Đó là trường hợp của Tổng công ty xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khi chuyển từ trạng thái lỗ khủng của năm 2011 sang có lãi trong 9 tháng đầu năm 2012. Nếu nhìn lại "lịch sử" kinh doanh của Petrolimex trong mấy năm gần đây mới thấy, chuyện chuyển từ trạng thái lỗ sang lãi và ngược lại đều rất ngoạn mục.
Nói ngoạn mục là bởi chỉ cách đây khoảng chục ngày, báo cáo kiểm toán công khai trước nghị trường Quốc hội cho biết, Petrolimex lỗ tới trên 1.423 tỉ đồng trong năm 2011, thì 9 tháng đầu năm 2012, đơn vị này chuyển sang lãi tới gần 800 tỉ đồng.
Nếu như trong năm 2011, lỗ từ kinh doanh xăng dầu lên tới hơn 2.358 tỉ đồng thì sau 9 tháng đầu năm 2012 đã lãi 58 tỉ đồng. Đây không phải lần đầu tiên Petrolimex "lội ngược dòng" từ lỗ nặng sang có lãi như vậy. Còn nhớ thời điểm đầu năm 2011, dư luận đã nổi sóng trước chuyện lỗ - lãi của đơn vị này. Đó là khi cần tăng giá xăng trong bối cảnh lạm phát đang tăng cao, Petrolimex liên tục kêu lỗ lớn hàng ngàn tỉ đồng để gây áp lực. Nhưng ngay sau đó, để "tô hồng" hình ảnh của mình trước khi cổ phần hóa, trong bản cáo bạch, chính họ lại công bố lãi 600 tỉ đồng...
Trong bối cảnh kinh tế hết sức khó khăn hiện nay, lẽ ra việc Petrolimex có lãi phải là điều đáng mừng thì ngược lại, thông tin này lại khiến người dân bức xúc.
Từ đầu năm tới nay, xăng dầu đã tăng giá tới 6 lần (dù cũng giảm giá 6 lần nhưng tổng kết lại thì tổng mức tăng vẫn cao gấp đôi mức giảm) bất chấp những tác động tiêu cực của việc này tới đời sống người dân và nền kinh tế.
"Chiêu" duy nhất mà Petrolimex và các công ty kinh doanh xăng dầu sử dụng để thực hiện việc tăng giá là kêu lỗ. Nhưng kết quả thì ngược lại, họ đang lãi. Vậy đâu là sự thật?
Với "tiền sử" mờ ám lỗ - lãi như nói trên, người dân hoàn toàn có quyền nghi ngờ việc Petrolimex chuyển từ lỗ sang lãi chỉ để xoa dịu sự phẫn nộ của dư luận trước nghịch lý lỗ khủng nhưng vẫn trả lương cao được phơi bày mới đây. Nhưng dù lãi thật hay lãi đối phó, kết quả kinh doanh của Petrolimex cũng cho thấy, hoạt động kinh doanh của đơn vị này nói riêng và ngành xăng dầu nói chung có quá nhiều điều thiếu minh bạch, thiếu công khai, sòng phẳng.
Khi xăng giảm giá 500 đồng/lít lần gần đây nhất, thay vì vui mừng, hầu hết người dân lại rơi vào tâm trạng lo lắng trước khả năng giá xăng sẽ tăng gấp đôi mức giảm ngay sau đó. Các đại biểu Quốc hội cũng phát hiện ra một sự trùng lặp "vô tình" rằng, cứ Quốc hội họp, giá xăng lại giảm. Những bức xúc về hoạt động kinh doanh, điều hành quản lý ngành xăng dầu cũng đã đi vào nghị trường Quốc hội, thậm chí trở thành chủ đề chính của nhiều phiên thảo luận. Đáng nói là, những "căn bệnh" của ngành xăng dầu như tăng nhiều giảm ít, tăng nhanh giảm chậm, lỗ - lãi mập mờ; luôn hết hàng trước khi tăng giá, cùng tăng - cùng giảm... đều quá cũ, cứ "đến hẹn lại lên" nhưng tồn tại nhiều năm qua và cơ quan quản lý lại tỏ ra bất lực một cách phi lý.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)