Lãi suất cho vay khó giảm nhanh

06/09/2011 23:45 GMT+7

Mặc dù các ngân hàng (NH) thương mại đang giảm lãi suất cho vay về mức 17-19%/năm, nhưng tại cuộc hội thảo tác động chính sách tiền tệ tới NH và doanh nghiệp (DN) diễn ra chiều 6.9, nhiều ý kiến cho rằng đó mới chỉ là đồng thuận bề ngoài, thực tế từ nay đến cuối năm nếu lạm phát còn cao thì các DN cũng chỉ được hưởng giá vốn trên trong ngắn hạn.

 Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay lạm phát của Việt Nam đến hết tháng 8 đang ở mức cao nhất châu Á, nên đương nhiên lãi suất cũng phải tịnh tiến ở mức cao tương ứng để hạn chế tín dụng, chống lạm phát. Chuyên gia này cho rằng, lạm phát 2011 đã đạt đỉnh vào tháng 8, thế nhưng từ nay đến cuối năm, bình quân mỗi tháng tăng không dưới 1%, vì vậy cả năm chỉ số CPI dừng lại ở mức 20% so với cuối 2010. “Chưa bao giờ tăng trưởng tín dụng và lượng tiền cung ứng được đưa về mức thấp như hiện nay. Nhưng lạm phát vẫn quá cao. Điều đó chứng tỏ tăng lãi suất hút tiền từ lưu thông về chưa đạt được mục tiêu”, ông nói.

 

Nhiều ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất chỉ là ngắn hạn - Ảnh: Diệp Đức Minh

 Ông Nguyễn Hưng - TGĐ NH Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết, NH này vừa tung ra gói sản phẩm 3.000 tỉ đồng cho chương trình giảm lãi suất. Thế nhưng, thực tế hiện tại lãi suất huy động còn cao, dù không nói thẳng là vượt trần 14%/năm nhưng ông khẳng định nếu tính cả chi phí trích lập dự phòng, chi phí thanh khoản, trả lương nhân viên cho vay với lãi suất 17-19%/năm, NH sẽ bị lỗ. Vì vậy, việc giảm chỉ là ngắn hạn, còn về dài hạn, NH đang kỳ vọng vào chính sách hỗ trợ từ NH Nhà nước để có thể đưa mặt bằng chung lãi suất về đúng huy động 14%/năm và cho vay ra 17-19%/năm. Ngoài ra, theo ông Hưng, chính sách nào cũng có độ trễ, lãi suất cho vay bình quân muốn giảm về mức mục tiêu trên cũng phải mất vài
ba tháng.

Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.