Hôm qua, LĐBĐ VN (VFF) lại gây bất ngờ khi một lần nữa Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cho biết VFF đồng ý để VPF đổi tên giải thành V-Super League. Động thái này khiến nhiều người không khỏi thắc mắc vì chỉ mới 3 tuần trước, chính Chủ tịch VFF từng đưa ra yêu cầu trong công văn số 58 ngày 7.2 buộc VPF phải đổi tên giải từ Super League thành V-League, mặc cho VPF hết lời giải thích, trong đó nguyện vọng của VPF được thể hiện rất rõ trong công văn số 53 ngày 8.2 là: “Từ năm 2011 trở về trước, tên gọi của giải là giải Vô địch quốc gia chuyên nghiệp vì vào thời điểm đó chỉ có 14 đội chuyên nghiệp, còn nhiều đội bóng tham gia giải hạng nhất quốc gia chưa được công nhận là các CLB bóng đá chuyên nghiệp.
Hiện nay tất cả 28 CLB đã đáp ứng được yêu cầu quy định là CLB bóng đá chuyên nghiệp. Do đó, nếu giữ nguyên tên gọi cũ của giải là giải Vô địch quốc gia chuyên nghiệp sẽ không phân biệt được đẳng cấp tham dự giải của các CLB. Với thực tế đó, để đáp ứng cho công tác tổ chức, quản lý và điều hành nên VPF đã đổi tên giải Vô địch quốc gia chuyên nghiệp thành giải Ngoại hạng và giữ nguyên tên gọi của giải hạng nhất quốc gia (V-League 1). Sau khi chấp hành ý kiến chỉ đạo của Tổng cục Thể dục thể thao và LĐBĐ VN, chúng tôi xin đổi tên giải Ngoại hạng (Super League Eximbank 2012) thành giải Ngoại hạng Việt Nam (V-Super League Eximbank 2012)”. Thế nhưng, văn bản này lập tức bị VFF bác bằng văn bản số 68 ngày 8.2 do Phó chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung ký và bắt buộc phải chấp hành công văn số 58 đổi lại thành V-League như yêu cầu ban đầu.
Bây giờ thì chính VFF lại tự mâu thuẫn khi thuận cho VPF lấy tên giải như công văn số 53. Ông Hỷ giải thích với báo chí rằng: “Nguyện vọng đổi tên giải đấu sang V-Super League là nguyện vọng chung của các CLB, chứ không phải là ý kiến riêng của lãnh đạo VPF. Bởi thế, VFF cũng không làm khó VPF nữa, mà quyết định gửi công văn đồng ý với sự thay đổi tên giải đấu, chứ không còn khăng khăng bắt VPF trở lại cái tên cũ”. Theo cách hiểu nào đó, VFF cũng không muốn gia tăng sự đối đầu với VPF, nhất là sau khi cuộc chiến bản quyền truyền hình (BQTH) gây sứt mẻ tình cảm giữa lãnh đạo đôi bên. Nhưng mặt khác, có thể thấy sở dĩ VFF tiền hậu bất nhất vì trước đây do quá cay cú với VPF trong chuyện BQTH nên muốn “nắn gân” VPF, giờ lại xuống nước quay ngược 180 độ.
Q.T
Bình luận (0)