Lãi suất vay cũ giảm nhỏ giọt

Thanh Xuân
Thanh Xuân
26/10/2021 06:09 GMT+7

Theo các doanh nghiệp, ngân hàng vẫn giảm lãi suất cho vay nhỏ giọt, có trường hợp còn yêu cầu kèm điều kiện mua bảo hiểm; việc giãn nợ cũng chưa được xem xét giải quyết nhanh.

Mua bảo hiểm mới giảm lãi vay nhiều

Chị Nguyễn Minh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc cho biết trong 5 tháng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngân hàng (NH) không hề có sự hỗ trợ nào cho khoản vay 4,5 tỉ đồng của chị. Thậm chí, vừa tính lại lãi suất thả nổi hơn 8%/năm. Sau khi nghe tin các chương trình hỗ trợ, cách đây nhiều tuần, chị Minh liên hệ NH hỏi nhưng được trả lời, nếu mua thêm bảo hiểm hơn 5 triệu đồng thì giảm lãi 0,8%/năm, còn nếu không mua thì lãi giảm 0,4%/năm. “Bỏ 5 triệu đồng mua bảo hiểm, theo tư vấn của nhân viên NH là lợi vài triệu đồng tiền lãi giảm nên thôi cũng cắn răng mà mua, chứ lúc này bắt mua bảo hiểm là quá ép nhau”, chị Minh nói. Cá nhân chậm trễ, với doanh nghiệp (DN), tình hình cũng không khá hơn.

Ông Nguyễn Quốc Duẩn, Tổng giám đốc Công ty TNHH phát triển thương mại quốc tế Song Nam, cho biết năm 2020, DN vay NH lãi suất 7,5%/năm, vừa qua NH có giảm xuống 6,5%/năm. Nhưng mức này cũng không ăn thua gì so với những khó khăn mà DN gặp phải trong đợt dịch qua. Hiện nay hàng hóa của công ty vẫn còn xuất khẩu đi được nên dòng tiền cũng có để trả nợ NH. Còn với các DN khó khăn về dòng tiền thì mức lãi này vẫn là quá cao.

Theo số liệu từ Hiệp hội NH VN, tính đến ngày 7.10, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 9,913 triệu tỉ đồng, tăng 7,84% so với cuối năm 2020, tăng 14,01% so với cùng kỳ.

Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng ước đạt 10,915 triệu tỉ đồng, tăng 5,37% so với cuối năm 2020 và tăng 11,24% so với cùng kỳ 2020.

Trao đổi qua điện thoại về những chính sách NH hỗ trợ DN trong thời gian qua, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Công ty du lịch B.S.T, cho biết thời gian đầu cũng mong ngóng chính sách hỗ trợ từ NH lắm, nhưng chờ hoài không được nên cũng nản. Trước dịch, công ty vay NH với lãi suất từ 6,5 - 7%/năm ở nhiều nhà băng. Trong thời điểm dịch, NH có cổ phần nhà nước chi phối giảm nhẹ lãi suất xuống 6%/năm, còn các NH cổ phần hay nước ngoài thì gần như giữ nguyên hoặc giảm rất ít. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại, công tác, chỗ ở tăng cao… Từ một công ty du lịch, DN của bà Hạnh chuyển hướng thực hiện phục vụ dịch vụ 2 điểm đến 1 cung đường đối với những DN có nhu cầu bố trí chỗ ở cho cán bộ công nhân viên. Dịch vụ này hiện nay đang tăng vì nhu cầu bố trí chỗ ở khách sạn tăng. Thế nhưng các nhà băng thời gian gần đây đánh giá ngành này chịu nhiều rủi ro, bị ảnh hưởng nhiều do dịch Covid-19 gây ra nên siết lại. Hạn mức tín dụng của B.S.T giảm hơn trước. Thay vì cấp hạn mức tín dụng 70 tỉ đồng như trước đây thì nay chỉ còn 35 tỉ đồng, một số NH nước ngoài còn giảm xuống còn 30% hạn mức tín dụng so với trước dịch. NH chỉ tài trợ vốn cho những DN nào còn hoạt động được, những DN vô diện “khó” thì tìm cách từ chối khéo. Bà Hạnh cho biết khế ước hợp đồng vay của công ty thường 4 tháng, công ty xin giãn thời gian trả nợ lên 6 - 8 tháng do khách hàng xin hoãn thanh toán nhưng hồ sơ DN trình lâu mà chưa thấy phản hồi.

Sau giãn cách, nhu cầu vốn của DN có nhưng chưa mạnh dạn vay vốn. Ông Nguyễn Chính Pháp, Tổng giám đốc Công ty Tân Việt Sin, cho biết để có thể duy trì, vực dậy hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới, công ty cần vốn để tái đầu tư nên cũng tìm hiểu vay vốn NH với lãi suất từ 5 - 7%/năm. “Mức này đối với DN hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm như chúng tôi có thể tạm ổn. Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 hiện nay chưa thể lường trước được nên cũng không dám vay nhiều ở thời điểm này”, ông Pháp chia sẻ.

Doanh nghiệp, cá nhân cần giảm thêm lãi vay, giãn nợ cũ

Ngọc Thắng

Tổng số tiền lãi miễn, giảm cho khách khoảng 27.000 tỉ đồng

Đến ngày 27.9, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 278.000 khách hàng với dư nợ 238.000 tỉ đồng, lũy kế giá trị nợ được cơ cấu từ ngày 23.1.2020 là khoảng 531.000 tỉ đồng. Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm các loại phí, lãi vay đến nay là lần thứ tư, mức giảm lãi cao nhất đến 3%/năm, giảm 1% trong năm 2020 và giảm thêm 0,66% trong 8 tháng của năm 2021.

Đến cuối tháng 9.2021 các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho khoảng 1,7 triệu khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch với dư nợ gần 2,5 triệu tỉ đồng, tổng số tiền lãi miễn, giảm, hạ cho khách khoảng 27.000 tỉ đồng; cho vay mới lãi suất thấp hơn so với trước dịch với doanh số lũy kế từ 23.1.2020 đến nay đạt 5,2 triệu tỉ đồng cho 800.000 khách hàng.

Đặc biệt 16 NH (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế) giảm lãi lũy kế từ ngày 15.7 - 30.9 là 11.813 tỉ đồng, đạt 57,31% so với cam kết. Riêng 4 NH thương mại nhà nước tiếp tục cam kết dành thêm 4.000 tỉ đồng để giảm lãi suất cho vay và thực hiện miễn toàn bộ phí dịch vụ NH trên địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16. Đồng thời triển khai đồng loạt việc miễn, giảm nhiều các loại phí như: phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, phí rút tiền tại ATM, phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại... Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian qua khoảng 1.759 tỉ đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.