Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa tăng lãi suất thêm 0,2%/năm đối với tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng, lên 7 - 7,3%/năm tùy theo số tiền gửi; Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) tăng lãi suất 0,4%/năm ở kỳ hạn 48 tháng lên 8%/năm; Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm 0,2%/năm ở một số kỳ hạn như 6 - 9 tháng lên 6,5%/năm; 10 - 11 tháng lên 6,6%/năm; 13 - 18 tháng lên 7,4%/năm.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng lên 5,3 - 5,4%/năm; lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm còn 5,9%/năm, kỳ hạn 20 tháng còn 6,9%/năm.
Nhìn chung, lãi suất huy động tiền đồng của các ngân hàng được phân ra rõ nét. Đối với các ngân hàng thương mại cổ phần có phần tỷ lệ cổ phần lớn từ nhà nước, lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng ở mức từ 4,5 - 5,5%/năm, trên 6 tháng ở mức 6,8%/năm. Các ngân hàng cổ phần, lãi suất huy động dưới 6 tháng khoảng 5,5%/năm, và các kỳ hạn còn lại tăng cao hơn tùy theo số tiền và kỳ hạn gửi, lên mức cao nhất trên thị trường hiện nay là 8,6%/năm.
Trong khi đó, lãi suất tiền đồng giao dịch giữa các ngân hàng trên thị trường liên ngân hàng hiện nay tiếp tục giảm từ 0,2 - 0,5%/năm tùy theo kỳ hạn so với đầu tháng 3. Theo công bố từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng ngày 7.3 ở kỳ hạn qua đêm giảm xuống còn 3,87%/năm, 1 tuần còn 3,92%/năm, 2 tuần còn 3,99%/năm, 1 tháng còn 4,37%/năm, 3 tháng còn 4,9%/năm, 6 tháng còn 5,28%/năm. Doanh số giao dịch trên thị trường cũng đã giảm so với đầu tháng, chẳng hạn như kỳ hạn qua đêm xuống còn 29.260 tỉ đồng thay vì trên 30.000 tỉ đồng trước đó.
Bình luận (0)