Sử dụng ô tô - phương tiện đại diện cho thế giới văn minh hiện đại, nhưng văn hóa của một bộ phận người cầm lái còn thấp kém, đúng như câu chuyện “kỳ đức chưa xứng với y phục”.
>> Chạy xe máy ẩu, nhiều người đang ‘đùa với tử thần’
>> Giữ khoảng cách an toàn, quy định chẳng mấy ai để tâm
>> Tài xế Việt đầy thói quen xấu, đường phố khi nào văn minh?
Hình ảnh những chiếc xe hơi chen lấn, vượt ẩu hay không nhường đường cho người đi bộ tại khu vực có kẻ vạch ưu tiên… đã trở nên quen thuộc tại các thành phố lớn ở Việt Nam. Vì xe máy đang chiếm ưu thế, nên nhiều người cho rằng loại phương tiện này chính là nguyên nhân chính khiến cho giao thông hỗn loạn, nhưng một bộ phận lớn người ngồi sau vô lăng của những chiếc xe hơi sang trọng cũng “đóng góp” không nhỏ dẫn đến tình trạng này.
Lái xe hơi sang trọng, nhưng nhiều tài xế vẫn mắc phải “bệnh” vô tổ chức, ích kỷ thù vặt - Ảnh: An Huy
|
Vô tổ chức, vô kỷ luật
Có một điều khá “ngược đời”, là nhiều người Việt khi đi đến những nước phát triển như Nhật Bản, Singapore hay châu Âu tự nhiên sẽ trở nên kỷ luật và cư xử có ý thức nơi công cộng, nhưng khi về nước lại hoàn toàn khác biệt, những hành vi như khạc nhổ vứt rác bừa bãi, không xếp hàng hay vi phạm pháp luật… diễn ra thường xuyên. Điều này có nghĩa là khi ở trong môi trường tốt thì ý thức của con người cũng được cải thiện theo. Đáng tiếc thay, tại nước ta, số người gương mẫu chỉ như hạt cát rất dễ bị sóng người vô ý thức cuốn đi, thậm chí đôi khi còn phải “nuốt cục tức” khi làm việc tốt mà còn bị “ăn chửi”.
Tính vô tổ chức dường như đã ăn sâu vào tâm tưởng của đa phần người Việt, kể cả những người đã ngồi trên ô tô cũng không tránh khỏi thói quen này. Do đó, chẳng có gì ngạc nhiên khi đâu đâu cũng nhìn thấy cảnh chen lấn, nào là chen lên trước mặt người đã đến trước tại điểm đổ xe hay cây xăng, tạt ngang đầu xe khác tại các lối ra/vào đường cao tốc, chen vào bất cứ kẻ hở nào khi tắt đường… Nếu xe buýt ở nước ngoài được xem là phương tiện đại diện cho văn minh đô thị, thì tại Việt Nam lại được ví như hung thần, chạy ẩu, dừng đón trả khách không đúng vị trí, cắt ngang đầu xe… gây ảnh hưởng không nhỏ đến người đi đường.
Vô kỷ luật ở đây chính là vi phạm luật giao thông. Việc coi thường pháp luật dẫn đến hành động thiếu ý thức, từ vượt đèn đỏ, lấn làn, đi vào đường ngược chiều, không tuân thủ giới hạn tốc độ, vượt xe khác trên cầu hẹp, chở hàng cồng kềnh quá khổ quá tải… xảy ra như “cơm bữa”. Hàng ngày không biết bao nhiêu tài xế ô tô bị xử phạt, nhưng tình trạng này vẫn chưa được cải thiện. Tất nhiên vẫn có người chấp hành luật, nhưng con số này giống như “muối bỏ biển”, và việc người lái xe hơi ít vi phạm luật hơn xe máy chưa hẳn do văn hóa giao thông cao hơn, mà thực chất do mức tiền phạt lỗi cao nên họ thường đề phòng.
Ích kỷ, thù vặt
Ở một quốc gia còn chưa phát triển như nước ta, mua được chiếc ô tô chứng tỏ chủ nhân là người có tiền, đa phần có thu nhập và vị trí cao hơn những ai chỉ mới sắm được xe máy. Chính điều đó đã nảy sinh ra tư tưởng sỉ diện và coi thường người đi xe máy. Khi hai loại xe này đang cùng lưu thông trên đường, nếu thấy xe máy đi trước hoặc đi cạnh hơi có nguy cơ va chạm vào xe hơi của mình, thì tài xế thường nhấn còi hồi lâu kiểu “không thấy xe lớn đang đi cạnh hay sao” kèm theo đó là vài câu chửi lẩm bẩm.
Ngồi trên ô tô tất nhiên sẽ rất oai, xe càng sang càng oai, mà ai lại không muốn cho mọi người thấy được cái oai của mình. Chẳng may có chiếc xe nào không xịn bằng mà đòi vượt thì tâm lý chung chắc chắn là nhất quyết không cho vượt, lỡ bị vượt thì phải cố tăng tốc để vượt lại cho bằng được. Khi bị xe khác vô tình hoặc cố ý cắt mặt suýt gây va chạm, nhiều tài xế bất chấp nguy hiểm, cố tình lạng lách vượt lên để tạt đầu nhằm “cảnh cáo”, chẳng may không xử lý kịp lại gây ra tai nạn thật, thậm chí còn kéo theo bên thứ ba là người đi xe máy gặp nạn.
Vào giờ cao điểm, ai cũng tỏ ra vội vã, cố gắng luồng lách bất cứ chỗ nào còn trống để tiến về phía trước mà không quan sát tình huống giao thông. Khi có xe quay đầu, chuyển làn hay đi qua giao lộ… không ai chịu nhường nhịn nhau làm cho cả trăm xe khác bị ùn tắc theo, tạo nên cảnh tượng hỗn loạn. Người đi bộ thì không thể sang đường dù đang đi trong làn ưu tiên, người đi xe máy thì đội nắng/mưa đứng chờ, người lái ô tô đôi khi bị cuống dẫn đến đạp nhầm chân ga… Qua những tình huống trên, có thể thấy rõ bản tính ích kỷ cá nhân, không quan tâm cộng đồng, thậm chí còn thiếu trách nhiệm với an toàn của chính bản thân của người Việt.
Là chủ nhân của xe hơi đắt tiền, hãy cư xử một cách hòa nhã và lịch thiệp hơn. Tuy nhiều lúc nhìn vào mọi người xung quanh, chẳng có ai làm như mình, nhưng mỗi người một hành động nhỏ cũng đủ để góp thành thói quen lớn, ai cũng tâm niệm làm sao để “kỳ đức tương xứng với y phục” thì môi trường giao thông chắc hẳn sẽ không còn hỗn loạn như hiện nay.
Bình luận (0)