Lạc quan về triển vọng của Masan, các công ty chứng khoán nâng giá mục tiêu của cổ phiếu MSN

17/08/2021 16:15 GMT+7

Các công ty chứng khoán vừa đồng loạt ra báo cáo đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của cổ phiếu Công ty CP Tập đoàn Masan.

Báo cáo ngày 16.8 của CTCK Bản Việt (VCSC) đã tiếp tục khuyến nghị MUA cổ phiếu MSN. VCSC đã đưa ra giá mục tiêu MSN ở mức 172.000 đồng, cao hơn 28,8% so với mức giá thị trường vào cùng ngày (133.500 đồng/cp).
Với hơn 30 nhà máy sản xuất, hệ thống bán lẻ gần 2.500 siêu thị và cửa hàng VinMart/VinMart+, cùng với đó là các trang trại chăn nuôi - trồng trọt trải dài cả nước, Masan là tập đoàn có khả năng tích hợp toàn bộ chuỗi sản xuất và bán lẻ hàng hóa thiết yếu phục vụ gần 100 triệu người tiêu dùng Việt Nam.
Dây chuyền chế biến hàng tiêu dùng của Masan

Dây chuyền chế biến hàng tiêu dùng của Masan

Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng đề xuất lên Chính phủ phương pháp tạo “vùng đệm” nhằm nâng cao hiệu của của giải pháp sản xuất “3 tại chỗ” hiện nay. Đồng thời, đầu tư hàng ngàn tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ hệ thống vận hành ổn định.
Nỗ lực vượt đại dịch, quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Masan ghi nhận đà tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt trong mảng bán lẻ - tiêu dùng.
Báo cáo ra ngày 10.8 của Credit Suisse nâng giá mục tiêu cổ phiếu MSN lên mức 162.000 đồng dựa trên việc ban điều hành lạc quan vào kết quả kinh doanh quý 3 và biên lợi nhuận có triển vọng gia tăng trong trung hạn.
Lĩnh vực bán lẻ của Masan tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 7, doanh số trên từng cửa hàng thực tế tăng 11% so với tháng trước. Động lực tăng trưởng do nhu cầu tiêu thụ của người dân tăng cao giai đoạn giãn cách xã hội. Bên cạnh đó, Credit Suisse cũng đánh giá rằng người dân đang có xu hướng chuyển sang mua sắm tại các kênh bán lẻ hiện đại, điều này cũng giúp hoạt động của VCM khả quan hơn.
“Vận chuyển hàng hóa vào các vùng tâm dịch khó khăn, nhân sự thiếu hụt khi nhiều nhân viên phải cách ly y tế là những thách thức chính VinMart/VinMart+ phải đối mặt trong giai đoạn vừa qua. Để đảm bảo đầy đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu gia tăng đột biến của người tiêu dùng, chúng tôi đã xây dựng nhiều kịch bản, ứng phó với mọi diễn biến của dịch bệnh. Đồng thời đẩy mạnh kênh bán hàng online, xây dựng các giải pháp cung cấp hàng hóa vào khu cách ly, phong tỏa nhằm giúp khách hàng mua sắm thuận tiện hơn”, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc thường trực VinCommerce (đơn vị chủ quản VinMart/VinMart+) cho biết.
Masan đặt mục tiêu đưa số lượng cửa hàng VinMart+ lên hơn 3.001 điểm trong năm 2021

Masan đặt mục tiêu đưa số lượng cửa hàng VinMart+ lên hơn 3.001 điểm trong năm 2021

Theo Masan ngay trong năm nay, VinCommerce sẽ mở rộng quy mô VinMart+ lên hơn 3.001 cửa hàng. Tăng tốc xây dựng nền tảng Point Of Life đáp ứng đa dạng các nhu cầu thiết yếu như bán lẻ, tài chính, giáo dục, giải trí và chăm sóc sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam bằng việc ra mắt mô hình cửa hàng VinMart+ CVLife, tích hợp phòng giao dịch Techocombank và kiosk Phúc Long. Dự kiến đến cuối năm, Masan sẽ đưa mô hình kiosk Phúc Long vào 1.000 cửa hàng.
Báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đặt mức giá mục tiêu 160.000 đồng, nhấn mạnh việc Masan đã cải thiện toàn diện trong các ngành hàng tiêu dùng.
Mảng gia vị, thực phẩm đóng gói, đồ uống ghi nhận tăng trưởng. Bảo Việt cho rằng Masan Consumer đã hưởng lợi từ chiến lược tập trung cao cấp hóa, đa dạng hóa và tiện lợi hóa cho người tiêu dùng.
Đối với các mảng kinh doanh khác, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) cho rằng tỷ suất lợi nhuận thức ăn chăn nuôi đang tăng trở lại mức 12% của năm 2020 so với mức một chữ số nửa đầu năm nay.
Trong khi đó, Masan đặt mục tiêu nâng công suất các nhà máy chế biến thịt lên từ 25 - 30% trong quý 4 từ mức 11%. Masan MEATLife hiện cũng đang cộng hưởng tốt với VinCommerce trong chiến lược tập trung vào thực phẩm tươi sống. Ngược lại, thịt sạch MEATDeli cũng gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng thông qua chuỗi cửa hàng VinMart/VinMart+ có độ phủ toàn quốc.
Tại Masan High-tech Materials, giá vonfram cao hơn cùng với việc thực hiện doanh số bán đồng có thể giúp tăng doanh số nửa cuối năm.
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) cập nhật rằng, ban điều hành Masan đã chia sẻ quan điểm tích cực về triển vọng kinh doanh trong quý 3.2021. Doanh thu hợp nhất của Masan Group được kỳ vọng tăng 30% so với cùng kỳ nhờ vào tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ ở tất cả các mảng kinh doanh.
Doanh số của MCH dự kiến tăng 45%, doanh số VCM tăng 15%; doanh số MML tăng 50%; doanh số MHT tăng 34%.
HSC nhận định rằng triển vọng kinh doanh nửa cuối năm của Masan sẽ càng khả quan hơn so với nửa đầu năm; nguyên nhân một phần do xu hướng tiêu dùng thay đổi do Covid-19, mặt khác sản phẩm của Masan đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng hiện đại.
Báo cáo ngày 16.8 của VCSC đã nhắc lại khuyến nghị MUA và tăng giá mục tiêu MSN lên 21% so với giá mục tiêu trước đây do (1) lợi nhuận trước thuế và lãi vay giai đoạn 2021-2023 dự kiến tăng 6% chủ yếu nhờ doanh thu / cửa hàng tại VCM dự kiến tăng và giả định giá bán trung bình cao hơn tại MHT và (2) loại bỏ chiết khấu tập đoàn 15%. Công ty chứng khoán này một lần nữa khẳng định quan điểm lạc quan về việc Masan tiếp tục nắm bắt mức tăng trưởng tiêu dùng dài hạn của Việt Nam bởi tập đoàn này đang sở hữu các doanh nghiệp tiêu dùng hàng đầu với quy mô lớn trong lĩnh vực FMCG, thịt có thương hiệu và bán lẻ nhu yếu phẩm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.