Lãi suất

15/12/2011 00:52 GMT+7

Dư luận đang xôn xao về thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ hạ trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều về động thái này.

Dư luận đang xôn xao về thông tin Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể sẽ hạ trần lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại. Hiện có hai luồng ý kiến trái chiều về động thái này.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng NHNN đáng lẽ phải giảm trần lãi suất rồi, cả theo nghĩa cần và cả theo nghĩa có khả năng. Nói “cần” là vì có giảm lãi suất huy động, thì mới giảm được lãi suất cho vay, mặc dù đã giảm xuống từ một vài tháng nay nhưng vẫn còn ở mức rất cao so với khả năng sinh lời của doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc giảm lãi suất cho vay hiện là vấn đề rất cần thiết để “cứu” sản xuất, kinh doanh bởi đã có những dấu hiệu đình trệ. Tồn kho tính đến 1.11.2011 so với cùng thời điểm năm trước của toàn ngành công nghiệp chế biến đã tăng tới 21,5%; của một số ngành, sản phẩm, doanh nghiệp còn tăng với tốc độ cao hơn nữa.

Trong năm qua, đã có gần 50 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc phá sản, chiếm trên 1/10 tổng số doanh nghiệp đăng ký hiện có của cả nước. Tốc độ tăng của sản xuất công nghiệp có xu hướng chậm dần (6 tháng tăng 9,7%, 9 tháng tăng 7,8%, 11 tháng tăng 6,9%). Nói “có khả năng” là vì CPI đã thấp hơn mức lãi suất tiết kiệm từ mấy tháng nay, ít nhất cũng từ tháng 8 (4 tháng qua, CPI tăng bình quân 0,62%/tháng).

Luồng ý kiến thứ hai cho rằng chưa nên hạ trần lãi suất huy động, bởi nhiều lý do. Yếu tố tâm lý vẫn còn gây sức ép lên lạm phát, khi giá vàng trong nước, sau nhiều động thái quản lý của NHNN vẫn còn cao hơn giá thế giới xấp xỉ 2 triệu đồng/lượng; khi tỷ giá vẫn chưa ổn định vững chắc, hiện cũng có những sức ép do nhu cầu nhập khẩu cuối năm, do lượng ngoại tệ vay trong thời gian qua đến kỳ đáo hạn.

Yếu tố “hạn mức” tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) còn rất lớn theo báo cáo tại kỳ họp Chính phủ mới đây: tính đến 18.11, tổng phương tiện thanh toán ước tăng 7,75% so với tháng 12.2010, ước cả năm tăng khoảng 12% (chỉ tiêu khoảng 15-16%). Theo đó, tốc độ tăng M2 trong gần 11 tháng qua chỉ ở mức 0,71%/tháng; ước hơn 1 tháng còn lại tăng tới 3,94% là tốc độ tăng rất cao để đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho đầu tư, lương, thưởng cuối năm và nhu cầu mua sắm trước, trong và sau tết cổ truyền kéo CPI lên theo.

CPI trong 3 tháng tới sẽ cao trở lại. Vì vậy, chưa nên hạ trần lãi suất huy động vào lúc này, ngay cả CPI tháng 12 được công bố có ở mức dưới 1% (bởi chu kỳ tính CPI tháng 12 từ 16.11 đến 15.12), thì CPI vẫn có thể tăng cao vào tháng 1, tháng 2 sang năm.

Người viết cho rằng, đã đến lúc bỏ trần lãi suất huy động, giảm bớt sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, khi mà sự can thiệp này lại hướng về việc quản lý người gửi tiền (thông qua khống chế trần lãi suất huy động) hơn là quản lý các ngân hàng thương mại - bởi nếu quản lý các ngân hàng thương mại thì phải đặt trần lãi suất cho vay để chia sẻ với doanh nghiệp.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.