Thấy chúng tôi tỏ vẻ e ngại khi hỏi về chuyến đi, nhà thiết kế Việt Hùng cho biết: “Thời gian gần đây chúng tôi ít có khách yêu cầu đi loanh quanh thành phố hay Phan Thiết, Mũi Né... mà thường xuyên lên Sapa, Lào Cai, Sơn La... Phải đi xa như thế mới ít... đụng hàng!”.
Lên núi, xuống biển để... hơn nhau!
Thủ tục đầu tiên trước ngày cưới là việc chụp hình làm album. Ngày nay việc làm album cưới tốn thời gian và nhiêu khê hơn trước rất nhiều. Để có được một cuốn album, đôi uyên ương phải bỏ ra một ngày nếu chụp tại studio hoặc ở Bình Quới, Văn Thánh, Đầm Sen... với giá trọn gói khoảng 3 - 7 triệu đồng/album tùy theo kích cỡ và tên tuổi của nhiếp ảnh gia; còn nếu muốn đến danh lam thắng cảnh ở các tỉnh, thành khác thì giá trọn gói (bao gồm tiền vé máy bay, xe cộ, ăn ở và tiền công cho các nhân sự đi kèm, tiền làm album khi đã chụp hình xong) một album có thể lên đến khoảng 40 triệu (như chuyến đi Lào Cai đã đề cập ở phần đầu bài viết). Sau khi chụp xong, nhiếp ảnh gia sẽ chọn từ 40 - 60 kiểu hình để đưa vào album được ép laminate toàn bộ, mỗi trang trình bày mỗi kiểu với nhiều hoa văn khác nhau; hoặc nếu khách muốn ghi những lời thơ, những câu danh ngôn, các studio cũng sẽ chiều theo. Thông thường các nơi cho thuê áo cưới đều có dịch vụ chụp ảnh làm album, nhưng nhiều đôi uyên ương lại thích “chọn mặt gửi vàng” ở studio do những nhiếp ảnh gia tên tuổi thực hiện.
Việc chụp hình cưới ngày nay là một công nghệ khép kín từ A đến Z. Studio nào cũng có nhân viên kỹ thuật, ánh sáng, trang điểm, làm tóc và chuẩn bị trang phục cưới. Họ làm việc khá chuyên nghiệp, luôn phối hợp với nhau rất nhịp nhàng. Khi đi chụp ngoại cảnh, đôi khi họ trở thành những người dàn dựng... phim trường. Đây là công việc cực kỳ khó khăn bởi không phải “đạo cụ” nào cũng có sẵn. Có hôm đang chụp ở bãi biển, nhiếp ảnh gia cao hứng yêu cầu các nhân viên phải tìm được một chiếc xích đu xinh xắn để cô dâu ngồi và chú rể làm động tác đong đưa; đôi khi dựng cánh cửa gỗ trên bãi biển hay những bó đuốc sáng rực khi chụp cảnh đêm hoặc phải hỗ trợ cô dâu chú rể leo lên vách núi cheo leo để chụp hình cho... lãng mạn!
Để thêm phần sành điệu, nhiều đôi uyên ương còn yêu cầu studio phải có xe hơi cổ để họ dạo qua các đường phố Sài Gòn và có Honda chở phó nháy chạy theo bấm máy lia lịa. Mới đây, anh H. - một người quen của chúng tôi - thuê xe hơi cổ đi chụp hình ở Suối Tiên nhưng vừa qua khỏi cầu Sài Gòn, chiếc xe “già” bỗng trở chứng, tội nghiệp cô dâu phải ôm áo cưới xuống đường chờ sửa xe. Sau gần một tiếng đồng hồ hì hục, anh thợ đành lắc đầu chào thua, thế là cô dâu chú rể và “đoàn làm album” phải vác đồ qua taxi. Chiếc xe kia được chủ nhân thuê xe cẩu chở về! Hỏi về cảm tưởng sau “chuyến đi”, anh H. than thở: “Tôi đâu muốn bày vẽ thế, nhưng cô ấy cứ nằng nặc đòi để không thua kém bạn bè. Chưa hết, còn khối chuyện như: thuê áo cưới cho ngày đãi tiệc, chọn nhà hàng, thuê xe hoa... Mà phải chi tôi là con của đại gia thì khỏi phải lo, đằng này vợ chồng đều đi làm lãnh lương, kiểu này sau đám cưới phải è lưng ra trả nợ!”. Hiện những chiếc xe hơi cổ khá hiếm, trong các studio - cưới chỉ mỗi Lê Nam là có xe cổ cho thuê với giá 1 triệu đồng/4 tiếng.
Nếu việc chụp hình làm album khiến không ít đôi uyên ương ngán ngẩm thì việc chạy lòng vòng để tìm, thử áo cưới cho “tân giai nhân” cũng khiến các “tân lang” mệt nhừ! Thôi thì có đủ trăm ngàn kiểu dáng, màu sắc, giá cả... để chọn lựa. Ở các tiệm áo cưới nổi tiếng thì giá thuê dao động từ 1,5 - 4 triệu đồng/soa-rê; Nếu đặt may thì khoảng 5 - 10 triệu đồng/bộ, tùy chất liệu vải và kiểu dáng. Nhà tạo mẫu Việt Hùng cho biết đã từng nhận may một chiếc áo soa-rê với giá... 120 triệu đồng! Theo Việt Hùng, chiếc áo này được kết bằng phalê và một loại đá hoa của Áo. Cô dâu đặt may không phải là người nổi tiếng hay Việt kiều gì cả, mà chỉ là người làm kinh doanh bình thường. Còn với áo dài, ngày nay các cô dâu rất chuộng kiểu áo dài cưới truyền thống hoặc kiểu áo cung đình. Ở những nhà thiết kế như Sỹ Hoàng, Minh Hạnh, Liên Hương, Việt Hùng... giá may mỗi bộ áo dài thường từ 2 - 4 triệu đồng/bộ, trong khi giá thuê ở các tiệm áo cưới từ 600 - 800 ngàn đồng/bộ.
Tiệc cưới, đời chỉ có một lần!
Thật khó thống kê được hết hiện nay trên địa bàn thành phố có bao nhiêu nhà hàng, khách sạn, nhà văn hóa, khu vui chơi... có chức năng kinh doanh tiệc cưới, nhưng nổi tiếng nhất là công nghệ tiệc cưới Sinh Đôi, cụm nhà hàng Phong Lan, nhà hàng Nhân Đôi, Quốc Thanh... Ở nhà hàng Sinh Đôi, giá bàn tiệc trung bình trên dưới 1,5 triệu đồng, các dịch vụ khác có giá như bắn pháo hoa kim tuyến: 500 ngàn đồng/show, ban nhạc và 2 ca sĩ: 1,5 triệu đồng, dịch vụ máy phóng và màn hình (chiếu trực tiếp hình quay, chụp tại buổi tiệc): 1,5 triệu đồng... Đặc biệt nơi này còn tổ chức cả lễ gia tiên tại nhà hàng (dịch vụ này dành cho những người có gia đình ở xa hoặc không còn người thân) với giá 2, 5 triệu đồng (gồm bàn thờ gia tiên, chủ hôn, mâm quả...) và đội lễ tân bưng mâm quả là 3 triệu đồng. Chúng tôi đã nhiều lần dự tiệc cưới ở nhà hàng này và cũng rất ấn tượng với nghi thức làm lễ: có khi đội lễ tân gồm 20 cô gái xinh đẹp trong bộ soa-rê trắng tinh, tay cầm những cây pháo hoa nho nhỏ, chia thành hai hàng hộ tống cô dâu chú rể lên sân khấu trong tiếng nhạc du dương; có khi là 10 cặp nam nữ trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống; thậm chí có khi gồm cả một lực lượng khoảng... 60 người với đủ loại trang phục, múa hát, cầm cờ, lọng, múa lân... để rước cô dâu chú rể ngồi trên “xe vua” từ ngoài đường vào nơi đãi tiệc.
Còn ở nhà hàng Phong Lan, nghi thức cũng tương tự thế. Trước khi cô dâu chú rể bước vào khán phòng, một vũ đoàn khoảng 20 người trong trang phục vua, hoàng hậu, công chúa, cung nữ ra múa, hát. Khi xong màn biểu diễn, họ xuống sân khấu theo lối đi chính để hộ tống cô dâu chú rể bước lên sân khấu trong màn khói lạnh phun dày đặc, ánh đèn vàng mờ ảo và tiếng nhạc kiểu cung đình. Nghi thức này được gọi là “rước đèn theo kiểu Hoàn Châu cách cách”, mặc dù cả cô dâu lẫn chú rể đều là cư dân Sài Gòn chính hiệu. Giá bàn tiệc thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất 1,8 triệu đồng. Riêng phần nghi lễ rước đèn, chủ nhân tiệc cưới phải trả riêng, từ 1,6 - 2 triệu đồng.
Có thể nói hình thức tổ chức cầu kỳ, rườm rà ở một số nơi kể trên đã đánh trúng tâm lý những người thích khoa trương. Nhiều nơi khác cũng vẽ vời đủ thứ lễ nghi hết sức kỳ quái. Một khách sạn - nhà hàng lớn ở trung tâm Sài Gòn lại có màn cô dâu chú rể quỳ dâng rượu cho song thân hai bên. Tội nghiệp cô dâu đang xúng xính trong bộ soa-rê và đôi giày cao gót cứ té lên té xuống, đổ hết rượu. Một nhà hàng khác ở Q.11 thì đặt chiếc vòng sắt hình trái tim có rất nhiều nến trên sân khấu, khi cô dâu chú rể bước lên thì phải làm nghi thức “thắp nến tình yêu” cho lãng mạn! Còn tiệc cưới ở những nơi như khách sạn New World, nhà hàng Maxim, KS Caravelle, Majestic, Equatorial... giá khá cao: trên dưới 5 triệu đồng/bàn. Có nơi chỉ riêng tiền thuê đội lễ tân mặc áo dài khăn đóng rước khách đã là 500USD.
Nhiều người cho rằng, đi đám cưới ngày nay giống như chịu một cực hình. Thông thường người dự phải ngồi chờ ít nhất một tiếng rưỡi mới đến giờ làm lễ. Trong lúc làm lễ, người dự tiệc luôn bị “điếc con ráy” bởi văn phong dị hợm và sự lộng ngôn của MC. Nhược điểm lớn nhất của hầu hết MC tiệc cưới là nói quá nhiều và chính vì thế nên đôi khi họ đã nói luôn cả những điều không biết rõ, những điều không nên nói và lắm khi thành trơ trẽn, vô duyên.
Sau màn làm lễ, người dự tiệc tiếp tục bị “tra tấn” bởi âm nhạc. Chủ ý của chủ nhân buổi tiệc muốn có ban nhạc và ca sĩ cho thêm phần sinh động, thế nhưng vô tình điều này đã trở thành sự phiền hà cho khách. Nhạc inh tai đến nỗi những người ngồi chung bàn chỉ biết nhìn nhau cười chứ chẳng ai nghe ai nói được gì. Song, ở những khách sạn hạng sang như New World, Caravelle, Majestic, Equatorial, nhà hàng Maxim... thì lại khác, nhạc phục vụ tiệc cưới ở những nơi này đa phần là nhạc hòa tấu với lượng âm thanh vừa phải nên khách dự tiệc luôn có cảm giác thoải mái và thân thiện vì được trò chuyện, giao lưu với nhau.
Theo nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, “lễ cưới cũng là một hình thức phản ánh mức sống, sự phát triển của đời sống kinh tế nên đương nhiên không thể chỉ có mấy miếng kẹo, bình trà, nhưng cũng không thể nghĩ mình có tiền hay nhân danh cho tự do, dân chủ để muốn làm gì cũng được...”. Nhà văn Sơn Nam cũng đồng ý, “lễ cưới chỉ là một lễ hội của gia đình chứ không phải của thôn xóm hay cả nước”. Bởi thế một lễ cưới giản dị nhưng thật vui, sinh động nhưng không phô trương, xa hoa, lãng phí, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 27/CT-TW của Bộ Chính trị là điều cần khuyến khích và nhân rộng. Chúng ta đừng quá đặt nặng về hình thức để rồi làm sai lệch ý nghĩa “đời chỉ có một lần”!
Theo Trúc Linh
(Báo CA TP.HCM)
Bình luận (0)