Lại tăng cường…

09/07/2013 09:40 GMT+7

UBND tỉnh Lâm Đồng lại có văn bản chỉ đạo các địa phương, ngành chức năng “tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng” trên địa bàn. Trong những năm qua, “điệp khúc” này luôn xuất hiện ở hầu hết các cuộc họp, báo cáo, văn bản chỉ đạo, nhưng “máu rừng” vẫn không ngừng chảy.

Nhiều năm qua, bình quân mỗi năm Lâm Đồng có không dưới 1.000 vụ vi phạm lâm luật lớn nhỏ với hàng chục hecta rừng các loại bị phá. Năm 2012 lực lượng chức năng phát hiện 1.753 vụ vi phạm lâm luật, 6 tháng đầu năm nay, con số này đã là 848 vụ (tăng hơn cùng kỳ 21 vụ). Tình trạng chống người thi hành công vụ cũng gia tăng, đặc biệt đã xảy ra việc phá rừng làm rẫy có tổ chức với nhiều người tham gia, rừng ở vùng giáp ranh “nóng” trở lại… Tại 2 vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, Cát Tiên xảy ra nhiều vụ khai thác gỗ quý trái phép, cháy rừng, vụ nổ súng gây chết người gây dư luận không tốt và ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương. 

Việc kiểm tra, truy quét “lâm tặc” của lực lượng chức năng cũng luôn gặp điệp khúc “rất khó khăn” bởi sự tinh vi của “lâm tặc”. “Nhất cử, nhất động” của lực lượng này luôn được “lâm tặc” theo dõi sát sao để tìm cách đối phó. Đồng thời, những người vi phạm thường sử dụng xe “chế, độ” hết hạn sử dụng để vận chuyển lâm sản trái phép và khi bị phát hiện thường sử dụng số đông chống lại hoặc vứt bỏ phương tiện, tang vật chạy trốn… Dù nguyên nhân rừng bị xâm hại đã được ngành chức năng biết khá rõ nhưng việc xử lý, ngăn chặn dường như đang “bó tay”. Hầu hết những người vi phạm bị bắt, bị xử lý đều là người nghèo, còn thủ phạm chính cũng đã được nhìn nhận là các “đầu nậu” giàu có ngồi ở ngoài thì vẫn bình yên, bởi việc tìm, xử lý họ như “mò kim đáy bể”.

Nhiều văn bản các loại chỉ đạo những nội dung liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng đã được ban hành; các địa phương cũng xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, huy động công an, quân đội, kiểm lâm trong việc kiểm tra, truy quét, ngăn chặn, xử lý các hành vi xâm hại rừng nhưng tình hình vẫn… diễn biến phức tạp. Lần này, việc chỉ đạo cũng như giải pháp có vẻ kiên quyết hơn. Ngoài chỉ đạo xử lý mạnh “lực lượng nội bộ” nếu để xảy ra phá rừng, UBND tỉnh cũng yêu cầu truy quét lâm tặc theo hướng “5 không”: không thành lập đoàn, không nhất thiết có đầy đủ thành viên trong ban chỉ đạo, không thông báo trước vị trí và khu vực kiểm tra, không thông báo thời gian cụ thể để kiểm tra, không thông báo trước các thành viên tham gia nhằm phát huy hiệu quả và tránh "tai mắt" của lâm tặc. Không biết với những liệu pháp trên, “máu” rừng có ngừng chảy và mục tiêu giảm 20% số vụ vi phạm lâm luật trong năm 2013 của tỉnh này có thành hiện thực?

 Gia Bình

>> Lâm Đồng: Lại “nóng” chuyện phá rừng
>> Phá rừng, một phụ nữ bị phạt 30 triệu đồng
>> Phá rừng, một cá nhân bị phạt 40 triệu đồng
>> Hai cá nhân phá rừng bị phạt 60 triệu đồng
>> Bắt giam ba người phá rừng để trồng cà phê
>> Vụ phá rừng thông để khai thác đá: Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng yêu cầu tạm dừng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.