>> Những cuộc tìm kiếm kho báu của vua Hàm Nghi
Tờ trình sau lần cuối cùng?
|
Bí thư Đảng ủy xã Hóa Sơn Bàn Văn Sơn cho biết: “Cách đây khoảng 2 tháng thì ông Công trở lại Hóa Sơn, vào khu đã đào cũ rồi ở lại đó. Thông tin ông ấy tìm thấy kho báu của vua Hàm Nghi là hoàn toàn không chính xác, không có đâu. Những năm trước đây, nhiều lần công an huyện và UBND xã đã cấm, tiến hành xử phạt và khuyên nhủ ông không đào nhưng ông cứ làm. Khi ông đào vùng ngoài thì một lượng lớn đất đá trôi xuống đã làm hư hỏng, bồi lấp một số diện tích ruộng lúa của bà con nên lãnh đạo xã đã mời ông lên làm việc mấy lần nhưng ông không chịu nghe. Giờ số ruộng đó không thể sản xuất gì được nữa. Sau này thì ông không đào vùng ngoài mà khoét hang sâu trong lòng núi. Lần này ra lại ông không báo gì với địa phương mà lặng lẽ vào”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 16.6.2011, ông Nguyễn Hồng Công đã viết một tờ trình có nội dung: "Qua 14 năm trời ròng rã, suy ngẫm, nghiên cứu, đào bới, tìm kiếm, nay tôi đã tự giải mã và tìm ra được nơi cất giấu của cải của vua Hàm Nghi”.
“Để trả lời được bí ẩn công trình này, tôi đã phải trả giá gần 30 năm và tiêu tốn gần 2 tỉ đồng. Vậy để đảm bảo được công sức và tiền của đầu tư gần 30 năm qua, tôi đề nghị tỉnh cho phép tôi được hưởng 20% tổng trị giá của kho báu, thay vì 10% mà ông Trần Sự (Chủ tịch UBND tỉnh trước đây) ký năm 1989”.
“Trong thời hạn 50 ngày phải thanh toán xong kể từ ngày lấy được tài sản kho báu chuyển về kho của tỉnh”
Ông Công “đề nghị tỉnh cho người giám sát và bảo vệ tôi trong 15 ngày. Nếu có gì sai trái tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật hiện hành”.
Tuy nhiên, ông Công xác nhận với T.P, CTV Thanh Niên qua điện thoại trưa 19.6 là ông vừa ở TP.HCM ra ngày 18.6 và chưa gửi tờ trình này. Ông chỉ mới xin gặp Chủ tịch UBND tỉnh nhưng ông chủ tịch bận nên chưa gặp được. Chiều 19.6 thì không còn liên lạc được với ông qua điện thoại.
Cũng trong chiều ngày 19.6, Đinh Vũ Thường, CTV Thanh Niên đến nơi ông Công ở và đào vàng thì thấy tại nơi ông ở hiện nay chỉ có một căn nhà nhỏ mới dựng cách đây gần hai tháng. Bên cạnh ngôi nhà là vòi nước để sinh hoạt, nhà đã có điện để thắp sáng. Dưới gốc cây dâu da sát nhà có hai hang đất. Hang dưới thấp rộng hơn có nước xâm xấp. Hang bên trên nhỏ hơn đầy dây leo bám xung quanh. Đây là chỗ mà ông Công cho rằng đã tìm được vàng trong đó. Tuy nhiên, đại úy Trần Văn Công, Trạm phó Trạm biên phòng Hóa Sơn và anh Đinh Quang Đại, Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, khẳng định không hề có vàng hoặc bất cứ thứ gì. Ông Đại nói: “Chẳng qua ông Công bịa tin lung tung kiểu như bệnh hoang tưởng”.
Là người tham gia cuộc họp báo đầu tiên về việc cử đoàn đi “lấy vàng” từ năm 1987, sau đó cùng lên Minh Hóa, vào tận nơi gặp ông Công sau mỗi lần ông thông báo sắp lấy được vàng, tôi lục lại hồ sơ và thấy những điều ông Công viết ở trên na ná với tờ trình ông gửi UBND tỉnh Quảng Bình ngày 16.6.1997 mà ông gọi là “tờ trình cuối cùng”, ngoại trừ số năm bây giờ là 30 năm thay vì 14 năm như tờ trình đã dẫn. Nhưng ông Công đã quên mất dòng đầu nên vẫn để câu Qua 14 năm trời ròng rã… Như vậy, độ chính xác của văn bản đã không cao.
|
Trở lại “tờ trình cuối cùng”
Trong một bài viết trên Thanh Niên, chúng tôi từng kể chuyện: Năm 1987, người viết bài này đã được dự một cuộc họp báo rất đặc biệt do tỉnh Bình Trị Thiên tổ chức. Diễn giả chính trong cuộc họp đó là anh Nguyễn Hồng Công, quê gốc Thanh Hóa, thường trú 1011 đường Tân Khai, Q.Tân Bình, TP.HCM. Nguyên là bộ đội biên phòng phục viên, năm 1984, Nguyễn Hồng Công đến đất Hóa Sơn (Minh Hóa) bắt đầu cuộc tìm kiếm kho báu của vua Hàm Nghi. Sau khi trình báo với các cơ quan chức năng, năm 1987 anh được Vụ Bảo tồn - Bảo tàng giới thiệu về kết hợp tỉnh Bình Trị Thiên để tìm kiếm kho báu nói trên. Cơ sở để tìm kiếm anh hoàn toàn không tiết lộ, mà nói chỉ báo cáo cho cấp trên, nhưng những gì anh nói hồi đó đủ thuyết phục tỉnh cử một đoàn công tác có đầy đủ các thành phần để lên Minh Hóa đưa vàng về. Không lâu sau, đoàn lần lượt rút quân, chẳng thấy vàng đâu.
Năm 1989, Bình Trị Thiên chia làm ba tỉnh, Nguyễn Hồng Công lại xin phép tỉnh Quảng Bình tiếp tục tìm kiếm kho báu. Có tiền thì thuê dân bản địa đào bới, hết tiền tự một mình làm, hết hạn xin gia hạn, chưa có giấy phép cho gia hạn thì cứ thế âm thầm đào. Năm 1993, một trận lũ lớn làm số đất đá đào lên trôi lấp cạn cả một dòng suối. Không nản, Nguyễn Hồng Công tiếp tục đào. Cần mẫn, ròng rã 14 năm trời, Nguyễn Hồng Công ngày một tiến sâu vào lòng núi Hóa Sơn với một niềm tin khó lay chuyển: Chỉ ngày mai thôi, cánh cửa kho báu sẽ mở ra.
Ngày 16.6.1997, Nguyễn Hồng Công gửi lên các cơ quan chức năng Bản tường trình về việc phát hiện kho báu tại xã Hóa Sơn, mà theo anh đây là “bản tường trình cuối cùng”. Bản tường trình chủ yếu đề nghị mức độ “ăn chia”. Trong đó, nói rõ: “Trong 14 năm tìm kiếm, chi phí tốn 242 triệu đồng (chủ yếu là thời điểm trước năm 1990), số tiền này do tôi vay mượn nên phải trả gấp 20 lần (khoảng 5 tỉ đồng). Bản thân xin được hưởng 10% số tài sản thu được như thỏa thuận nếu không đóng thuế; nếu chịu thuế xin được hưởng 25%. Số tài sản tôi được hưởng sẽ được thanh toán 50% bằng hiện vật, 50% bằng tiền mặt chậm nhất là 50 ngày kể từ khi chuyển về địa điểm tập kết”. Thế nhưng, một lần nữa, đoàn cán bộ liên ngành được cử lên “mở cửa kho báu” phải lắc đầu quay về tay không.
Nguyễn Hồng Công vẫn không dừng lại, hết thời hạn, ông tiếp tục ở lại trong rừng sâu một mình để đào chui.
Cuộc tìm kiếm kho báu sau đó lắng xuống, không còn ai nhắc đến cho đến khi chúng tôi nhận được thông tin trên báo, ông Công vì một vụ nợ nần nào đó mà dính vào lao lý. Sau đó lại có tin là ông đã chết vì bạo bệnh. Nhưng thực ra không phải, ông đã quay lại Minh Hóa tiếp tục công việc tìm kiếm giữa vùng rừng thiêng nước độc. Để bây giờ ông lại loan tin sắp lấy được… kho báu!
Nguyễn Thế Thịnh - Trương Quang Nam
Bình luận (0)