Rõ ràng là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng chậm lại, lãi suất hạ, nhập siêu giảm mạnh, lương chuẩn bị tăng... Có thể thấy hầu hết các thông tin vĩ mô công bố đều hết sức lạc quan. Nhưng không thể phủ nhận rằng áp lực giá cả ngày càng đè nặng lên bữa cơm hằng ngày của mỗi gia đình. Vậy đâu là sự thật trong bức tranh kinh tế của chúng ta hiện nay?
CPI quý 1 tăng thấp, CPI tháng 4 gần như không tăng, hiểu một cách đơn giản có nghĩa là giá cả hàng hóa, dịch vụ đứng yên. Vậy giá sữa tăng liên tục trong quý 1 tới nay với mức tăng khá cao, từ 5% - 20% được tính vào đâu? Giá gas điều chỉnh 5 lần trong 1 tháng, đỉnh điểm lên tới nửa triệu/bình thời điểm cuối tháng 3 vừa qua được "bổ" vào chỗ nào? Ngay những ngày đầu năm 2012, giá nước tại nhiều tỉnh, thành đã được điều chỉnh tăng thêm 10%... Rồi thì phí cầu đường, phí bảo trì đường bộ, phí xe cá nhân... hàng chục loại phí đã và đang được đưa ra hạch toán vào đâu trong rổ hàng hóa để tính CPI?...
Đi tìm lời giải cho nghịch lý trên mới hiểu, những thắc mắc tới hoang mang của người dân là hoàn toàn có cơ sở. Đơn cử, ngày 23.4, hôm qua, Tổng cục Thống kê công bố CPI tháng 4 tăng thấp nhất trong 3 năm trở về đây, chỉ 0,05% so với tháng trước thì cũng trong ngày hôm qua, Bộ Y tế họp chuẩn bị cho việc tăng giá gần 500 dịch vụ y tế. Cái ăn, cái mặc tăng thì còn cố "nhịn" chứ bệnh tật, ốm đau, kiểu gì cũng phải chữa. Nên việc tăng giá gần 500 dịch vụ y tế có thể khẳng định sẽ khiến cuộc sống vốn khốn khó của người dân, lại càng thêm áp lực.
Trước đó, quyết định tăng lương cơ bản vừa được ban hành thì gần như ngay lập tức, xăng "đội" thêm 900 đồng/lít để "nhảy" lên mức kỷ lục từ trước tới nay, 23.800 đồng/lít. Xăng tăng tối hôm trước, sáng hôm sau đi chợ giá thực phẩm, giá hành, ớt, rau... được cộng thêm “chi phí nhiên liệu”. Rất nhiều bà nội trợ đã phải nén tiếng thở dài khi bớt trong "rổ" chi tiêu vài thứ, làm sao để "gói" cho trọn bữa ăn hằng ngày cũng chỉ với số tiền như cũ.Và mấy ngày nay, các hãng vận tải lại rục rịch điều chỉnh giá. Cũng là lẽ tất nhiên bởi nhiên liệu chiếm tới 30% chi phí vận tải. Chẳng thế mà trước giờ tăng giá, thật chua chát khi phải chứng kiến cảnh tài xế taxi đã giành vòi bơm tự đổ xăng, cảnh những dãy dài người dân xếp hàng chờ đợi đổ xăng chỉ để tiết kiệm vài chục ngàn, thậm chí là vài ngàn. Thời buổi khó khăn, đỡ đồng nào, hay đồng đó là tâm lý chung của nhiều người, nhiều gia đình.
Đối với người dân, cái họ quan tâm không phải là những con số lạc quan trên giấy tờ mà là giá hàng hóa tiêu dùng; dịch vụ y tế, giáo dục; chi phí giao thông, điện nước... có giảm hay không? Còn nếu giá các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu vẫn tăng mạnh như hiện nay, các chỉ số lạc quan liệu có ý nghĩa gì?
Nguyên Hằng
Bình luận (0)