Chỉ trong vòng 11 ngày, Ngân hàng số Cake by VPBank đã tăng lãi suất huy động lần 2 ở các kỳ hạn từ 6-11 tháng lên thêm 0,1-0,3%/năm. Cụ thể, lãi suất 6-8 tháng lên 5,5%/năm, 9-11 tháng lên 5,7%/năm. Tương tự, BIDV tăng thêm 0,1%/năm đối với kỳ hạn 24-36 tháng, lên 4,9%/năm. ABBANK tăng lãi suất huy động thêm 0,1 - 0,2% trên kênh online, lên 3,2-3,6%/năm ở kỳ hạn từ 1-5 tháng, 6 tháng lên 5,3%/năm, 8-11 tháng lên 5,7%/năm, 12 tháng lên 6,2%/năm (đây là mức lãi suất huy động cao nhất ở nhà băng này), từ 13 tháng trở đi ở mức 5,7%/năm.
Như vậy, từ đầu tháng 7 đến nay, có gần 20 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm. Theo NHNN, lãi suất tiết kiệm tăng từ đầu tháng 5 với mức tăng khoảng 0,5% so với cuối tháng 4. Nhiều ngân hàng đã và đang điều chỉnh lãi suất tiền gửi, tạo sức ép lãi suất cho vay trong thời gian tới. Trong những tháng đầu năm, lãi suất cho vay bình quân ở mức 8,3%/năm, giảm 0,96% so với cuối năm 2023. Lãi suất tiền gửi bình quân ở mức 3,59%/năm, giảm 1,08%/năm so với cuối năm 2023. Lãi suất cho vay của các giao dịch phát sinh mới có xu hướng giảm chậm lại. Tính đến 30.6, lãi suất cho vay ở mức 6,4%/năm, giảm 0,62%/năm so với cuối năm 2023; lãi suất tiền gửi ở mức 3,53%/năm, tương đương cuối năm 2023. NHNN yêu cầu các ngân hàng tiếp tục tiết giảm lãi suất, giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Trong những ngày gần đây, NHNN liên tục hút tiền về trên thị trường mở. Ngày 23.7, NHNN đã hút về hơn 13.063 tỉ đồng, kỳ hạn 7 ngày với lãi suất 4,5%/năm. Trong khi lượng tiền bơm ra chỉ ở mức 3.950 tỉ đồng ở kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 4,5%/năm. Những ngày trước đó, giao dịch trên thị trường mở khá sôi động với lượng tiền hút về nhiều hơn so với bơm ra. Từ đầu năm 2024 đến nay, thông qua thị trường mở, NHNN thực hiện chào mua giấy tờ có giá hàng ngày với khối lượng, kỳ hạn phù hợp để sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, ổn định thị trường tiền tệ. Đồng thời, NHNN thực hiện phát hành tín phiếu để hỗ trợ điều hành tỷ giá.
Bình luận (0)