Đường thiếu... giá tăng
Chiều 2/5, đường cát trắng bán ra ở các chợ ĐBSCL dao động 11.000-13.000 đồng/kg, có nơi đến 13.500 đồng/kg (tùy loại); tăng 500-800 đồng/kg so tháng trước. Bà Năm Hương, chủ một đại lý đường cát ở TP Cần Thơ nhìn nhận: “Giá đường đang tăng. Tới đây khả năng đường sẽ lên cơn “sốt”, bởi vào cuối vụ nhưng sức tiêu thụ cao, cung thấp hơn cầu!”.
Theo ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ, đến nay, 2 nhà máy đường Vị Thanh và Phụng Hiệp ép được 60.000 tấn đường. Cố lắm, từ nay đến giữa tháng 5/2006 (hết vụ), ép thêm 2.000 tấn; như vậy nguồn đường dự trữ năm nay không nhiều.
Bộ NN-PTNT đánh giá, tổng sản lượng mía thu mua và ép trên cả nước đến nay ước khoảng 7,1 triệu tấn, giảm 2,5 triệu tấn so vụ trước. Trong khi đó, 37 nhà máy đường chế biến khoảng 970.000 tấn đường; cân đối tổng nhu cầu tiêu thụ đường cả năm sẽ thiếu khoảng 380.000 tấn. Nguyên nhân do diện tích mía nhiều nơi giảm mạnh (khoảng 20.000 ha), kéo sản lượng đường giảm theo.
Đường thiếu - giá tăng là chuyện hiển nhiên. Mới đầu vụ, nhưng các nhà máy đã lao vào tranh mua nguyên liệu, đẩy giá mía từ 400 đồng/kg tăng lên kỷ lục 720 đồng/kg! Giá tăng, nông dân trồng mía thắng lớn. Tại ĐBSCL, người ta bảo nhau “cây mía đang lên đời”. Sở NN-PTNT các tỉnh tính toán, năng suất mía đạt 80-120 tấn/ha sẽ thu lời 35-40 triệu đồng, sau khi trừ chi phí.
Riêng những vùng như Trà Cú (Trà Vinh), Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Phụng Hiệp (Hậu Giang)… có hộ đạt 150-200 tấn/ha, thu lời 50-60 triệu đồng… Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó giám đốc Công ty Mía đường Trà Vinh nói: “Đây là năm mà giữa nông dân và nhà máy đều thắng đậm. Được vậy là nhờ nhà máy chạy liên tục và bán đường giá cao. Còn nông dân tích cực chuyển đổi giống mới chất lượng, nâng chữ đường từ 8-9 chữ lên 10-12 chữ …”.
Còn nhiều lo toan
Theo dự báo của các chuyên gia, thời gian tới giá đường biến động ở mức cao. Vấn đề thiếu hụt đường sẽ diễn ra nghiêm trọng do nhu cầu tăng. Theo ước tính, bình quân mỗi năm tiêu thụ đường trong nước tăng khoảng 5%. Dự báo, đến năm 2020, Việt Nam cần 2 triệu tấn đường. Tuy nhiên, trong 3 niên vụ gần đây sản lượng đường liên tục giảm.
Nếu như vụ mía 2002-2003, cả nước ép trên 1,4 triệu tấn đường; sang vụ 2003- 2004 giảm xuống 1,2 triệu tấn; vụ 2004-2005 còn 1 triệu tấn. Giải quyết việc thiếu đường hiện nay, Chính phủ đồng ý cho các doanh nghiệp nhập khẩu đường.
Những ngày qua đã nhập được khoảng 40.000 tấn, dự kiến từ nay đến tháng 8/2006 sẽ nhập thêm 150.000 tấn đường. Bộ Thương mại và Bộ NN-PTNT đề nghị Chính phủ bãi bỏ cơ chế cấp giấy phép và hạn ngạch nhập khẩu, để các doanh nghiệp chủ động nhập đường, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Do giá đường leo thang, nông dân ĐBSCL đang quay lại trồng mía. Tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), nhiều hộ phá bỏ khoảng 1.000 ha hoa màu, ao tôm, vườn nhãn… để trồng mía. Ở Hậu Giang, diện tích mía tăng gần 1.000 ha; Long An tăng 3.000-5.000 ha trong thời gian tới. Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau… nông dân trồng thêm mía rất nhiều.
Ông Nguyễn Thanh Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An tính toán: “Với 15.000 ha hiện nay tương đương 1 triệu tấn mía cây, còn thiếu 300.000 tấn so nhu cầu của 2 nhà máy đường tại chỗ. Nên tăng thêm diện tích sẽ không thừa nguyên liệu. Quan trọng là tập trung đầu tư nâng cao năng suất và chất lượng mía. Tới đây, Long An mở rộng mô hình tổ hợp tác và hợp tác xã… đưa người dân vào làm ăn bài bản với nhà máy”.
Lo ngại nhất là Trà Vinh, khả năng của nhà máy đường hiện nay chỉ 320.000 tấn/năm nhưng sản lượng đã vượt 700.000 tấn. Nhà máy đường Bến Tre cần 250-300.000 tấn/năm, nông dân trồng gần 800.000 tấn… Diện tích tăng ngoài quy hoạch dẫn đến dư thừa sản lượng và mía sẽ “rớt giá” trong vụ tới!
Ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Kinh tế huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) trăn trở: “Chúng tôi không khuyến khích phát triển diện tích, nhưng thực tế không thể ngăn cản bởi thiếu cơ sở pháp lý. Giải pháp hiện nay là vận động người dân không vì lợi ích trước mắt mà mở rộng mía ngoài quy hoạch”.
Cái khó hiện nay là các nhà máy đường chưa “đồng hội đồng thuyền”, việc xây dựng vùng nguyên liệu còn hời hợt, tình trạng tranh mua chưa được khắc phục. Bởi không có biện pháp chế tài và thiếu sự điều tiết hợp lý giữa các nhà máy với nhau. Đặc biệt, tiến độ cổ phần hóa các nhà máy đường diễn ra chậm chạp, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Cơ chế bao cấp còn vướng víu chưa thoát được. Trong khi đó, lộ trình hội nhập AFTA đến gần.
Trong năm 2006, mức thuế đánh vào đường thô nhập khẩu là 30%, đường tinh luyện 40%. Sang năm 2007 mức thuế bằng 30% và đến năm 2010 còn 0%-5%. Lúc này đường nhập khẩu sẽ tràn vào Việt Nam, mà Thái Lan là đối thủ cạnh tranh quyết liệt.
Hiện tại, đường cát nhập lậu ào ạt tràn qua biên giới Tây Nam số lượng từ hàng trăm tấn đến cả ngàn tấn/ngày, bán thấp hơn đường nội từ 500 đến 1.000 đồng/kg, chiếm lĩnh thị trường dọc các tỉnh biên giới. Nếu không sớm chuyển đổi cách nghĩ cách làm, ngành đường trong nước sẽ thua trên sân nhà là điều khó tránh khỏi…!
Theo Huỳnh Phước Lợi/báo Sài Gòn Giải Phóng
Bình luận (0)