|
Đề nghị bỏ điểm sàn, bỏ thi đại học
Ông Trần Xuân Nhĩ, Phó chủ tịch Hiệp hội cho biết: “Để các trường có được quyền tự chủ tuyển sinh thật sự ngay từ mùa tuyển sinh năm 2014, Hiệp hội sẽ có công văn kiến nghị với Bộ GD-ĐT 5 vấn đề”.
Một trong những vấn đề đó là Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học để giúp họ thể hiện quyền tự chủ tuyển sinh. Do đó, tất cả phải được quyền hưởng dịch vụ công ích này, tức là phải được quyền sử dụng hoàn toàn, một phần hay không sử dụng các kết quả của kỳ thi đó. Bộ không nên ép các trường nếu muốn sử dụng các kết quả của kỳ thi chung thì phải đăng ký với Bộ và phải chấp nhận điểm sàn và khối thi của Bộ. Theo đó cần phải bỏ điểm sàn và không phải xét tuyển theo khối thi như hiện nay.
Giải thích vì sao Hiệp hội lại kiến nghị bỏ điểm sàn, ông Phan Quang Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội nói: “Quan điểm điểm sàn thấp, chất lượng thấp là không đúng. Thi ĐH là chọn lọc vì thế đề thi khó thì điểm sàn thấp, dễ thì điểm sàn cao. Tuy nhiên số thí sinh thấp hơn điểm sàn không có nghĩa là chất lượng thấp nên chúng tôi kiến nghị bỏ điểm sàn”.
Ông Đỗ Văn Chừng, nguyên Vụ trưởng Vụ ĐH (Bộ GD-ĐT), người xây dựng đề án thi 3 chung cho biết: “Trong đề án không có quy định về điểm sàn mà chỉ là chung đợt, chung đề và sử dụng chung kết quả thi. Năm đầu tổ chức thi, Bộ còn duyệt điểm chuẩn của các trường, sau đó phải bỏ nhưng lại có điểm sàn. Tôi cũng cho rằng điểm thi phụ thuộc vào độ khó dễ của đề thi và đáp án, thang điểm. Cùng một đề nếu đáp án thang điểm khác sẽ có mức điểm khác. Vì vậy, định ra mức điểm sàn là vô lý”. Ông Chừng cũng cho biết đề án mà ông xây dựng có 2 giai đoạn, giai đoạn đầu thi 3 chung, sau đó sẽ chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển vào ĐH. Dự kiến năm 2007 là chuyển sang giai đoạn 2 của đề án nhưng sau đó bị kéo dài.
Bỏ xét tuyển theo khối thi, nhập 2 kỳ thi làm một
Hiệp hội cũng kiến nghị bỏ xét tuyển theo khối thi. GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội giải thích: “Lâu nay việc tổ chức thi theo khối với 3 môn thi không thỏa mãn các điều kiện về ngành học, do đó lần này Hiệp hội cũng kiến nghị với Bộ được xét tuyển liên thông giữa các trường mà không cần phải theo khối thi. Các trường có thể chỉ cần căn cứ vào môn thi phù hợp với ngành học để xét tuyển”.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị Bộ cần sớm nhập 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ làm một (bỏ kỳ thi ĐH và chỉ dùng kết quả thi tốt nghiệp phổ thông để xét tuyển - NV) và thực hiện trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH. Chính vì thế Hiệp hội cũng đồng thời đề nghị với Bộ không nên cho 20% học sinh được miễn thi tốt nghiệp vì sẽ nảy sinh tiêu cực và sẽ khó đánh giá khi thực hiện xét tuyển vào ĐH.
Được xét tuyển thí sinh từ kết quả học THPT
Phát biểu tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng Bộ không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ tuyển sinh vì tự chủ trong tuyển sinh là quyền đương nhiên của tất cả các cơ sở giáo dục ĐH. Bộ chỉ cần đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh và chỉ thực hiện hậu kiểm.
Đồng thời, các trường cũng bày tỏ mong muốn ngay từ năm nay được xét tuyển thí sinh từ kết quả học THPT mà không cần phải tổ chức thi riêng. Hiệp hội cũng đề nghị Bộ cần công bố ngay quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ĐH. Tất cả những ai đạt được chuẩn này đều đủ điều kiện cần để được tiếp nhận ĐH, còn điều kiện để thí sinh được vào học tại một trường cụ thể thì phải dành cho các trường tự quyết định và tự công bố công khai, tùy theo đặc điểm ngành nghề và thương hiệu của mình.
Ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng Bộ yêu cầu trong một tháng các trường phải làm đề án trình Bộ và lấy ý kiến của xã hội là gây rắc rối vì thế Bộ chỉ cần đưa ra chuẩn quốc gia về đầu vào. Còn việc xét tuyển là của các trường.
Cho rằng việc để các trường tự chủ xét tuyển là đúng nhưng Giáo sư Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) lưu ý: “Để tránh tình trạng tuyển sinh bừa bãi, Bộ cần yêu cầu các trường công khai việc sử dụng kết quả xét tuyển như thế nào để cho xã hội giám sát”.
Vũ Thơ
Bình luận (0)