Xoa nhẹ là nhòe mực
Ngày 9.10, hai cán bộ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM (NHNN - TP.HCM) đã cùng PV Báo Thanh Niên đến thu đổi 2 tờ polymer 100.000 đồng có kích thước không đúng tiêu chuẩn của ông Đàm Ngoạt Danh (Báo Thanh Niên đã phản ánh). Cũng trong sáng 9.10, một độc giả tên Long, ngụ trên đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) đã gọi điện đến tòa soạn cho biết anh cũng đang có 2 tờ polymer loại 100.000 đồng có kích cỡ không bình thường như trường hợp ông Danh. Một độc giả khác là anh Nguyễn Ngọc Tuấn (thợ sửa xe máy tại số 405 Kinh Dương Vương, P.An Lạc, Q.Bình Tân, TP.HCM) cũng gọi điện cho biết tờ 10.000 đồng polymer (phát hành ngày 30.8.2006) của anh bị rớt xuống nước, khi anh nhặt lên xoa nhẹ vào áo thì tờ tiền lập tức bay màu, lem luốc, chữ và số bị phai màu nhòe nhoẹt. Khi đại diện NHNN TP.HCM đặt giả thiết có thể tờ tiền này tiếp xúc với nước có xăng, dầu nên bị phai màu, anh Tuấn đã nhanh chóng mang ra một xô nước sạch, lấy một tờ 10.000 đồng polymer khác ra và đề nghị đại diện NHNN-TP.HCM cùng làm thực nghiệm. Kết quả là sau khi nhúng nước và bị xoa nhẹ, tờ 10.000 đồng polymer mới cũng lập tức bị nhòe mực tương tự như tờ 10.000 đồng đầu tiên.
Tiền polymer 100.000 đồng có hình ca-rô vở học trò
... tiền bị nhòe...
... và tờ polymer có dấu ca-rô - Ảnh: Ngọc Toàn - D.Đ.Minh
Sáng 9.10, ông Hồ Minh Kính - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Bình Định đã cung cấp cho Thanh Niên 3 tờ tiền polymer loại 100.000 đồng trên bề mặt có nhiều hình ca - rô giống hệt như giấy vở học trò. Ông Kính cho biết 3 tờ tiền này là của một khách hàng ở TP Quy Nhơn (Bình Định) thanh toán tiền mua điện thoại di động (ĐTDĐ) cho người thân của ông vào ngày 7.10 vừa qua.
Được biết người mua ĐTDĐ và trả tiền trong đó có 3 tờ tiền này đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Địa lý của Trường đại học Quy Nhơn. Sinh viên này sau khi rút tiền từ máy ATM ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định (10 tờ mệnh giá 100.000 đồng) đã để quên trong túi quần khi giặt khiến tiền bị ướt. Sau đó, anh sinh viên này đã kẹp tiền vào vở để làm khô. Khoảng 15 phút sau, khi anh lấy tiền ra khỏi vở thì các hình ca-rô đã bám đều lên bề mặt của tiền, không cách nào xóa được. Anh sinh viên này cho biết trước đây với tiền cotton, mỗi khi bị ướt anh đều kẹp vào vở làm khô nhưng chưa bao giờ bị như vậy.
Chưa có giải thích về vụ tiền mẫu lọt ra ngoài lưu thông Sáng 9.10, ông Bùi Công Lư - Giám đốc Nhà máy in tiền Quốc gia và ông Nguyễn Văn Toản - Phó cục trưởng Cục Phát hành kho quỹ, NHNNVN đã có cuộc trao đổi với báo chí về một số vấn đề có liên quan đến tiền polymer. Ông Toản một lần nữa lặp lại các thí nghiệm chứng minh là chất lượng tiền polymer tốt. Tuy nhiên, khi được hỏi "Tại sao tiền mẫu lại lọt ra ngoài lưu thông?" thì cả hai ông này gần như không có câu trả lời. Ông Lư cho biết Nhà máy in tiền Quốc gia đang hoàn thành báo cáo về các vấn đề có liên quan đến tiền polymer được các báo nêu trong thời gian gần đây. Báo cáo này sẽ được gửi lên Chính phủ và có thể được công bố công khai. Hoàng Ly |
T.X - N.T - Đ.P
Bình luận (0)