Lãi giảm nhưng điều kiện vay vẫn 'đóng'

25/07/2023 06:32 GMT+7

Tăng trưởng tín dụng thấp, doanh nghiệp khó hoặc thậm chí không vay được vốn khi ngân hàng vẫn giữ nguyên các điều kiện, hạn chế cho vay mới.

Vay vốn phải có tài sản đảm bảo, có lãi ?

Gần đây, nhiều ngân hàng (NH) thông báo giảm lãi suất (LS) cho vay từ 0,5 - 1,5%/năm. Một số NH còn đưa ra LS cho vay 5 - 6%/năm, nhưng thực tế việc tiếp cận vốn vay NH không phải dễ.

Lãi giảm nhưng điều kiện vay vẫn 'đóng'   - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp không vay được vốn khi ngân hàng vẫn yêu cầu có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi

NGỌC THẮNG

Đơn cử như Vietcombank đang triển khai gói cho vay quy mô 55.000 tỉ đồng dành cho khách hàng tổ chức bán lẻ vay bổ sung vốn lưu động, với LS cho vay từ 6,3%/năm, thời gian vay từ 12 tháng trở xuống. Liên hệ với nhân viên tín dụng tên T. của NH này để hỏi thông tin, chúng tôi được T. hướng dẫn một hồ sơ vay cơ bản phải đảm bảo các yêu cầu sau của NH. 

Chẳng hạn, báo cáo tài chính một vài năm gần đây, cũng như quý 1 và 2 của năm 2023 ghi nhận tình hình kinh doanh của công ty là có lãi. Nếu công ty kinh doanh các năm trước lỗ thì những tháng đầu năm 2023 dù có lãi và dù công ty nhận được hợp đồng làm ăn, có phương án kinh doanh đi nữa thì NH cũng khó có thể cho vay. 

Tương tự, một nhân viên tín dụng của NH BIDV tên H. thông tin LS cho vay ngắn hạn hiện khoảng 8,5%/năm. NH sẽ xét cho vay dựa trên hồ sơ khách hàng cung cấp chứng minh những năm trước kinh doanh có lãi hay không. Đó là báo cáo tài chính năm 2021, năm 2022, 6 tháng đầu năm 2023; hóa đơn, hợp đồng kinh tế đầu ra và đầu vào 6 tháng năm 2023; thông báo thuế năm 2022, 2023; sao kê tài khoản công ty năm 2022, 2023… Khoản vay phải có tài sản thế chấp, thế nhưng năm trước công ty lỗ thì NH khó mà cho vay dù có đơn hàng.

Với các điều kiện như trên, doanh nghiệp (DN) nào không có tài sản đảm bảo hoặc đang bị lỗ thì đường vay vốn NH hầu như bị bịt kín. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings, các hợp đồng tín dụng trước đây đều bị giảm hạn mức cho vay. Thậm chí, một số hợp đồng không được gia hạn nên buộc DN phải trả hết nợ. Còn đối với Hãng hàng không Vietravel Airlines thì hoàn hoàn không thể vay được vốn từ NH do thua lỗ kể từ khi đại dịch Covid-19 đến nay. 

Ông Kỳ đã nhiều lần kiến nghị cần có giải pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ, NH đối với ngành du lịch. Ngành này vốn đã gặp khó khăn từ hơn 3 năm qua khi đại dịch Covid-19 bùng phát khiến các DN kiệt quệ. Để DN có cơ hội phục hồi và phát triển trở lại thì rất cần có sự hỗ trợ, nhất là nguồn vốn từ phía NH. Các nhà băng cần xem xét cho DN vay theo dạng tín chấp, dựa trên việc đánh giá các hợp đồng kinh doanh đã ký kết. Ví dụ, công ty lữ hành có hợp đồng với các đoàn khách trong nước đi nước ngoài hay đón khách ngoại vào VN. 

Thường những hợp đồng lớn sẽ được ký trước 3 - 4 tháng nếu đi nước ngoài. Khi đó, DN phải ứng trước đến 60 - 70% giá trị hợp đồng để mua vé máy bay, đặt cọc khách sạn, nhà hàng..., trong khi phía khách hàng chỉ mới ứng trước khoảng 10% giá trị hợp đồng. Thế nên, công ty rất cần được vay vốn từ phía NH để hoạt động kinh doanh vì có những giai đoạn cao điểm, đông khách thì số tiền phải ứng trước rất lớn.

"Theo quy định chung là NH vẫn cho vay tín chấp nhưng không biết DN nào được vay? Các đơn vị lữ hành như chúng tôi là rất khó. Thậm chí chúng tôi có hợp đồng vay vốn nhưng đến phút chót NH cũng e dè, chậm giải ngân. Nếu các NH giữ nguyên điều kiện cho vay thông thường thì không thể gọi là đồng hành với DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Mà không chỉ riêng ngành du lịch, tôi cũng nghe nhiều DN sản xuất cũng khó tiếp cận vốn vay NH".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Holdings

Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, nhiều DN trong ngành giảm mạnh doanh thu từ 50 - 60% so với cùng kỳ năm trước do thiếu hàng hóa. Doanh thu giảm, tương ứng công ty cũng bị lỗ sau 6 tháng hoạt động; chính vì vậy không còn đường để tiếp cận vốn vay từ NH. Công ty cũng không còn nhu cầu vay đầu tư mới như kế hoạch dự kiến từ đầu năm. Nhưng ngành nào cũng có DN làm ăn hiệu quả, DN thua lỗ. Cứ đánh đồng, ví như cho vay bất động sản là hạn chế thì quá vô lý, không công bằng. 

Cũng giống như chăn nuôi, thủy sản thì NH cần phải sâu sát hơn như mở rộng cho DN vay để mua đầu tư con giống, nuôi trồng… Đây là dạng tài sản hình thành trong tương lai và cũng cần được xem xét để cho vay chứ không chỉ có tài sản đảm bảo hiện hữu. Nếu các NH vẫn đánh đồng, áp dụng chung điều kiện để xét duyệt cho vay như phải có tài sản đảm bảo, kinh doanh có lãi thì thật sự lúc này có rất nhiều DN không thể đáp ứng được điều kiện đó.

Ngân hàng cần linh hoạt, mở rộng cho vay

Đồng tình với các khó khăn cũng như kiến nghị của DN, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng các NH có thể linh hoạt, mở rộng phương pháp đánh giá khi cho vay. Cụ thể như NH có thể sử dụng phương pháp đánh giá dòng tiền. Ví dụ với các DN sản xuất, khi cần tiền để mua nguyên vật liệu sau đó mới sản xuất, bán hàng và thu tiền về là một vòng quay tiền khép kín. NH có thể đánh giá quy trình này, cộng thêm lịch sử tín dụng của DN trước đó để xét duyệt cho vay mà không cần tài sản đảm bảo. 

Hoặc như đánh giá hoạt động DN và khó khăn thua lỗ chỉ là ngắn hạn, do khách quan, trong khi kế hoạch kinh doanh của DN khả thi, phục hồi trong thời gian tới thì cũng được đánh giá cao. Hoặc có những công ty sản xuất nhưng trong giai đoạn hiện tại có lượng hàng tồn kho lớn do gặp khó khăn vì tiêu thụ giảm; tiền phải thu tăng do khách hàng gặp khó khiến công nợ kéo dài… Từ đó xem xét cụ thể với tinh thần sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ DN để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Để hạn chế rủi ro trong các hình thức cho vay nêu trên, bản thân NH có thể thỏa thuận đưa ra điều kiện với DN để kiểm soát được dòng tiền như trong các hợp đồng bán hàng sau đó chỉ được giao dịch theo tài khoản tại chính NH cho vay.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính VN (VAFI), nói thẳng dù NH cho rằng trong xét duyệt hồ sơ vay, tài sản đảm bảo không phải là điều kiện tiên quyết hàng đầu, nhưng thử DN không có tài sản đảm bảo thì có tiếp cận được vốn vay NH hay không? Đối với một số ngành nghề thương mại, dịch vụ không có tài sản đảm bảo sẽ bị hạn chế tiếp cận vốn nhiều. Việc các NH xét duyệt hiệu quả hoạt động kinh doanh của những khách hàng mới cho vay là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, nếu NH chỉ xét vào hoạt động kinh doanh năm 2022 mà hiện tại không nhìn vào khách hàng có hợp đồng hay không, có dòng tiền về hay không thì quá cứng nhắc. 

Ông Hải nhấn mạnh: Tốc độ tăng trưởng tín dụng đang ở mức thấp, 6 tháng đầu năm 2023 chỉ mới bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước (đến ngày 30.6, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỉ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022), trong khi kinh tế cũng tăng trưởng thấp thì cần xem xét lại lĩnh vực nào có thể đẩy vốn nhanh nhất, đặc biệt là tín dụng để góp phần hỗ trợ DN, kích thích nền kinh tế đi lên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.