Sự thất thường của thị trường Trung Quốc vẫn luôn ẩn chứa những rủi ro khó lường khiến hàng từ VN xuất qua thị trường này vẫn luôn phập phồng, lo lắng.
Xuất khẩu rau quả 8 tháng vượt cả năm 2022
Nhiều năm nay, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều loại nông sản VN. Đặc biệt trong năm nay, với sự mở cửa trở lại của thị trường này giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả liên tiếp tăng cao và dự báo có thể xô đổ kỷ lục, đạt đến 5,5 tỉ USD. Tính đến thời điểm này, chỉ sau 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt 4 tỉ USD, vuợt xa kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả năm 2022 là 3,34 tỉ USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Xuất khẩu rau quả năm nay đạt giá trị cao, tăng trưởng tốt là nhờ thị trường Trung Quốc tiêu thụ mạnh. Các thị trường khác như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng tăng nhập khẩu, nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn Trung Quốc. Trong đó, thanh long, xoài, mít và chuối là 4 loại trái cây có khối lượng xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 85% khối lượng xuất khẩu quả tươi của VN hiện nay.
Về đóng góp thì riêng trái sầu riêng đã chiếm đến 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hoa quả từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của VN vẫn là Trung Quốc. 8 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sầu riêng của VN đạt khoảng 1,3 tỉ USD thì có đến 90% là xuất khẩu vào Trung Quốc. Dự kiến cả năm xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc có thể đạt mức kỷ lục 1,5 tỉ USD. Ngoài ra, các loại trái cây khác cũng được Trung Quốc đẩy mạnh thu mua như: chuối, mít, thanh long, dưa hấu...".
Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, chia sẻ: "Sức nóng của trái sầu riêng đã khiến các địa phương tăng nhanh diện tích gieo trồng. Cả nước có đến 34 tỉnh trồng sầu riêng và nhiều tỉnh có diện tích trên 10.000 ha, sản lượng sầu riêng tăng cao lên hơn 863.000 tấn. Riêng tại Đắk Lắk, diện tích trồng sầu riêng đã lên đến 28.000 ha, có mặt ở hầu hết các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Giá sầu riêng tăng cao như hiện nay đang mang đến lợi nhuận lớn cho người trồng. Tiềm năng tiêu thụ rau quả, trái cây từ thị trường Trung Quốc không cần phải bàn cãi. Khi thị trường này hút hàng, lập tức nhà vườn ở VN lên cơn sốt, việc người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích sang trồng sầu riêng đang nói lên điều đó".
Đối với mặt hàng dừa tươi, ông Cao Bá Đăng Khoa, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Dừa VN, cũng thông tin: "Trái dừa VN trong tháng này hoặc tháng sau sẽ chính thức được Trung Quốc mở cửa cho nhập khẩu chính ngạch, điều này sẽ mang lại sức bật rất lớn cho ngành dừa nội địa. Hiệp hội Dừa VN dự báo Trung Quốc sẽ giúp tăng kim ngạch xuất khẩu của trái dừa lên thêm 20 - 30%, đầu ra ổn định sẽ giúp đời sống người trồng dừa cũng được nâng cao".
Rủi ro thường trực
Sức hút và tầm quan trọng từ thị trường Trung Quốc không thể phủ nhận, song thị trường này cũng chứa đựng nhiều rủi ro cần phải đề phòng. Nhiều loại trái cây, nông sản của VN từng thắng lớn tại Trung Quốc nhưng cũng "te tua". Đơn cử như trái thanh long trước đây kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong các loại trái cây, đạt trên 1 tỉ USD nhưng hiện nay đã giảm dần diện tích lẫn sản lượng vì giá và sản lượng đều sụt giảm.
Hay như chanh leo, một mặt hàng gây sốt khi Trung Quốc mở cửa nhập khẩu chính ngạch, nhiều nơi ở vùng Tây nguyên mở rộng diện tích nhưng sau đó lại rớt giá. Đặc biệt mấy ngày gần đây, phía Trung Quốc hạn chế nhập khẩu tôm hùm khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay, hàng tấn hải sản đắt giá chết hàng loạt khiến doanh nghiệp thiệt hại lớn.
Cụ thể, theo Chi cục Hải quan TP.Móng Cái (Quảng Ninh), tại đây, mỗi ngày trung bình có khoảng 100 xe hải sản tươi sống, đông lạnh được làm thủ tục xuất nhập khẩu qua lối mở. Nhưng mấy ngày gần đây, phía Trung Quốc bất ngờ hạn chế nhập tôm hùm khiến các doanh nghiệp không kịp trở tay, hàng tấn tôm hùm không kịp xuất bán đã chết hàng loạt.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Anh Thư, Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), chuyên xuất khẩu tôm hùm, cho biết: "Việc Trung Quốc tạm ngừng thu mua tôm hùm bông khiến người dân đang khóc ròng vì thua lỗ. Tôm hùm trong nước trước giờ vẫn được bán tiểu ngạch thông qua cửa khẩu, mặc dù giá cả bấp bênh nhưng vẫn có người mua. Nhưng mấy ngày nay đột nhiên thị trường này không mua, tôi cũng không biết lý do vì sao. May mắn cho tôi là không có xe hàng nào vào thời điểm này, nếu không thì cũng chưa biết điều gì xảy ra".
Nhận định về thị trường Trung Quốc, bà Thư thừa nhận Trung Quốc tiêu thụ rất tốt, nhu cầu cao nhưng rủi ro vẫn rất lớn. "Trong hai năm nay tôi đã ký kết được rất nhiều hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Nhưng khi gặp sự cạnh tranh về giá với các nước cung cấp khác, hoặc tiêu thụ giảm sút là họ lại ngừng mua. Có hợp đồng chính thức còn gặp khó khăn như vậy, các tiểu thương mua bán tiểu ngạch thì rủi ro hơn rất nhiều", bà Thư chia sẻ.
Đối với mặt hàng sầu riêng, ông Vũ Đức Côn cũng lo lắng: "Hiện nay tại Đắk Lắk mới chỉ có 9.000/28.000 ha đang cho thu hoạch, số còn lại chỉ mới bắt đầu giai đoạn đầu tư. Thử hình dung xem vài năm nữa, khi hàng chục nghìn héc ta sầu riêng bắt đầu cho trái mà thị trường Trung Quốc trục trặc thì điều gì xảy ra?". Theo ông Côn, hiện nay đa số diện tích sầu riêng Đắk Lắk đang được trồng xen với các loại cây khác. Nếu xét về điều kiện để cấp mã số vùng trồng thì không đạt vì yêu cầu bắt buộc là phải chuyên canh. Đây là vấn đề nan giải khó có thể giải quyết trong thời gian tới.
Sự thất thường, rủi ro của thị trường Trung Quốc là điều ai cũng thấy. Tuy nhiên, không ít trường hợp lỗi cũng chính từ phía chúng ta. Ông Đặng Phúc Nguyên khuyến cáo: "Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã nhận được một số thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) liên quan đến vi phạm yêu cầu về kiểm dịch thực vật của các lô hàng chuối, mít, xoài, nhãn, thanh long và sầu riêng xuất khẩu từ VN sang thị trường Trung Quốc. Vì thế, bên cạnh việc đẩy mạnh cấp mã vùng trồng, các địa phương cũng cần kiểm soát tốt để hạn chế tối đa tình trạng gian lận mã số vùng trồng, ảnh hưởng đến thương hiệu rau quả VN xuất khẩu".
Đối với mặt hàng dừa tươi sắp được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường tỉ dân, ông Cao Bá Đăng Khoa cảnh báo: "Một khi thị trường Trung Quốc mở cửa thì cơ hội tiêu thụ rất lớn, nhưng cũng có rủi ro nếu gặp sự cố, họ đóng cửa thì giá lại rớt. Trái dừa VN cũng mấy năm qua cũng gặp khó khăn do thị trường này siết chặt mua bán tiểu ngạch. Nếu so với sầu riêng hay tôm hùm thì trái dừa VN có lợi thế hơn vì nhu cầu đa dạng, sử dụng làm nguyên liệu cho nhiều mặt hàng khác nhau. Điều đáng cảnh báo hiện nay là việc gian lận mã số vùng trồng, mượn mã số vùng này để tiêu thụ sản phẩm nơi khác. Vấn đề này xảy ra trên rất nhiều mặt hàng nông sản xuất sang Trung Quốc, nếu không chấn chỉnh kịp thời thì sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy".
Bình luận (0)