Ông Hồng Hải, một nhà đầu tư bất động sản tại TP.HCM, cho biết mới đây được ngân hàng thông báo giải ngân cho vay 18 tỉ đồng, nhưng ông chỉ dám vay 6 tỉ đồng. Khoản vay này ông cũng đã chật vật làm hồ sơ vay từ đầu quý 4/2022 đến nay mới được giải ngân. Theo ông Hải, hiện lãi suất cho vay lên đến 17%/năm cộng với phải mua bảo hiểm. Nếu đáo hạn sớm bị phạt trả trước hạn là 2,5%, thì lãi thực tế lên đến hơn 18%/năm. Dù đang rất cần tiền để giải quyết công nợ nhưng vay nhiều cũng khổ mà không vay được cũng khổ. Không chỉ không dám vay tiền nhiều để mua bất động sản lúc này, ông Hải còn cho biết cũng đang phải rao bán rẻ nhiều bất động sản của mình đang nắm giữ để tất toán bớt các khoản vay ngân hàng. Những miếng đất giá thị trường từ mười mấy tỉ đồng nay phải bán khoảng chục tỉ để gom tiền về.
"Bất động sản nào đã mua mà không có đường ra thì phải vay, còn cái nào bán được tôi đang kêu bán, không dám vay ngân hàng để ôm hết. Room đã có, dễ cho vay hơn trước nhưng lãi cao, kinh doanh không có lời nên phải cẩn trọng. Nhà đất bây giờ có những món giá khá rẻ nhưng cũng không dám mua vì phải vay ngân hàng mà vay ngân hàng thì lãi suất quá cao. Hiện lãi suất huy động đã 10 - 11%/năm thì lãi vay trong thời gian tới sẽ khó giảm. Lãi phải trên dưới 10%/năm thì thị trường mới phục hồi, mới có thanh khoản. Đụng đến ngân hàng mà không trả nợ được thì thành nợ xấu sau này khỏi làm ăn còn vay ngoài nếu không trả được cùng lắm thì bị siết nhà đất là xong. Bây giờ mọi khoản đầu tư đều phải tính toán thật kỹ. Không chỉ bất động sản mà hầu như người dân nếu có tiền đem gửi ngân hàng khỏi làm gì nữa cho khoẻ, cho an toàn. Thời điểm này lo sống sót, qua được lúc này sẽ có nhiều cơ hội", ông Hồng Hải tính toán.
Đó là thực tế chung của cả người dân và doanh nghiệp khi tham gia thị trường bất động sản hiện nay. Tâm lý lo lắng bao trùm cả thị trường. Không chỉ người phải vay ngân hàng mới sợ mua bất động sản mà ngay cả những người có tiền cũng "ôm" tiền mặt thủ hoặc đem gửi ngân hàng để ăn lãi suất.
Theo ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, hiện khoảng 70 - 80% khách mua bất động sản phải dùng đòn bẩy tài chính là vay vốn từ ngân hàng. Trong khi hiện nay thị trường bất động sản đóng băng về giao dịch khiến việc mua đi bán lại của các nhà đầu tư gần như bất khả thi. Ngoài ra, các nguồn thu nhập cũng giảm sút, đặc biệt là dòng tiền không có khiến việc vay ngân hàng để mua bất động sản trở thành một rủi ro rất lớn, lãi suất là gánh nặng. Thậm chí những người có nhu cầu thật sự, mua nhà đất để ở cũng không dám vay ngân hàng lúc này để mua. "Với lãi suất tiền gửi cao như hiện nay hầu hết người dân sẽ chọn gửi tiền ngân hàng thay vì mua bất động sản. Bởi hiện nay không chỉ bất động sản mà các kênh đầu tư khác cũng tắc, kể cả sản xuất kinh doanh đều không có lời nên đa số người dân, doanh nghiệp sẽ chọn kênh gửi ngân hàng thay vì đem tiền đi đầu tư, mở rộng sản xuất", ông Phạm Lâm cho hay.
Tại hội nghị của Ngân hàng Nhà nước mới đây về tín dụng bất động sản, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng TPBank, cho rằng dù ngân hàng rất khuyến khích nhưng người mua nhà khá thấp vì đang dò tìm đáy. Nhu cầu vay tín dụng đầu năm khá thấp. Nguồn thu, dòng tiền thu được từ bán bất động sản đang chững lại. Nên việc cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ thì đó là hỗ trợ cần thiết giai đoạn này.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, cho biết ngay trước cuộc họp, ngân hàng của ông và các ngân hàng thương mại lớn đã thống nhất với nhau việc hạ lãi suất cho vay trong thời gian tới để hỗ trợ kinh tế, trong đó có đầu tư kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên lộ trình giảm như thế nào và giảm ra sao thì ông Dũng không cho biết.
Bình luận (0)