ta cần đến vài chén rượu cho ấm người lên. Hoặc đó chỉ là cái cớ để những con người cô đơn ngồi lại với nhau. Đĩa lạc rang cả vỏ, mấy con cá khô hay ít táo xanh cùng với đĩa muối rang cũng trở thành mồi nhậu. Hôm nào Thuần kiếm được món lạ thì cuộc nhậu kéo dài bởi sẽ có nhiều chuyện để nói với nhau hơn là loanh quanh buồn cũ. Nhưng kiểu quái nào ông bạn già cũng tìm cách kéo câu chuyện tận đẩu đâu về gần ngay trước mắt. Như khi ngồi nhâm nhi với canh rau sắn ngâm chua, thứ đặc sản của vùng quê đất tổ. Thuần kể mua mấy nắm rau đó rẻ bèo của một bà cô người dân tộc bán ngay bên vệ đường cao tốc. Chỗ đó lần nào dừng xe cho khách xuống Thuần cũng kiếm được thứ gì đó để mua. Khi thì lọ măng ớt, khi thì cọ ỏm, cũng có hôm số hên mua được ít cá thính ngâm chua. Loại đó mang về rán lên nhắm rượu với ít khế chua, mấy thứ lá non ngoài vườn thì ngon phải biết. Đang hào hứng đến mức tưởng như nước miếng của mình ứa ra quện vào mùi thính thì ông bạn già bỗng cắt ngang bởi thứ ký ức mù mờ. Ông ngồi tựa cột, duỗi đôi bàn chân nhăn nheo thò ra khỏi ống quần thun ngắn ngủn và bắt đầu kể.
Những năm bảy mươi, khi đó ông còn trẻ, bà còn thanh xuân lắm. Trong những ngày buôn chuyến rong ruổi khắp nơi, họ từng ghé xin cơm ở một ngôi nhà nhỏ ven đường. Bữa cơm toàn ngô độn, ăn với canh rau sắn ngâm chua nấu kèm với tép đồng. “Cũng vị chua thế này nhưng không hăng như chú em nấu đâu. Nấu chưa kỹ thế này ăn say bổ chỏng. Tôi nhớ bà ấy còn khen mãi cái vị ngọt của mấy con cá săn sắt, rô ron”. Lúc ngồi nhậu với mấy chiếc bánh pía mua trong một cửa hàng đặc sản miền Tây tại Hà Nội. Thuần kêu bánh gì ngọt phát khiếp, chỉ để dụ trẻ con chứ nhậu không hợp. Ông bạn già buồn thiu ngồi ước chi có bà ấy ở đây, người hảo ngọt ăn món này thích phải biết. Rồi có hôm ông bạn già ốm nằm li bì cả tuần trời chẳng chịu ăn uống gì. Thuần mua đâu đó được ít tổ yến loại rẻ mang về nấu cháo. Ai ngờ mới húp được vài thìa đã thấy ông sụt sùi. Nóng quá phải không chú? Nóng gì đâu, tự nhiên nghĩ không biết bà ấy có bao giờ được ăn món này không? Bát cháo yến đang bốc hơi trên tay Thuần bỗng nhiên thấy đắng. Cứ tưởng chỉ bọn trẻ yêu đương mới nhớ nhung mùi mẫn. Ai ngờ…
Ông bạn già vạch kế hoạch “cướp vợ” suốt mấy chục năm mà chẳng có kết quả gì. Ấy là vì ông cứ lần chần mãi. Có lúc đã tính hay là cứ nhảy phóc lên xe, đến tận nơi, xông vào nhà, dắt bà đi trước thanh thiên bạch nhật. Nhưng nếu bà không chịu thì sao? Có khó gì, cùng lắm là bắt cóc như phim. Ấy là khi ông còn trẻ, nghĩ đến việc bế thốc người tình lên xe dễ như chơi. Chứ bây giờ xương cốt yếu rồi, đi có lúc còn không nổi thì bồng bế được ai. Giờ chỉ biết điện cho nhau rủ rê lên Lào Cai đẹp lắm. Tính dụ bà lên chơi vài ngày rồi giữ rịt. Nhưng bà kêu già rồi mắt tuy ham thấy mà chân không ham đi, việc ở nhà không biết để cho ai, ông chồng nằm liệt một chỗ lẽ nào bỏ mặc. Nghe cũng có lý có tình nhưng mà ông bạn già vẫn tức. Bà ở bên người đó gần hết cuộc đời còn chưa đủ hay sao? Lúc trẻ trung đã chẳng được ở bên, giờ còn da bọc xương có lẽ nào cũng không đến lượt? Có hôm vừa uống rượu chỗ Thuần về đầu óc còn biêng biểng. Ông gọi cho bà lúc nửa đêm kêu tôi sắp chết đến nơi rồi bà có lên không thì bảo? Ai biết bà trả lời ra sao, vì hỏi xong câu đó ông lăn ra ngủ lúc nào không biết. Sáng ra điện lại hỏi đêm qua tôi nói gì? Bà thản nhiên bảo không, ông chỉ kể về đám lau sậy trước nhà và mấy con gà đang kỳ đẻ trứng. Ông tiếc hùi hụi cơn say cũ, đã phải uống cạn đáy bình cốt chỉ mong đủ can đảm mà bày tỏ lòng mình. Nào ai ngờ kể toàn chuyện vớ vẩn như một lão già ngớ ngẩn. Lau sậy thì mặc lau sậy, chúng thì có giúp gì cho cuộc đời ông. Chỉ bà già là hình như có đau. Dù thừa biết câu chuyện đêm qua chỉ là lời hù dọa của một kẻ say tình lẩm cẩm. Những lần như thế ông buồn đến mức lúc xe khách đi ngang qua nhà ông cũng không buồn ngẩng lên trước cái ngoắc tay thân thuộc của Thuần.
Xe Thuần ngày chạy một chuyến, thời gian không cố định. Thường thì năm giờ sáng đã xuất phát nhưng có hôm ông chủ nhậu say nằm ngủ li bì đến chín giờ mới hé mắt trông ra. Xe người ta chỉ chạy tầm hơn bốn tiếng một lượt nhưng riêng xe Thuần có khi cả đi lẫn về hơn mười tiếng. Dân đầu bến thừa biết nếu có chuyện gì gấp gáp thì chớ bước lên xe Thuần. Gã chủ xe kiêm phụ xe ham chơi có tiếng, đang đi đường cao tốc cũng có khi tạt vào lề đường, nhảy phóc xuống xe thò tay qua hàng rào B40 để mua mấy mớ rau rừng của dân bán ven đường. Tưởng như nhiều hàng quán mở trái phép chỉ để đợi xe Thuần. Chìa cho nhau chai rượu nút lá chuối, tổ ong non mới đốt, cặp gà già “đi bộ”. Cũng có khi chỉ là ít táo chua, thứ mà cứ đến mùa mua đâu chả được, ê hề. Khách phải tập quen với sự la cà thong thả đó. Đời Thuần đâu có gì vui ngoài những tình thương góp nhặt dọc đường.
Thuần không có vợ con. Đúng hơn là gã đã từng có vợ nhưng sống với nhau gần chục năm mà ông trời không cho một mụn con. Vợ Thuần ngày càng héo hon. Đàn bà không con như quả táo quắt khô rụng xuống cội sống đời câm lặng. Khám chữa đủ nơi, thuốc thang đủ kiểu. Tiền kiếm được bao nhiêu dắt díu nhau chạy chữa tứ phương. Vợ Thuần cam chịu, nỗi đau vón sỏi trong lòng mà không một lời ca thán. Là thằng đàn ông ngẫm lỗi tại mình mà đầy đọa giam cầm cả đời người con gái thấy không đành. Nên Thuần từng mượn rượu, vịn những cơn say để đuổi vợ đi. Hôm vợ đi rồi Thuần nhìn quanh nhà chỉ thấy mảnh bát vỡ, những vung nồi méo mó, tấm ảnh cưới đã ố vàng giờ cháy xém mất đầu cô dâu chú rể. Rượu lúc đấy mới thật sự say. Ngả nghiêng cuộc đời thằng đàn ông đơn độc.
Từ đấy ông bạn già mới có người nhậu cùng. Chứ trước đây một giọt rượu Thuần cũng lắc đầu. Giờ biết làm gì cho hết ngày dài tháng rộng. Không đi làm thuê nữa, đất đai nhà cửa Thuần mang bán sạch lấy tiền mua xe chạy đường dài. Không lái được thì thuê người, đi cả ngày tối về ngủ vạ vật trên xe hoặc bạ đâu ngủ đấy. Thường thì sang nhà ông bạn già nâng lên đặt xuống vài ly rồi lăn quay ra ngủ. Trời lạnh thì ông đắp cho manh áo, nóng thì mở toang cửa sổ hưởng gió trời. Trong giấc ngủ của một gã say, Thuần vẫn còn nghe tiếng ông già hát nghêu ngao mấy câu hát: “Vắng em còn lại tôi với tôi/Lá khô mùa này lại rơi/Thương em mênh mông chân trời lạ/Bơ vơ chốn xa xôi…”. Thuần nghe mà càng muốn đi hơn. Những chuyến xe trôi đi khiến Thuần thấy đời mình nhẹ như cơn gió. Những quán lá dựng tạm ven đường hình như cũng giống gã. Dựng để bớt buồn chứ mua bán có là bao. Xe trên đường cao tốc thường chạy vùn vụt, chỉ dừng lại khi đón trả khách tại một vài điểm. Mấy ai có hứng dừng xe trái phép để mua những món lặt vặt đâu. Mà kể có muốn thì chủ xe cũng gạt phăng “đường cao tốc chứ đâu phải đường làng”. Quán cũng không dám lấn lòng đường bày bán. Thường chỉ lấp ló sau hàng rào thép gai một chiếc nón lá, một mẹt rau xanh vừa kịp héo, một đôi sọt đựng đầy củ rừng để bơ vơ không thấy người đâu. Cả ngày có khi chẳng bán được cho ai, hoặc vài người xuống xe mua vội làm quà trong cơn say xe lảo đảo. Dọc đường này chỗ nào Thuần cũng quen. Tưởng như nếu sau này giải nghệ thì có thể xin cơm dọc chiều dài Hà Nội - Lào Cai. Họ là ai? Là ông cụ từng đứng đón xe nắng nôi trong dáng vẻ rách rưới đến tội nghiệp. Không chiếc xe khách nào dừng lại cho đến khi Thuần qua. Ông cụ lên Yên Bái thăm con gái đẻ chỉ mang theo con gà mái vừa nhảy ổ làm quà. Không có tiền trả tiền xe, ông bần thần nói với Thuần sẽ trả dần bằng rượu rắn. Là bà cụ vừa lên xe thì lăn đùng ra vì cảm nắng. Thuần dồn hết khách xuống xe, trả lại tiền bảo họ bắt xe khác mà về. Rồi gã quay xe chạy ngược lại Hà Nội đưa bà đi cấp cứu. Chuyến đó lỗ to vì phải đóng thay tiền viện phí, mua thêm ít thuốc bổ và dúi cho bà cụ vài đồng dặn mua ít thịt về bồi dưỡng. Bà cụ nghèo khổ đó sau này hay mang rau rừng ra chờ vẫy một chiếc xe. Là cô gái được Thuần đỡ đẻ trên xe sau khi bị thằng chồng vũ phu vứt cho ba lô quần áo và “trả về nơi sản xuất”. Là thằng nhỏ mồ côi được Thuần nhận nuôi chỉ qua một cuộc chuyện trò mà tiếng thằng nhỏ lẫn trong tiếng nôn mửa và những cuộc điện thoại ông ổng tục tĩu. Là một gã say đã không chịu xuống xe về nhà đòi đi thẳng đến điểm cuối cùng chỉ vì muốn nhậu chung với Thuần một bữa...
* * *
Bà già ngồi trước hiên nhẹ nhàng nắn bóp tay chân cho chồng. Chồng bà từng là người đàn ông vạm vỡ, vác những bao thóc nặng, những thân cây to giờ co lại còn một nhúm ngồi gọn lỏn trên chiếc xe lăn. Bà nhìn chân tay chồng teo tóp chỉ còn da bọc xương mà lòng thắt lại. Kể từ hồi bị tai nạn khi đi vác gỗ thuê, ông nhà gần như không muốn cất lời. Cái mặc cảm què quặt phải nằm ngồi một chỗ để vợ con phục vụ khiến ông câm lặng. Căn nhà nhỏ thường chỉ vang lên tiếng cốc chén, nồi xoong, tiếng xe lăn khô dầu kêu kin kít và tiếng bà độc thoại. Một con chó trông nhà, mấy chú gà con chiêm chiếp và lũ mèo hoang tìm đến cũng đủ vui. Ở góc sân luôn có tô cơm nguội, thường là cơm ông ăn thừa mang san sẻ với lũ gà hàng xóm. Ông ăn ít lắm, thường là ăn cho bà vui. Mỗi lần đi chợ mua có vài lạng thịt mà ông ăn mãi không hết. Cho đến khi những miếng thịt rang khô quắt queo thì ông thường bị nghẹn. Ông nghẹn nước mắt ứa ra, khó nhọc thở tựa như muốn trăng trối điều gì. Bà vội vã lấy nước, vuốt ngực xoa lưng và mắng vốn mấy lời thương xót. Đứa con trai duy nhất xa nhà cũng đã mười năm. Nó chỉ trở về vào mỗi dịp lễ tết trong năm. Mang theo ít đồ ăn đóng hộp, mấy lọ thuốc ngoại và có khi cả con mèo Nhật, con chó Mỹ. Dù bà đã cố gắng chăm sóc cẩn thận mà chúng chỉ sống được ít ngày tự dưng bệnh rồi chết. Bà dặn con đừng mang về thêm bất cứ con vật gì nữa. Chúng cũng như con người vậy, đâu phải vứt đâu là sống đấy.
Ông nhà ngồi đó chỉ cảm nhận được mùa qua cái nắng hạ chói chang chiếu thẳng vào nhà, qua những đám lá thu bay vun lại cuối sân, qua đám sương mờ bảng lảng lạnh thấu những bức tường cũ mốc. Và giờ là mùa xuân đã đến qua từng vạt nắng vàng mang theo hương hoa và mùi lá non dễ chịu. Những bụi cúc vạn thọ bà trồng bung hoa vàng rực cả vườn. Đám lay ơn năm nào cũng chỉ ra đúng bảy bông, vừa đủ để bày trên bàn thờ tổ tiên lấy lộc. Riêng cây đào bích già cỗi thì mỗi năm mỗi ít hoa hơn. Nhưng sự chắt chiu nhọc nhằn ấy càng trở nên đáng quý. Đôi khi chỉ cần một nụ đào cũng đủ ấp ủ cả mùa xuân ấm áp. Bà già thích ngắm những chồi cây tách mình ra khỏi lớp vỏ xù xì bạc thếch. Một mầm non xanh nhỏ xíu đủ cứu rỗi thời gian in hằn trên thân xác già nua. Bà bỗng nhớ đến người tình đầu tiên. Mấy chục năm không gặp chắc giờ đã nhàu nhĩ lắm rồi. Bà của ngày xưa giờ tóc trắng, da nhăn, giấu vào đâu cũng không kín nổi những ngón tay gầy guộc. Ông giờ chắc cũng đã phải dùng răng giả để nhìn bớt móm. Muốn đọc sách có khi phải đeo kính. Mặc áo quần rộng thùng thình vì tay chân teo tóp lại. Ấy thế mà vẫn si tình vụng dại, chẳng khác gì năm tháng rất xưa. Quen nhau từ bé, mày tao chí tớ mòn răng. Hai mươi tuổi rủ nhau bỏ làng đi buôn khi đời sống quá nghèo và không gian tù túng. Thử tưởng tượng mà xem, những năm tháng trẻ trung đã cùng nhau bôn ba khắp nơi. Từng hôn nhau khi tàu vừa rời ga. Từng ôm chặt lấy nhau che chở bờ vai gầy giữa mùa gió dữ. Từng bón cho nhau thìa cháo sắn mong cho qua cơn sốt giữa đêm thâu. Từng hứa với nhau sẽ đi cuối đất cùng trời. Giờ vẫn cái tính ngông cuồng ông già đó định rủ bà bỏ trốn. Bà hỏi trốn đi đâu? Ông cười khà khà, miễn là có nhau đi đâu chẳng được. Nhưng bà đâu thể đi. Bà ở lại làm đôi chân của chồng, đi quanh quẩn từ nhà ra giếng. Mặc ông già đó muốn trách sao cũng chịu. Thế giới của bà giờ chỉ thu hẹp lại sau cánh cổng ọp ẹp kia thôi...
Xứ này nhiều chim sẻ. Chúng thoắt ẩn thoắt hiện tựa như b̉ầy trẻ thơ thích chơi trò trốn tìm. Thỉnh thoảng chúng từ đâu đó bay qua mái nhà ùa xuống sân ngỡ ngàng nhặt thóc. Chúng làm ông nhà linh hoạt hơn, mắt ánh nên niềm vui hiếm hoi. Đôi chân như muốn đứng lên, thoát khỏi chiếc xe lăn để bước về khoảng sân ngập nắng. Bà già thường xúc động khi nhìn cảnh tượng đó nên năm nào cũng mong cho sớm đến mùa xuân. Dù thừa biết rằng thời gian đã quay thêm một vòng, bà có thể rụng thêm một cái răng, sẽ đãng trí hơn và mắt cũng mờ hơn trước.
Nhưng có hề chi... Khi mà ông chịu để bà đẩy xe trôi ra ngoài cánh cổng sắt ọp ẹp rồi đi dạo trên con đường mùa xuân tươi non trong thị trấn. Chiếc xe lăn thỉnh thoảng lại xóc nảy lên, ông nhà thường vô thức khua tay ra trước mặt. Như muốn vén màn sương mỏng để nắng ùa vào tràn ngập khuôn mặt đang giãn ra vừa vặn một nụ cười. Ông bạn già của Thuần đã bắt gặp đúng khoảnh khắc ấy khi ngồi áp mặt vào cửa kính xe dõi tìm bạn tình. Xe trôi chậm nên mọi thứ diễn ra trước mắt cũng như một thước phim quay chậm. Rõ ràng và chân thực đến mức ông bạn già kịp nhìn thấy ánh mắt vừa hạnh phúc vừa thanh thản của bà. Thuần không biết ông bạn liệu đã tỉnh cơn say, nhưng nghe thấy tiếng lòng ông rưng rức như muốn khóc. Khác với mấy năm trước, ông hùng hồn vạch ra các kiểu kế hoạch “bắt cóc” người yêu để rồi cũng lãng quên trong những cơn say. Thì năm nay ông lại mượn một cơn say khật khưỡng bước lên xe khoát tay đòi bao cả chuyến chỉ để đi về nơi có người thương. Trong đời ai cũng có ít nhất một lần can đảm. Ví như ông bạn già đã can đảm để yêu. Thuần hỏi giờ thì tính sao? Có định nhảy xuống bắt cóc người yêu như phim hành động? Bạn già phẩy tay, thôi bỏ đi chú em, người ta đang hạnh phúc cơ mà.
Chuyến xe đưa ông bạn già và Thuần rời khỏi thị trấn đúng lúc trời bỗng nhiên bừng nắng. Nắng vàng tươi, lấp lánh như những cánh mai nở lác đác ngoài hàng rào đá ong của một ngôi nhà nhỏ. Cây mai như cũng đi lạc từ phương Nam ra xứ Bắc. Giống như chuyến xe này năm nào cũng một lần tách khỏi tuyến đường chính để đi lạc đến đây. Ông già ngồi trên xe tự nhủ sao bấy lâu mình lại đi tương tư một bà già xấu xí. Cái áo màu gụ bà mặc trông quê mùa kinh khủng mà hình như cũng đã xù len. Đôi dép nhựa bà đeo đã cáu cặn lại còn đứt quai, trời thì lạnh không mang nổi đôi giày cho ấm. Mái tóc mượt đen ngày xưa giờ lưa thưa sợi bạc được búi tó một cách xuề xòa. Làm gì còn má thắm môi hồng, lúc bà cúi xuống nói nhỏ vào tai chồng đã kịp hở khoảng lợi có đôi chỗ trống huơ trống hoác. Nếu sớm biết bà cũng tàn phải theo thời gian như thế thì ông đã chẳng mất công ngóng đợi. Mấy ý nghĩ tưởng chừng phũ phàng đó vẫn không sao xóa nổi hình ảnh bà thong thả đi dạo hạnh phúc bên chồng. Chỉ có khoảnh khắc duy nhất ấy thôi mà ông già kịp mường tượng ra cảnh bà còn bận đãi gạo, xát vỏ đỗ, cọ lá dong gói bánh. Bận dọn dẹp lại căn nhà nhỏ chờ đứa con trai chưa dứt việc để về. Bận giặt lại cho chồng mấy chiếc áo len mùa cũ và hong lại chiếu chăn. Ừ có thể bà còn mang cả chiếc xe lăn của chồng mang phơi nắng mới. Nên ông bạn già trả mình về thực tại vỗ đánh đét vào đùi. Kêu chú em ơi sáng vội đi quên khuấy mất nồi thịt nấu đông còn ninh trên bếp. Thuần gõ nhịp nhè nhẹ lên cửa kính. Thản nhiên bảo lo gì chú ơi, củi đã tắt ngay từ lâu. Thời tiết này chẳng cần bỏ vào tủ lạnh thì thịt vẫn cứ đông. Làm thêm vại dưa hành ấy thế là thành tết. Tết của hai người độc thân cũng tươm tất theo kiểu của đàn ông.
Thuần với tay vặn volume, bản nhạc xuân vang lên rộn ràng. Ông bạn già tựa lưng, thoải mái ngủ một giấc xuân lâng lâng, bồng bềnh tựa như một vạt mây. Trong lúc chìm vào giấc ngủ ông nghe thấy chuông điện thoại reo. Hình như có ai đó nhắn Thuần nhớ dừng xe nhận ít măng khô, vài món mứt tự làm và cặp bánh chưng còn nóng hổi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.