Đó là các tác phẩm: tranh lụa Lá thư, được cho là của họa sĩ Tô Ngọc Vân; tranh lụa Hai cô gái, được cho là của Trần Văn Cẩn; tranh sơn mài Dân quê Việt, được cho là của Nguyễn Sáng và tranh sơn mài Phong cảnh, được cho là của Nguyễn Gia Trí. Các tác phẩm này dự kiến được đấu giá trong phiên nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á vào ngày 6.10 tới.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 16.9, ông Phạm Long cho rằng những tác phẩm này là tranh chép và tranh giả mạo. Chẳng hạn, bức của Nguyễn Sáng là giả mạo tên tuổi, còn những tác phẩm còn lại là tranh chép lại nhưng kỹ thuật không tốt. Vì thế, các bức tranh trông mờ nhạt. Cũng theo ông Long, hiện thị trường trong nước đang chuộng tranh Đông Dương nên các tranh Đông Dương sẽ được mang ra bán nhiều hơn trong các phiên đấu giá.
Trong khi đó, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cũng nhận xét bức tranh được coi là của Nguyễn Sáng như sau: “Chỉ cần nhìn cái tay trái cầm đòn gánh của người đàn ông ở gần lại cắm vào sau lưng người phụ nữ ở xa là đủ thấy hiểu biết về luật viễn cận của người vẽ bức tranh ở mức zéro. Những thứ ngớ ngẩn như thế sao cứ nhan nhản trong tranh của “các cụ Đông Dương”, trong khi cả người bán, cố vấn chuyên gia lẫn người mua sao vẫn như không có mắt vậy?”.
Trong vài năm gần đây, các nghi ngờ về tranh Đông Dương xuất hiện khá nhiều. Nhà nghiên cứu Phạm Long cũng nhiều lần lên tiếng về một số bức tranh thời kỳ này mà ông cho là bất thường. Chẳng hạn, cách đây 2 năm, ông Long lên tiếng về một tác phẩm được cho là của họa sĩ Lê Phổ song lại vẽ hình người dường như có 2 tay trái. Theo ông Long, một tác giả lớn như Lê Phổ không thể yếu về hình họa để vẽ như vậy.
Bình luận (0)