Lạc vào “xứ sở” 2.000 tượng voi cổ độc nhất Đắk Lắk

20/04/2022 13:58 GMT+7

Sở hữu hơn 2.000 hiện vật cổ liên quan đến hình tượng voi, anh Võ Minh Luân với không gian mang tên “Xứ sở voi” truyền đi nhiều thông điệp ý nghĩa.

Dành suốt 10 năm sưu tầm, anh Võ Minh Luân ở xã Cư ÊBur, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk sở hữu hơn 2.000 tượng với khoảng 200 mẫu voi khác nhau, tạo nên khu trưng bày hiện vật cổ ấn tượng.

Anh Võ Minh Luân trên tay tượng voi duy nhất còn sót lại của Trường Mỹ nghệ Biên Hoà

SẦM ÁNH

Anh Luân cho biết: “Ở Tây Nguyên, voi đại diện cho sức mạnh và sự giàu sang của mỗi buôn làng. Trước cảnh đàn voi đang ngày càng giảm, tôi mới sưu tầm nhiều hiện vật về voi, để cho thế hệ mai sau và mọi người dân, du khách khi đến với Tây Nguyên nói chung, đến Đắk Lắk nói riêng, sẽ có những cảm nhận về hình ảnh voi Tây Nguyên”.

Theo chia sẻ, các tượng voi này được làm từ nhiều chất liệu khác nhau như: gốm, đất nung, gỗ, kim loại,… thuộc các dòng gốm nổi tiếng Chu Đậu, Thổ Hà, Bát Tràng, Biên Hòa, Lái Thiêu, Thành Lễ. Bằng việc đặt tên cho bộ sưu tập là “Xứ sở voi”, anh Luân mong muốn bảo tồn văn hóa truyền thống, lưu giữ hình tượng voi của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Để khách tham quan cảm nhận được vẻ đẹp trong các bức tượng trưng bày, anh Luân còn cất công gắn kết, tạo nên bức tường với hàng ngàn tượng voi độc đáo, lạ mắt.

Bức tường voi tạo thành từ việc gắn kết hơn 2.000 tượng voi với nhau

SẦM ÁNH

Các tượng voi được sắp xếp tỉ mỉ theo hàng lối

SẦM ÁNH

Cặp voi được làm từ chất liệu đất nung

SẦM ÁNH

Anh Luân cho biết, nhiều tượng voi quý bởi giá trị độc bản hoặc có niên đại lâu đời. Có thể kể đến như tượng voi lớn nhất Tây Nguyên với chất liệu gốm cổ chiều cao 90cm, dài 110cm được đặt làm riêng cho một cơ quan tỉnh Biên Hòa cũ. Chủ sở hữu tượng là một nhà sưu tầm đồ cổ ở Đồng Nai, biết anh Luân đam mê nên đã đồng ý chia sẻ bức tượng để trưng bày.

Đây là tượng voi lớn nhất Tây Nguyên được làm bằng chất liệu gốm cổ

SẦM ÁNH

Hay như tượng voi gốm sứ Bát Tràng cổ làm từ thời nhà Nguyễn, được cất công sưu tầm từ một nhà nghiên cứu của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Cổ vật Việt Nam. Điểm đặc biệt của tượng voi này là được làm như một ống điếu để hút, rất độc lạ.

Trên tay tượng voi gốm sứ Bát Tràng cổ làm từ thời nhà Nguyễn

SẦM ÁNH

Ngoài việc sưu tầm các tượng voi, anh Luân còn dành nhiều tâm huyết tìm kiếm, cất giữ những hiện vật cổ có khắc hoạ hình tượng voi. Đáng chú ý là hộp phấn trang điểm bằng gốm cổ Chu Đậu (Hải Dương) được làm thế kỷ XIII - XV, có hình ảnh hai người đang săn bắt voi trong thời điểm sơ khai.

Hộp phấn trang điểm bằng gốm cổ Chu Đậu (Hải Dương) được làm thế kỷ XIII – XV

SẦM ÁNH

Những chiếc chóe khắc hoạ hình tượng voi và đồng bào Tây Nguyên

SẦM ÁNH

Chiếc bình có hoạ tiết về voi tuy đơn giản nhưng được anh Luân cất giữ cẩn thận

SẦM ÁNH

Ông chủ của “xứ sở voi” mong muốn quảng bá các giá trị văn hóa, di sản voi Tây Nguyên cũng như lan tỏa tinh thần bảo tồn voi tự nhiên đang có dấu hiệu suy giảm nghiêm trọng. "Xứ sở voi" không chỉ là điểm đến tham quan mà còn giúp người dân hiểu thêm về voi, về lịch sử lâu đời của vùng đất Tây Nguyên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.