Học sinh “nở” sau điều tra phổ cập
Năm học trước, những trường tiểu học trung tâm của Đà Nẵng như Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh... đã trong tình trạng quá tải, khiến học sinh (HS) của trường không được học các lớp bán trú. Năm học này, để hạn chế tình trạng trên, UBND TP đã có văn bản chỉ đạo, những hồ sơ trái tuyến đều phải có sự chấp thuận của UBND TP.
Khi siết hồ sơ trái tuyến thì phụ huynh tìm cách lách bằng việc chạy hộ khẩu. Theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khi điều tra phổ cập tiểu học cho đầu năm học mới 2013 - 2014, số HS trong độ tuổi vào lớp 1 trên địa bàn tuyển sinh của Trường tiểu học Phù Đổng là 382 HS. Thế nhưng, khi có thông báo tuyển sinh thì có đến 444 hồ sơ. Như vậy có 62 trường hợp phát sinh. Tình hình tương tự ở Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ. Khi điều tra phổ cập tiểu học, chỉ có 87 HS trong hộ khẩu nhưng đến ngày trường tổ chức thu hồ sơ thì có đến 141 hồ sơ HS có hộ khẩu hợp lệ…
Các trường tiểu học trung tâm của Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải - Ảnh: Diệu Hiền |
Có hộ khẩu nhưng không sinh sống thực tế
Theo điều tra của UBND P.Hải Châu 1, có đến 194 HS có hộ khẩu tại địa phương vào học Trường tiểu học Phù Đổng nhưng không sinh sống thực tế tại đây, không có quan hệ huyết thống với chủ hộ. Tình trạng này cũng xảy ra ở địa phương có trường tiểu học Phan Thanh và Hoàng Văn Thụ. Thậm chí, có trường hợp của H.K.P mới nhập hộ khẩu vào ngày 1.7.2013 nhưng vẫn nằm trong danh sách nhập học vào Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND P.Hải Châu 1, cho biết phần lớn HS tuy có hộ khẩu thường trú nhưng không sinh sống tại địa phương. “Theo quy định, tổ trưởng đã xác nhận thì chúng tôi phải đề nghị lên quận. Cũng có trường hợp nhà trường xác minh không có, trả về, nhưng sau quận đề nghị nhận, thì chúng tôi cũng làm danh sách để tạo điều kiện cho các em đi học”, bà Hà phân trần.
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy có rất nhiều trường hợp chính chủ hộ không hề hay biết cháu bé đứng tên trong hộ khẩu cha mẹ tên gì, làm nghề gì. Điển hình là trường hợp của gia đình bà Đ.T.C (trú tổ 49, P.Hải Châu 1). Khi chúng tôi đến hỏi thăm về cháu N.V.H có tên trong hộ khẩu của gia đình thì chồng bà hầu như không hề biết cháu con ai và thừa nhận cháu không hề sống tại gia đình.
Một trường hợp khác, N.H.A.T nhập khẩu vào gia đình ông H.D (đường Nguyễn Chí Thanh, P.Hải Châu) vào tháng 10.2010. Ông D. cho rằng cháu T. có quan hệ chú bác với gia đình, nhưng khi hỏi tên ba mẹ cháu thì ông D. hoàn toàn không biết.
Xác nhận 4 trường hợp nhưng danh sách đến 10 !
|
Sau nhiều ngày tìm hiểu về vấn đề “chạy” hộ khẩu, “chạy” trường, PV Thanh Niên đã phát hiện kẽ hở khiến các cơ quan chức năng cố tình lợi dụng để nhét thêm HS vào khu vực tuyển sinh của những trường “điểm”.
Trong danh sách HS mà UBND P.Hải Châu 1, Q.Hải Châu xác nhận có thể theo học tại các trường tiểu học Phan Thanh, Hoàng Văn Thụ có 10 HS ở tổ 49 đã được tổ trưởng dân phố xác nhận cư trú tại địa phương. Chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Liễu, tổ trưởng tổ 49, và đưa danh sách 10 HS mà P.Hải Châu 1 cho rằng đã được ông xác nhận thì ông Liễu khẳng định chỉ xác nhận 3 trường hợp, những người còn lại ông không hề hay biết. “Nếu có thì tôi xác nhận thôi, còn những người khác tôi không hề ký, không hiểu sao lại có trong danh sách?”, ông Liễu băn khoăn.
Trong khi đó, khi chúng tôi đặt vấn đề này, ông Đoàn Ngọc Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND P.Hải Châu 1, lại cho rằng do tình cảm giữa các hộ dân với nhau nên có thể tổ trưởng xuê xoa mà xác nhận. Ông Sơn còn khẳng định: “Phường chỉ có nhiệm vụ xác nhận… chữ ký của tổ trưởng. Còn tổ trưởng xác nhận đúng hay sai thì phường không chịu trách nhiệm” (!?). Nhưng ông Sơn cũng thừa nhận nhiều phụ huynh cho con nhập hộ khẩu về P.Hải Châu 1 chỉ nhằm mục đích đưa con vào Trường tiểu học Phù Đổng. "Nếu quả thực chỉ cho con em có hộ khẩu, sinh sống thực tế tại địa phương thì chỉ có hơn 100 HS trong số hơn 400 HS đang có hộ khẩu tại phường được đi học", ông Sơn cho biết.
Việc quá dễ dãi trong việc nhập hộ khẩu, xác nhận hộ khẩu khiến cho việc giảm tải ở các trường tiểu học trung tâm càng khó khăn. Với thực trạng này, mục tiêu trong 2 - 3 năm nữa 100% trường tiểu học trên địa bàn TP dạy ngày 2 buổi khó trở thành hiện thực.
Diệu Hiền
>> Cử tri bức xúc chuyện "chạy" trường
>> Chọn và chạy trường
>> Cần bịt kẽ hở “chạy trường”
Bình luận (0)