Đến ngày nhận phòng, khách sạn đã cho người khác ở phòng 601, nữ du khách xem 2 phòng khác nhưng đều thấy bẩn, được bố trí ở tạm phòng 801 thì phòng này lại không dọn, sàn có rác và phân chuột. Cuối cùng không thỏa thuận được đổi phòng, du khách đòi lại tiền và bỏ đi. UBND Q.Ngũ Hành Sơn phạt khách sạn 20 triệu đồng, buộc đại diện khách sạn xin lỗi du khách.
Khách sạn nói trên không chỉ là trường hợp cá biệt về chất lượng dịch vụ, mà còn lạc lõng giữa nỗ lực của toàn ngành du lịch và địa phương đang xây dựng Khu phố du lịch - "phố Tây" An Thượng thành sản phẩm du lịch độc đáo.
UBND Q.Ngũ Hành Sơn đã đầu tư hơn 58 tỉ đồng cho giai đoạn 1, UBND TP.Đà Nẵng cũng đang đầu tư hàng chục tỉ đồng giai đoạn 2 để thay đổi diện mạo, hạ tầng khu vực tương xứng với tầm vóc, kỳ vọng như các khu phố đi bộ - chợ đêm, khu "phố Tây" trên thế giới. Sau 1 năm giai đoạn 1 vận hành, nhiều tuyến đường An Thượng 1, 2, 3, 4 và Hoàng Kế Viêm, Ngô Thì Sĩ… không thua kém các khu phố sang trọng với đá lát nền, điện âm, đèn đường, cảnh quan, cây xanh...
Tuy nhiên, con người vẫn là then chốt trong sản phẩm du lịch. Bên cạnh chính sách thông thoáng để thu hút đầu tư, cũng cần quy trình kiểm soát nghiêm ngặt hơn với tính chất khu vực đặc thù; thường xuyên tập huấn, nâng cao nghiệp vụ cho các cơ sở kinh doanh, ngành du lịch; kiểm tra, hậu kiểm, mở rộng các kênh đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của du khách; xây dựng lực lượng phản ứng nhanh để giải quyết các tình huống phát sinh.
Ngoài các biện pháp cứng rắn để răn đe, địa phương cần kết nối, hình thành một cộng đồng kinh doanh, cùng thống nhất xây dựng những chuẩn mực, quy tắc văn minh để định hướng, giáo dục. Có như vậy, mới loại bỏ những cơ sở lạc lõng với mục tiêu, nền nếp chung.
Bình luận (0)