Lạc vào cõi Phật Nong Khai

28/08/2016 22:05 GMT+7

Những vị thần, Phật vừa như bình yên tĩnh tại nhập định, vừa như đang xáo động, bức bối, trào dâng nhiều cảm xúc khác nhau.

Ngoài việc chung dòng sông Mê Kông, kiến trúc và ngôn ngữ Lào - Thái tương đồng, thủ đô Vientiane của Lào và Nong Khai (một tỉnh nhỏ ở đông bắc Thái Lan) còn có điểm chung độc đáo: công viên Phật (Buhda Park). Buhda Park có một hấp lực đặc biệt, khách đến đây nghe lòng thanh thản, cứ ngỡ đang lạc vào chốn vô thường…
Ngăn cách bởi dòng sông Mê Kông, Nong Khai có cửa khẩu quốc tế nối với Vientiane, đây là cửa khẩu quốc tế sầm uất nhất của đất nước triệu voi, là đường ngắn nhất từ Lào đi Bangkok (hơn 600 km), lúc nào cũng nhộn nhịp du khách qua lại.
Vientiane và Nong Khai có chung công viên Phật (Buhda Park). Tôi không hiểu tại sao, nhiều công ty du lịch lại dịch Buhda Park thành “công viên bãi Phật” và “công viên tượng Phật”.
Công viên Phật nằm ở hai bờ Mê kông đối diện thuộc hai quốc gia với nhiều nét chung nhất. Buhda Park ở Vientiane có tên là Wat Xiengkuane (Wat trong tiếng Khmer, Thái, Lào đều là chùa), cách Vientiane 25 km. Buhda ở Nong Khai là Wat Khaek, thường gọi là Sala Keoku, cách cửa khẩu Nong Khai 5 km.
Tổng công trình sư thiết kế và người chỉ huy thi công là Bounlua Suliat (1932 - 1966). Ông là cư sĩ tinh thông về triết học Hindu và Phật giáo. Thường ngày, ông mặc trang phục màu trắng, không cạo đầu nên nhiều người tưởng ông là pháp sư. Có người cho rằng mẹ ông là người Lào gốc Việt.
Lạc vào cõi Phật Nong Khai 1
Ảnh: Shutterstock
Chưa qua trường lớp đào tạo nào về kiến trúc, điêu khắc hoặc tạo hình nhưng bằng cả tâm huyết và sáng tạo, Bounlua Suliat đã làm nên những tác phẩm để đời, dù chỉ bằng xi măng, gạch nung và sắt thép.
Wat Xiengkuane được xây dựng từ những năm 1950 - 1960, thời kỳ chiến tranh Đông Dương khốc liệt nhất. Tôi đã đến chiêm ngưỡng Wat Xiengkuane nhiều lần. Hàng ngàn tượng Phật, thần, linh vật, ác quỷ, con người và cỏ cây đều khác lạ, ẩn dụ nhiều tâm thế và suy tư. Các nhóm tượng và cảnh trí hư thực hòa quyện.
Từ Hindu, Phật đến đời thường và cả kiếp sau được kiến trúc sư minh họa sống động từng chi tiết. Mỗi bức tượng và nhóm tượng, lớn hay nhỏ luôn ẩn chứa trong đó nhiều uẩn khúc của con người và thời cuộc. Những vị thần, Phật vừa như bình yên tĩnh tại nhập định, vừa như đang xáo động, bức bối, trào dâng nhiều cảm xúc khác nhau.
Lạc vào cõi Phật Nong Khai 2
Wat Xiengkuane (Lào) ra đời trước, như bản nháp tinh xảo của Wat Khaek - Sala Keoku (Thái Lan). Sala Keoku ra đời sau năm 1975, khi Bounlua qua Nong Khai tu hành nên cả quy mô, độ tinh xảo và sự ẩn dụ, sáng tạo đều hơn hẳn Wat Xiengkuane. Tôi chưa gặp khu vườn nào có nhiều tượng Phật, thần với nhiều tâm thế và góc độ như vậy.
Hòa trộn giữa Hindu, Phật và đời thường là những hình ảnh kỳ lạ, đến với Bounlua Suliat trong các giấc chiêm bao. Cả những cảm nhận về thần linh ngộ ra trong đời sống hằng ngày cũng được ông và các cộng sự thể hiện hoàn hảo. Những thần nhân trong sử thi Ramayana, quần thể tượng Phật và các vị thần Brahma, Vinus, Shiva, Arjuna, Rama, Sita... đều có mặt ở đây.
Tác phẩm tượng của Bounlua đều sử dụng chất liệu xi măng, không sơn phết hay phủ bất kỳ chất liệu gì. Sự thô mộc của xi măng qua thời gian đã tạo nên nét rêu phong, cũ kỹ, thể hiện qua các mảng màu đơn giản như đen, xám của thiên nhiên. Sự bào mòn của thời gian càng làm cho thần thái những bức tượng thêm vẻ kỳ bí, huyễn hoặc.
Lạc vào cõi Phật Nong Khai 3
Tôi không hiểu tại sao hình tượng quả bí đỏ (bí ngô) lại được dùng làm biểu tượng các cột vũ trụ ở Sala Keoku. Nếu Wat Xiengkuane có động Âm phủ hình quả bí đỏ 3 tầng là Địa ngục, Trần gian, Thiên đàng thì Sla Keoku có tòa nhà 3 tầng với vô số tượng Phật và nhiều tượng thần, linh vật rất lạ.
Tầng trên cùng có nhục thân của Bounlua Suliat, đặt trang trọng trong vòm kính. Wat Xiengkuane có tượng Phật nằm khổng lồ, dài 40 m, vị tha và gần gũi như dáng vẻ Phật tổ nhập niết bàn. Sala Keoku có hàng chục tượng Phật sừng sững, cao vài chục mét, bao dung và thanh thoát nhìn cuộc đời dâu bể.
Có cả tượng Phật bằng gạch nung cao vút, hình như đang làm dang dở. Sử thi Ramayana được trích đoạn với chủ đề khuấy biển sữa cứu khổ nhân loại, thần Vishnu tọa trên mình rắn vũ trụ nhiều đầu, bên cạnh các sự tích Phật pháp. Mọi thứ được bố cục ngẫu hứng đầy sáng tạo mà chặt chẽ đến khó hiểu. Dưới mỗi bức tượng đều có bảng chú thích bằng tiếng Thái, dùng nhiều từ cổ, không có chữ tiếng Anh nào.
Lạc vào cõi Phật Nong Khai 4
Ảnh: Nguyễn Văn Mỹ
Đến Nong Khai, tôi bị cuốn hút vào Sala Keoku. Có một hấp lực không cưỡng lại được, cứ thế mà đi tới như kẻ mộng du. Trong nắng chiều dịu ngọt, bức tượng nào cũng sống động như đang thiền. Tôi thích thong thả chiêm ngưỡng, nghe hồn từng bức tượng độc thoại về những triết lý nhân quả luân hồi để suy ngẫm và tiếp nhận.
Thời gian như ngừng trôi, không gian như ngưng đọng. Cuộc sống với bao sân si và khổ hạnh bỗng nhẹ tênh. Nghe lòng thanh thản, cứ ngỡ đang lạc vào chốn vô thường giữa cõi Phật mênh mang hạnh phúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.