Cách trả lời của cơ quan chức năng về trách nhiệm để xảy ra mất rừng cũng không mới.
Nghĩa là, tất cả đều cũ, rất cũ. Nếu có “mới” ở đây thì là rừng... mới phá.
Chẳng hạn như rừng vừa mới bị phá lần này ở xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm (Lâm Đồng) là “rừng cộng đồng”, tức do “cộng đồng” quản lý, nó khác với các vụ phá rừng trước đây là rừng ấy do lâm trường quản lý hoặc rừng tự nhiên. Một cái mới nữa là gỗ rừng lần này, lâm tặc không mang đi đâu cả mà... chôn luôn dưới rẫy, nơi có cánh rừng bị phá. Mọc lên trên những bãi gỗ bị chôn vùi kia là những “rừng” bơ và cà phê xanh tốt. Vậy là, mục đích phá rừng đã rõ: kẻ chủ mưu không phải phá rừng để lấy gỗ mà là lấy đất sản xuất. Nếu phá rừng để lấy gỗ thì việc tìm thủ phạm có thể sẽ gặp khó khăn chứ phá rừng để trồng bơ và cà phê thì hỏi trẻ con chúng cũng biết ai là kẻ phá rừng! Ấy thế mà, khi dân tố cáo, ông Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm H.Bảo Lâm đến kiểm tra hiện trường xong rồi... quên luôn vì không tìm ra thủ phạm! Đến khi dân tiếp tục làm đơn tố cáo lên Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND tỉnh Lâm Đồng thì vụ việc mới được phanh phui.
Như đã đề cập ở trên, việc tìm ra thủ phạm phá rừng ở Bảo Lâm lần này không khó. Cái khó là phải trả lời cho được câu hỏi này: cái gọi là “cộng đồng”, cốt lõi của nó là gì mà lại đi giao 2.080 ha rừng cho họ quản lý? Phải chăng, chữ “cộng đồng” ở đây được các nhà quản lý rừng và chính quyền Lâm Đồng hiểu sai nghĩa? Cùng nhau quan tâm, chia sẻ và bảo vệ một việc gì đó, được gọi là cộng đồng. Ở đây là bảo vệ những cánh rừng được nhà nước giao chứ không phải “cùng nhau phá rừng”. Lấy ví dụ như cộng đồng dân cư thôn 4 xã Lộc Phú, H.Bảo Lâm được giao 193 ha rừng để quản lý, bảo vệ nhưng họ đã phá đến... 100 ha và 21 ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm để lấy đất sản xuất. Tỉnh Lâm Đồng hiện có 8 cộng đồng như thế, được giao quản lý, bảo vệ trên 2.000 ha rừng. Nếu phá rừng theo cách của “cộng đồng thôn 4” thì chẳng mấy chốc, trên 2.000 ha rừng kia sẽ sớm thành... củi. Giao rừng cho những cộng đồng như thế, khác nào giao trứng cho ác.
Giao rừng cho cộng đồng quản lý, bảo vệ thì phải có những cam kết chứ không thể “giao miệng” để rồi mạnh ai nấy phá. Và, điều này còn quan trọng hơn: cộng đồng được giao quản lý bảo vệ rừng ấy, họ phải sống được từ công việc được giao chứ không thể ăn gió uống sương để bảo vệ rừng. Cái gốc của vấn đề là nằm ở chỗ này chứ không chỗ nào khác. Giải quyết thỏa đáng giữa quyền lợi và nghĩa vụ của “cộng đồng” giữ rừng thì mới mong rừng không bị phá.
Bình luận (0)