Theo UBND tỉnh Quảng Nam, hiện nay việc khai thác, kinh doanh các loại khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường (trong đó có đất, đá, cát sỏi) còn một số tồn tại, bất cập.
Cụ thể, một số doanh nghiệp còn khai thác ngoài diện tích giấy phép được cấp; một số đơn vị khai thác không đạt hoặc vượt công suất giấy phép; khai thác xong chậm hoặc không thực hiện việc hoàn thổ, phục hồi môi trường theo quy định.
Đáng chú ý, một số doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động kinh doanh khoáng sản như: bán hàng không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng ghi giá trị thấp hơn giá trị thực tế thanh toán; không niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ hoặc có nhưng bán hàng không đúng với giá niêm yết; có nơi còn có biểu hiện hành vi găm hàng, thao túng giá.
Trong khi đó, vật liệu đất, cát sỏi phục vụ thi công các công trình đang khan hiếm; nhiều nơi nguồn cung vật liệu không đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện các dự án và quyền lợi của người tiêu dùng.
Tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản phải đảm bảo công suất theo giấy phép được cấp; nghiêm cấm việc khai thác cầm chừng, gây khan hiếm vật liệu để tăng giá bán; kê khai nộp thuế đúng với sản lượng khai thác thực tế, xuất hóa đơn bán hàng đúng với giá thanh toán. Ngoài ra, phải niêm yết công khai giá bán khoáng sản tại mỏ theo từng thời điểm.
Hết thời gian khai thác, phải chấp hành thực hiện nghiêm việc hoàn thổ, phục hồi môi trường sau khai thác theo đúng quy định. Các đơn vị bị xử phạt vi phạm hành chính từ 3 lần trở lên hoặc bị cơ quan thuế cưỡng chế thuế, bị xử lý hình sự thì Sở TN-MT và UBND cấp huyện không xem xét, đề xuất gia hạn hoặc cấp giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nơi mới theo đúng quy định.
Trước đó, tình trạng nhà thầu bị ép giá, vật liệu xây dựng cao chót vót trong quá trình chờ được cấp phép mỏ cũng diễn ra ở Phú Yên đe dọa đến tiến độ tuyến cao tốc Bắc - Nam khiến Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phải trực tiếp vào cuộc, yêu cầu lãnh đạo tỉnh khống chế giá vật liệu.
Bình luận (0)