Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Từ 'mốc 3 biên' tới đầu nguồn sông Đà

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
07/02/2023 07:35 GMT+7

Trước khi chia tách thành 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên (tháng 1.2004), tỉnh Lai Châu cũ là địa phương có đường biên giới dài nhất Việt Nam, giáp với cả 2 nước Lào và Trung Quốc.

BÁM TRỤ CỰC TÂY

Tôi lên H.Mường Nhé (Điện Biên), vào bản Sen Thượng tìm gặp cựu binh Lường Văn Thước (92 tuổi), hỏi chuyện biên giới Lai Châu 60 năm về trước.

Ông Thước quê Yên Bái, năm 1951 vào bộ đội và tháng 9.1954, Khu ủy Tây Bắc thành lập Trung đoàn 159 (còn gọi là Trung đoàn Biên phòng Tây Bắc), ông về Tiểu đoàn 957 bảo vệ biên giới Việt - Lào, sau đó là Đồn biên phòng (BP) Leng Su Sìn, H.Mường Tè, Lai Châu (nay là Đồn BP Leng Su Sìn thuộc Bộ đội Biên phòng - BĐBP Điện Biên). Là trinh sát, ông lăn lóc mọi xó rừng bờ suối làm nhiệm vụ tiễu phỉ, và năm 1960 ông cưới bà Pờ Vú Sừ, người Hà Nhì ở bản Leng Su Sìn. Năm 1973, ông ra quân và ở lại Mường Tè.

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Từ “mốc 3 biên”  tới đầu nguồn sông Đà - Ảnh 1.

BĐBP Lai Châu và cán bộ xã Sín Thầu, H.Mường Tè (nay là xã Sín Thầu, H.Mường Nhé, Điện Biên) bàn phương án bảo vệ biên giới, năm 1980

T.L.

Ông Thước kể: "Trước 1959, mảnh đất Mường Tè như bị bỏ quên, bọn phỉ bên Lào và Trung Quốc liên tục mò sang cướp phá các bản làng. Khi BĐBP Lai Châu thành lập (7.2.1963), chúng tôi lên biên giới đặt đồn trạm, bọn phỉ còn phao tin "người Kinh lên ăn thịt người Hà Nhì"… Mấy năm liền cùng ăn cùng ở, cùng lao động với đồng bào, mới được tin tưởng và hòa đồng. Khi đã thành anh em, thì mọi việc lớn nhỏ đều cùng làm rất nhanh".

Thiếu tá Tô Minh Điến (85 tuổi, hiện đang ở xã Văn Lang, H.Hưng Hà, Thái Bình) có 26 năm công tác (1962 - 1988) tại BĐBP Lai Châu. Trưởng thành từ binh nhì lên thiếu tá, ông là đồn trưởng đầu tiên của Đồn BP A Pa Chải, Mường Tè, Lai Châu (nay là Đồn BP A Pa Chải, thuộc BĐBP Điện Biên) thời điểm 1978 - 1984 và được đồng bào dân tộc Hà Nhì rất coi trọng, được đặt tên cho trẻ sơ sinh…

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Từ “mốc 3 biên”  tới đầu nguồn sông Đà - Ảnh 2.

BĐBP Lai Châu trên đường làm nhiệm vụ khảo sát biên giới, năm 1977

T.L.

"Năm 1976 - 1977, không có đồng bào giúp đỡ thì chúng tôi khó hoàn thành nhiệm vụ khảo sát tuyến biên giới Việt - Trung", ông Điến nhớ lại và kể: Tháng 7.1976, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tỉnh Lai Châu triển khai khảo sát biên giới Việt - Trung với yêu cầu "tập trung làm rõ những điểm chưa rõ ràng; dự kiến hệ thống mốc giới"… Với các tỉnh có đường biên giới Việt - Trung, việc khảo sát dù vất vả gian khổ thì so với Lai Châu, cũng chỉ như… móng tay. Đất nước thống nhất, nhưng Lai Châu vẫn xa xôi hẻo lánh nhất nước, có những địa bàn vài năm không có người lên, đường sá đi lại chủ yếu đi bộ và bằng ngựa. Khu vực khảo sát toàn nơi rừng xanh núi thẳm. Khi mới nhận nhiệm vụ, có người thắc mắc: "Hai nước hữu nghị bao năm, sao phải khảo sát hoạch định?", nhưng nghe giải thích mới à lên thán phục trước sự nhìn xa trông rộng, cương quyết phân định và bảo vệ chủ quyền của cấp trên.

Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Từ “mốc 3 biên”  tới đầu nguồn sông Đà - Ảnh 3.

Thiếu tá Nguyễn Văn Phấn (bìa trái) chỉ huy đội tuần tra của Đồn BP Ka Lăng kiểm tra mốc 18 (2) đầu nguồn sông Đà

M.T.H.


NHỮNG SĨ QUAN TRẺ Ở Mường Tè

Ở BĐBP Lai Châu bây giờ có rất nhiều sĩ quan trẻ quê ở các vùng miền khác lên làm việc, cống hiến. Tôi lên H.Mường Tè gặp thiếu tá Nguyễn Văn Mai, Phó đồn trưởng BP Thu Lũm (xã Thu Lũm, H.Mường Tè). Thiếu tá Mai năm nay 35 tuổi, quê ở H.Hà Trung, Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Trần Quốc Tuấn, vào công tác tại BĐBP An Giang. Thiếu tá Mai cũng đã hoàn thành chương trình thạc sĩ nghệ thuật quân sự tại Trường ĐH Nguyễn Huệ. Cuối năm 2020, thiếu tá Mai được phân công lên BĐBP Lai Châu, công tác ở Đồn BP Thu Lũm, trong khi vợ con vẫn ở tít trong H.Tịnh Biên (An Giang) với ông bà ngoại.

Trong hơn 3 tháng cuối năm 1976, đoàn khảo sát quy hoạch tuyến biên giới Việt - Trung của tỉnh Lai Châu (với 72 cán bộ, chiến sĩ BĐBP Lai Châu làm nòng cốt), đã: tiến hành khảo sát 311 km đường biên giới Việt - Trung; xác định được vị trí và tình trạng của 5 cột mốc thuộc biên giới Việt - Trung tại Lai Châu cùng 3 điểm mà phía Trung Quốc đã lấn chiếm trái phép… Kết quả đợt khảo sát đã xác định được đường biên giới tuyến Việt - Trung của tỉnh rõ ràng, dễ nhận biết, trên cơ sở đó giúp tỉnh có phương hướng xây dựng và bảo vệ biên giới trước mắt cũng như lâu dài...
Cuối năm 1977, thực hiện Chỉ thị 119 của Thủ tướng về việc khảo sát phục vụ đàm phán hoạch định biên giới Việt Nam - Lào, tỉnh Lai Châu đã huy động 224 người (nòng cốt là BĐBP Lai Châu) khảo sát biên giới. Sau gần 3 tháng, đoàn đã tiến hành khảo sát trên 325 km đường biên chạy trên các sống núi, 36 km chạy theo sông suối, nắm được cơ bản địa hình, địa vật, đường biên nhất là một số khu vực không rõ ràng.
Từ đầu năm 1980, Lai Châu đã thành lập Tiểu ban phân giới cắm mốc gồm 9 người và lập 2 đội phân giới cắm mốc, hoạt động trong 3 đợt và đến tháng 8.1984, tỉnh Lai Châu đã cùng với 2 tỉnh Phong Sa Lỳ và Luông Pha Băng (Lào) hoàn thành việc khảo sát hoạch định phân giới và cắm mốc, đã xây dựng xong 25 mốc giới đúng tiêu chuẩn và chất lượng...

(Nguồn: BĐBP Lai Châu và Bộ Tư lệnh BĐBP)

Hay như thiếu tá Nguyễn Văn Phấn là Phó đồn trưởng BP Ka Lăng (H.Mường Tè). Tôi ngồi sau xe máy của thiếu tá Phấn đi suốt đường tuần tra biên giới dọc bờ sông Nậm Là, từ cột mốc số 18 (2) đến mốc 19, nghe kể bao nhiêu chuyện về đầu nguồn sông Đà - nơi Trạm kiểm soát BP Kẻng Mỏ đứng chân cho đến các chuyến xuống với dân, tuần tra cả tuần biên giới.

Hơn 15 km đường đất ven bờ sông biên giới, cứ chốc lát là thiếu tá Phấn dừng xe, dẫn tổ công tác kiểm tra kỹ lưỡng, quan sát cẩn thận từng hòn đá nhô lên, khoảnh đất bồi sau đợt mưa lũ. Chiều ở rừng, bóng tối sầm sập ập xuống, nhưng thiếu tá Phấn vẫn gắng chạy đến cầu La Si, cạnh mốc số 19 kiểm tra thực địa, xong xuôi mới chở tôi về đồn. Thiếu tá Phấn bảo: "Sau một cơn mưa là hiện trạng lại thay đổi, phải nắm bắt kịp thời để báo cáo và có hướng xử lý. Dù chỉ là hòn sỏi, nắm đất, nhưng cũng là cương thổ đất đai mình".


Lai Châu - Cuối trời Tây Bắc: Từ “mốc 3 biên”  tới đầu nguồn sông Đà - Ảnh 6.

Thượng úy Giang Út, Đội trưởng trinh sát, Đồn BP Pa Vệ Sử kiểm tra mốc 42

M.T.H

Là người dân tộc Giáy, ở xã Bản Giang, H.Tam Đường (Lai Châu), Giang Út năm nay mới 25 tuổi nhưng đã đeo quân hàm thượng úy, giữ cương vị Đội trưởng đội trinh sát của Đồn BP Pa Vệ Sử (BĐBP Lai Châu), đóng quân ở xã Pa Vệ Sử, H.Mường Tè, Lai Châu.
Giang Út là anh cả trong gia đình, sau có 2 em còn nhỏ, bố mẹ lại chỉ làm nông, nên quyết tâm học. Ba năm THPT, Út học trường nội trú ở huyện, cách nhà khoảng 40 km nên vài tháng mới về thăm nhà. Năm 2016, Út thi đại học, trúng tuyển vào Học viện BP với số điểm cao. Sau 4 năm rèn luyện tại K30 - chuyên ngành trinh sát, Út tốt nghiệp Học viện BP, được phong quân hàm trung úy và nhận công tác tại Đồn BP Pa Vệ Sử, cuối năm 2020.
Do có thành tích xuất sắc trong quản lý - bảo vệ biên giới và phòng chống dịch Covid-19, Giang Út được phong hàm thượng úy trước niên hạn.

(còn tiếp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.